Giá cước xe công nghệ tăng đột biến dịp Tết: Sao là chuyện thường?

Phạm Hiệp Thứ hai, ngày 20/01/2020 09:07 AM (GMT+7)
Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, hầu hết các hãng xe công nghệ như: Grab, Be, Go Viet... cũng điều chỉnh giá cước tăng đột biến. Nhiều khách hàng "kêu trời", nhưng nhiều người khác lại coi là việc bình thường. Vì sao lại vậy?
Bình luận 0

Mấy ngày qua, các hãng gọi xe Grab, be, Go Viet… thông báo vừa áp dụng phụ phí dịp Tết theo chuyến, dựa trên khung giờ và quãng đường di chuyển. Việc điều chỉnh tăng giá cước, phụ phí, theo đại diện các hãng gọi xe chia sẻ là "nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại rất cao trong thời gian sắp tới và bảo đảm thu nhập, cũng như khích lệ tinh thần hoạt động trong dịp nghỉ lễ cho các đối tác tài xế".

Hiện, việc các hãng gọi xe công nghệ tăng giá cước tăng đột biến khiến không ít khách hàng phàn nàn. Nhiều người tỏ ra bất ngờ vì cứ cách vài phút, giá cước lại có sự điều chỉnh ở mức giá cao hơn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân Việt, không ít khách hàng cũng bày tỏ sự thông cảm vì "nhu cầu đi lại cao, đường phố nhiều nơi tắc nghẽn, đi lại khó khăn, nếu không tăng cước chắc nhiều tài xế bỏ chạy xe, lúc đó, lại khó cho chính người sử dụng ".

Tăng giá đột biến ở ứng dụng đặt xe là gì?

Tăng giá đột biến, đây là một cụm từ không khó gặp với người dùng sử dụng dịch vụ với các ứng dụng đặt xe thông minh, nhất là vào các dịp lễ tết. Đây là chính sách điều chỉnh giá dựa trên kết nối giữa cung và cầu trong kinh doanh, được sử dụng bằng thuật toán rất nhiều công ty vận tải dựa trên nền tảng công nghệ khác sử dụng khi có sự mất cân bằng giữa cung và cầu.

Sự mất cân bằng cung - cầu này xảy ra khi có sự thay đổi về cả nhu cầu của người đi và sự sẵn có của tài xế. Với ứng dụng đặt xe Grab, việc này cũng được ứng dụng đặt xe áp dụng linh hoạt với mục đích tạo điều kiện tối đa cho người dùng.

Việc tăng giá đột biến so với giá cước thông thường người sử dụng dịch vụ thường thấy đó là giờ cao điểm, lúc mưa bão, khi diễn ra các buổi hòa nhạc lớn hay các dịp lễ tết khi nhu cầu di chuyển của người dùng dịch vụ tăng đột biến.

Theo đại diện một số hãng gọi xe công nghệ, vì nhu cầu gia tăng mà lượng cung tài xế không thay đổi, việc giá tăng sẽ làm giảm nhu cầu đi lại thông qua dịch vụ gọi xe điện tử và tăng số lượng tài xế sẵn sàng tham gia giao thông, cân bằng lại cung và cầu.

Những hành khách có mong muốn di chuyển đủ lớn để sẵn sàng trả mức giá đã tăng chắc chắn sẽ được đáp ứng nhu cầu, còn những hành khách có nhiều sự lựa chọn hơn và vì thế không chấp nhận mức giá cao có thể lựa chọn các phương tiện khác.

img

Các ứng dụng đặt xe thông minh có mức giá giờ cao điểm, hay khi người dùng có nhu cầu sử dụng tăng cao là do áp dụng chính sách tăng giá đột biến, việc này liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc của nền kinh tế thị trường tự do, giúp đảm bảo người tiêu dùng có được thứ họ muốn. (Ảnh minh hoạ)

Tăng giá đột biến vào giờ cao điểm thực chất giúp đảm bảo những người có nhu cầu đi xe có thể chắc chắn bắt được xe, lúc này không phụ thuộc vào may mắn hoặc sự lựa chọn của tài xế. Mục tiêu hướng đến giúp người đi xe nhanh chóng có được phương tiện di chuyển, tiết kiệm thời gian, góp phần hỗ trợ tối đa trong việc di chuyển của người đi xe.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá đột biến cũng khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và bất ngờ vì không biết cơ sở nào để các ứng dụng đặt xe tăng giá.

“Cứ mỗi lần bấm đặt xe là ứng dụng báo một mức giá khác, chỉ trong 10 phút, tôi nhận 3 lần báo giá khác nhau. Đầu tiên, ứng dụng báo 38.000 đồng, sau đó là 42.000 đồng và lần cuối là 48.000 đồng”, anh Nguyễn Hoàn (Hà Nội) cho biết.

Với các nhà khoa học, giáo sư Steven Suranovic từ Đại học George Washington (Hoa Kỳ) cho biết, hành vi này có thể làm trầm trọng hơn sự khan hiếm của sản phẩm, khiến cho sản phẩm không đến được với những người thực sự cần và sẵn sàng trả đúng giá hoặc thậm chí cao hơn để có được hàng hóa đó.

Tài xế lợi gì khi tăng giá đột biến?

Trái ngược với các quan điểm trên, theo các nhà ứng dụng đặt xe thông minh, việc tăng giá đột biến đảm bảo khách hàng vẫn nhận được dịch vụ theo yêu cầu mà không cần mất nhiều thời gian chờ đợi kể cả trong những hoàn cảnh khẩn cấp hay lúc cao điểm.

img

Việc tăng giá đột biến ở các ứng dụng đặt xe thông minh như Be, Grab... được cho là góp phần cải thiện thu nhập rõ rệt cho tài xế khi nhận cuốc và trước tiên, nó đảm bảo nhu cầu đi lại của khách hàng. (Ảnh IT)

Nhờ có chính sách tăng giá đột biến mà những khách hàng không sẵn sàng trả giá cước cao sẽ tìm phương án di chuyển thay thế. Ngoài ra, sự hấp dẫn của giá cước tăng cao cũng khiến các lái xe sẵn sàng đi tới những nơi đang tập trung nhu cầu của khách hàng, nhờ đó có thể tối đa hóa khả năng những khách hàng thực sự cần sử dụng dịch vụ sẽ được phục vụ.

Không những thế, tăng giá đột biến giúp phân bổ nguồn lao động hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung cũng như mang lại lợi ích cho tài xế nói riêng.Việc tăng giá đột biến có thể tạo ra sự phân bổ tài xế tốt hơn bằng cách giảm tiềm năng doanh thu của tài xế phục vụ khu vực đó, từ đó thúc đẩy tài xế chuyển đến các khu vực có nhu cầu cao hơn.

Mặc dù việc tăng giá như vậy làm giảm lợi nhuận trong khu vực được sử dụng, tuy nhiên nó có thể tăng tổng doanh thu trên các khu vực và có lợi hơn so với việc cung cấp tiền thưởng cho lái xe để di chuyển.

Với các tài xế, tăng giá đột biến tạo động lực cho các bác tài trong mỗi cuốc xe. Trung bình, tỷ lệ lợi nhuận giữa tài xế và chủ doanh nghiệp là 80/20. Việc phân chia lợi nhuận tương tự cũng được áp dụng trong quá trình tăng giá, do đó các tài xế sẽ có thu nhập tốt hơn nếu họ vẫn lái xe vào thời điểm nhu cầu đi lại gia tăng.

Những ưu đãi này là một sự khích lệ lớn đối với các tài xế khi đi trên đường vì nó không những đóng góp vào thu nhập của họ mà còn về điểm số tích lũy. Hệ thống giá tăng là một động lực để các tài xế quay trở lại trên đường.

“Nếu được thực hiện chính xác, công bằng và đúng theo quy định, chính sách tăng giá đột biến sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái quy chiếu bao gồm người tiêu dùng, người lái xe và nhà cung cấp dịch vụ. Chính sách tăng giá đột biến đã đảm bảo người dùng chắc chắn đặt được xe để hoàn thành công việc cá nhân, bên cạnh đó đem lại thêm thu nhập cho tài xế dịp Tết đến” – một đại diện ứng dụng đặt xe thông minh chia sẻ.

Cory Kendrick, một chuyên gia về dữ liệu, cùng với Giáo sư Chris Nosko đến từ Đại học Chicago (Hoa Kỳ) đã so sánh hai trường hợp cao điểm ở New York để minh họa cho lợi ích của chính sách “Tăng giá đột biến” (surge pricing) đối với khách hàng sử dịch vụ vận tải công nghệ. Tháng 3/2015, khi buổi hòa nhạc của ca sĩ Ariana Grande được tổ chức ở khu trung tâm Manhattan sắp kết thúc, số người dùng ứng dụng để gọi xe tăng gấp 4 lần chỉ trong vài phút. Thuật toán của một công ty vận tải công nghệ nhanh chóng áp dụng tăng giá đột biến, do đó lượng thời gian chờ xe trung bình chỉ tăng nhẹ trong khi tỷ lệ yêu cầu gọi xe được đáp ứng không bao giờ giảm xuống dưới 100%.

Ngược lại, vào đêm giao thừa năm 2014, thuật toán bị lỗi trong 26 phút và ở New York không có hiện tượng surge pricing. Vào thời điểm đó, thời gian chờ xe trung bình tăng khoảng 2 đến 8 phút, trong khi tỷ lệ người dùng gọi được xe giảm xuống dưới 25%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem