Đại gia 8x Đặng Đức Thế Anh bất ngờ xuất hiện và thế chân kiềng tại Vinaconex

Huyền Anh Thứ năm, ngày 03/01/2019 11:36 AM (GMT+7)
Cục diện cuộc thâu tóm doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam Vinaconex dần rõ ràng hơn với sự xuất hiện của đại gia 8x Đặng Đức Thế Anh của Star Invest và trở thành đối trọng với ông Nguyễn Xuân Đông. Dự kiến, ngày 11.1 tới, cổ đông thế chân Viettel cũng sẽ lộ diện. Với cục diện thế "chân kiềng" của Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Bình luận 0

Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố báo cáo về việc trở thành cổ đông lớn của Công ty TNHH Đầu tư Star Invest.

Star Invest trở thành cổ đông lớn tại Vinaconex

Theo đó, Star Invest đã nâng sở hữu tại Vinaconex từ 0 cổ phiếu lên 33.455.400 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,57% từ ngày 24.12.2018.

Trong cùng ngày 24.12, Pyn Elite Fund đã bán ròng gần 34 triệu cổ phiếu VCG thông qua giao dịch thỏa thuận và phần lớn được thực hiện tại mức giá 25.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 836,4 tỷ đồng. Việc Pyn Elite Fund thoái vốn khỏi Vinaconex là điều không bất ngờ khi mà doanh nghiệp này mới đây đã khóa room ngoại về 0% nhằm thực hiện thương vụ thoái vốn Nhà nước. Một quỹ ETF ngoại đang hoạt động trên TTCK Việt Nam là VNM ETF cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu VCG trong danh mục do vi phạm tiêu chí về room.

img 

Như vậy, gần như chắc chắn Star Invest là doanh nghiệp đã chi ra khoảng 840 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phần từ quỹ ngoại Pyn Elite Fund sau khi Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là mức 0% vốn điều lệ.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông mới của Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước đã xuất hiện 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần, bao gồm An Quý Hưng đại diện bởi ông Nguyễn Xuân Đông (57,71%), Star Invest (7,57%) và một nhà đầu tư mua 21,3% cổ phần VCG từ Viettel vẫn chưa tiết lộ danh tính.

Những đại gia bí ấn dần hé lộ

Năm 2018, vụ thâu tóm Vinaconex đã thực sự trở thành tâm điểm của dư luận khi An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông chi tới hơn 7.000 tỷ đồng để mua trọn 57,71% lô cổ phần VCG do SCIC thoái vốn.

Sau những thương vụ thâu tóm, tổng cộng cả chục nghìn tỷ đồng đã đem về cho Nhà nước. Thế nhưng, điều giới đầu tư tò mò hơn cả chính là những toán tính của các đại gia bí ẩn trong các thương vụ nghìn tỷ này.

Star Invest, doanh nghiệp vừa nâng sở hữu tại Vinaconex vào ngày 24.12 vừa qua, là doanh nghiệp vừa mới được thành lập vào 9.11.2018 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong phiên đấu giá ngày 22.11 vừa qua, Star Invest cũng là một trong 4 nhà đầu tư đã tham gia đấu giá nhưng đã thất bại trước An Quý Hưng. Người đại diện theo pháp luật của Star Invest là ông Đặng Thế Anh Đức sinh năm 1985. 

img 

Điều đáng nói, Star Invest của ông Đặng Thế Anh Đức vừa mới thành lập chưa đầy 2 tháng với vốn điều lệ 200 tỷ đồng nhưng lại có 840 tỷ đồng để mua 7,57% cổ phần Vinaconex.

Hiện giới đầu tư đang ngóng nhà đầu tư “thế chân” Viettel sở hữu 21,3% cổ phần có quyền biểu quyết ở Vinaconex. Nếu cổ đông này gom thêm đủ số cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu ở Vinaconex lên trên 25% thì họ đã có thể phủ quyết nhiều chủ trương quan trọng (như bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty).

Trước đó, ngoài Công ty An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông thì còn có sự đồng hành của CTCP Tập đoàn Cotana (Cotana Group) trong thương vụ chi 7.367 tỷ đồng để ôm trọn 57,71% cổ phần Vinaconex.

Cotana Group tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam được thành lập từ năm 1993, do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch HĐQT và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng.

img 

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Cotana Group

Tại thời điểm đó, những dự án đầu tiên của Thành Nam chỉ là các công trình thi công xây dựng quy mô nhỏ. Sau 24 năm hoạt động, vào năm 2017, Công ty đã quyết định tái định vị hình ảnh công ty bằng cái tên mới “Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana”. Đến nay công ty đã trở thành một tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng với 20 công ty con, công ty thành viên và liên kết khác hợp tác làm nhiều dự án trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, Cotana., JSC đóng vai trò là công ty mẹ.

Nhắc đến cái tên Thành Nam, người ta nhớ đến đây chính là doanh nghiệp đã tham gia thi công khu nhà ở cao tầng đầu tiên của thủ đô tại Định Công, cũng là cái tên gắn liền với nhiều dự án khu đô thị lớn như Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Văn Quán, Việt Hưng…

img 

Không dừng lại ở đó, Cotana Group còn mở rộng lĩnh vực hoạt động sang cả đầu tư và sản xuất các vật liệu xây dựng, nội thất… Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng trở thành cổ đông sáng lập của CTCP đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) – Chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Ecopark, đồng thời hợp tác thành công với các đối tác tên tuổi trong ngành xây dựng như: Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) – chủ đầu tư của nhiều khu đô thị lớn tại Hà Nội, Bắc Ninh; Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) với dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên…

Vào ngày 11.1.2019 tới đây, Vinaconex sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Nội dung cuộc họp dự kiến là việc kiện toàn nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022 (sau thoái vốn). Nhiều khả năng, khi đó danh tính các cổ đông tham gia sẽ lộ diện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem