Đại gia Trầm Bê... “chạy trời không khỏi nắng”?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 02/08/2017 18:30 PM (GMT+7)
Thực tế, từ hồi tháng 4 năm 2013, đại gia Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công An) xác định “có sai phạm nghiêm trọng” liên quan đến vụ bê bối cho vay tại 4 ngân hàng (đại án Phạm Công Danh). Tuy nhiên, thời điểm này phía Ngân hàng Nhà nước lại xác định “Ông Trầm Bê không gây thiệt hại cho ngân hàng” nên không bị xử lý hình sự...
Bình luận 0

Tròn 4 năm 4 tháng sau ngày “thoát án”, ngày 1.8, đại gia người Việt gốc Hoa này đã chính thức sa vào vòng lao lý do những lùm xùm xảy ra vào hồi 4 năm trước (đại án Phạm Công Danh). Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công An) - ông Trầm Bê bị khởi tố với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

img

Sacombank không thiệt hại, Trầm Bê vì sao vẫn bị bắt?

Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 4.2013, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV, Phạm Công Danh đến gặp ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng (HĐTD) Sacombank, đề nghị cho vay tiền. Vì có mối quan hệ với Phạm Công Danh từ trước, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang (thành viên HĐTD, Tổng Giám đốc Sacombank) đã đồng ý cho Danh vay 1.800 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo là tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại Sacombank.

Sau đó, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục hồ sơ vay khống. Để gấp rút vay được 1.800 tỷ đồng, cấp dưới của ông Danh đã hoàn tất 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty, kèm bản phân chia vốn vay cho 6 công ty này.

Thực hiện yêu cầu của ông Trầm Bê và ông Khang, ông Phan Đình Tuệ (thành viên HĐTD, Phó Tổng Giám đốc Sacombank) đã chỉ đạo ông Bùi Văn Thành (Giám đốc Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo) và bà Trần Thị Hải Triều (Giám đốc Sacombank, chi nhánh Quận 8) triển khai cho 6 công ty vay tiền. Hai giám đốc này sau đó đã rót tiền vay cho 6 công ty, với số tiền 1.800 tỷ đồng dù rất nhiều hồ sơ, tài liệu khống đã được tạo lập để 6 công ty đủ điều kiện vay.

Ngày 26.4.2014 là ngày hết hạn của hợp đồng tín dụng, 6 công ty không trả được nợ vay. Và theo điều khoản hợp đồng, Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng, cộng với số lãi vay là 35 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại Sacombank để thu hồi nợ.

Do 6 công ty không có tài sản đảm bảo, không nhận nợ vay với NH Xây dựng nên nhà băng này không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay 6 công ty.

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công An), việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay vốn đã không thẩm định hồ sơ vay thực tế, hoặc thẩm định sơ sài về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay từ các hợp đồng nguyên tắc để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng... theo quy định.

Hành vi này tuy không gây thiệt hại cho Sacombank nhưng phía cơ quan điều tra xác định, trong phi vụ này ông Trầm Bê đã “tiếp tay” giúp ông Danh gây thất thoát 1.800 tỷ đồng của VNCB. Chính vì vậy, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trầm Bê và 25 đối tượng liên quan về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Hành trình “chạy trời không khỏi nắng” của đại gia Trầm Bê

Sinh năm 1959, đại gia Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với cương vị Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến lâm sản Đông Anh (từ 1991-2001); sang năm 1999, ông Trầm Bê bắt đầu rót vốn và trở thành thành viên HĐQT của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI). Nhờ những thành công trong việc kinh doanh bất động sản, đại gia Trầm Bê bắt đầu chú ý đến ngành ngân hàng và quyết định đầu tư, trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào năm 2004.

Theo thống kê, năm 2004, tỷ lệ sở hữu của cha con ông Trầm Bê tại Ngân hàng Phương Nam chiếm tới  26,26% (ông Trầm Bê nắm 8,36%;  con gái Trầm Thuyết Kiều nắm 7,36%; con trai đầu Trầm Trọng Ngân nắm 1,86% và những người liên quan nắm 8,68%). Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp liên quan được mở ra gồm: Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (ông Trầm Bê làm Phó Chủ tịch HĐQT và con gái Trầm Thuyết Kiều làm Phó Giám đốc); Công ty Chứng khoán Phương Nam (con trai út Trầm Khải Hòa làm Chủ tịch HĐQT).

Bước sang năm 2009, từ những thành công của thị trường bất động sản, đại gia Trầm Bê đã bỏ ra tới gần 64 triệu USD để mua Vallco Shopping Mall (tại Trung tâm Thương mại Cupertino, bang Califonia, Mỹ). Thương vụ này giúp đại gia Trầm Bê bỏ túi khoản lợi nhuận 16 triệu USD sau 5 năm sau đó.

Tháng 2.2012, đại gia Trầm Bê bắt đầu thâu tóm cổ phiếu Sacombank. Khi đó, Ngân hàng Phương Nam đã bị tới 15.756 tỷ đồng, nợ xấu lên tới 45%. Bước sang tháng 6.2012, nọ xấu của Phương Nam tiếp tục tăng lên tới 55,3% dẫn đến việc mất thanh khoản trầm trọng. Lúc này, Trầm Bê và con trai là Trầm Khải Hòa rút khỏi ban lãnh đạo của Ngân hàng Phương Nam để tham gia điều hành tại Sacombank.

Sang tháng 4.2013, ông Trầm Bê bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công An) xác định “có sai phạm nghiêm trọng” liên quan đến vụ bê bối cho vay tại 4 ngân hàng (đại án Phạm Công Danh). Tuy nhiên, thời điểm này phía Ngân hàng Nhà nước lại xác định “Ông Trầm Bê không gây thiệt hại cho ngân hàng” nên không bị xử lý hình sự...

Những tưởng, đại giá Trầm Bê đã “hạ cánh an toàn” sau vụ việc.

Bước sang năm 2015, ngày 13.8.2015, Ngân hàng Phương Nam và Sacombank chính thức sát nhập. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau đó, ngày 11.11.2015, ông Trầm Bê xin thôi chức Phó Chủ tịch thường trực Sacombank và đến ngày 24.2.2017, Ngân hàng Nhà nước đã công bố chấm dứt vai trò điều hành của cha con ông Trầm Bê tại Sacombank.

Đến thời điểm hiện tại, ông Trầm Bê đã chính thức bị khởi tố.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết, sau khi có thông tin bắt giữ ông Trầm Bê và một số nguyên lãnh đạo cấp cao của Sacombank, ban lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có mặt tại nhà băng này để đảm bảo cao nhất quyền lợi khách hàng, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thông suốt.

"Chúng tôi đã kiểm tra, đánh giá sơ bộ các chỉ số hoạt động của Sacombank và nhận thấy đều ổn định. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ không chủ quan mà đã có phương án sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết và có cử tổ cán bộ theo sát diễn biến, hoạt động của nhà băng", ông Minh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem