“Cơn bão” Trần Bắc Hà: VnIndex lên 1.000 điểm, cổ phiếu BID giảm sàn

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 04/06/2018 12:35 PM (GMT+7)
Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV đã khiến cổ phiếu BID giảm kịch sàn và trắng bên mua thời điểm đầu phiên giao dịch sáng 4.6. Tuy nhiên, thị trường vẫn tăng điểm và VnIndex lên mức 1.000 điểm.
Bình luận 0

img

Cổ phiếu BID trong sáng 4.6 từng có lúc giảm sàn trước khi về gần với mốc tham chiếu sau những thông tin thiếu tích cực về ông Trần Bắc Hà

Cổ phiếu BID đỏ sàn sau tin xấu về ông Trần Bắc Hà

Diễn biến của cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng như của chỉ số VnIndex thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong phiên giao dịch sáng 4.6.

Đặc biệt sau khi Thông cáo báo chí kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi chiều 2.6 có nội dung về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Trong đó, nhấn mạnh những vi phạm của đồng chí Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các đồng chí Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

img

Những thiệt hại trên TTCK Việt Nam từ tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt

Bởi trước đó những tin đồn về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt đã gây chấn động thị trường chứng khoán. Cụ thể, ngày 9.8.2017, sau tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt, giá cổ phiếu BID đã giảm kịch sàn và trắng bên mua. VnIndex giảm gần 18 điểm, vốn hóa trên toàn TTCK Việt Nam “bốc hơi” 45.849 tỷ đồng, riêng vốn hóa BIDV trên sàn chứng khoángiảm 7.521 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 2.2013, tin đồn tương tự liên quan đến ông Trần Bắc Hà, lúc đó là Chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt cũng đã khiến thị trường mất khoảng 1,5 tỷ USD vốn hoá.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng 4.6 trên TTCK Việt Nam, thời điểm bắt đầu đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), cổ phiếu BID đã giảm sàn. Đồng thời, giá trị giao dịch của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng như ACB, CTG, MBB, SHB, VCB, STB, VIB cũng giảm.

Song sau đó lực bắt đáy nhập cuộc mạnh đã giúp chỉ số VnIndex tăng nhẹ 0,5 điểm sau đợt ATO.

Việc nhà đầu tư đồng loạt nhập lệnh ATO để mua BID đã giúp mã này thoát sàn. Mức giảm sau đợt ATO đã dần được thu gọn lại còn khoảng 1.000 đồng/cổ phiếu.

Biên độ giảm của BID cũng như các mã ngân hàng đang thu hẹp ngày càng nhanh, thậm chí nhiều cổ phiếu đã tăng giá, riêng BID tiến gần về mức tham chiếu trong 30 phút đầu phiên.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 4.6, giá trị giao dịch của cổ phiếu BID ở mức 29.100 đồng/cổ phiếu, giảm 600 đồng/cổ phiếu (2,02%), vốn hóa của BIDV trên sàn hiện còn 99.485 tỷ đồng.

Sau phiên giao dịch sáng 4.6, chỉ số VnIndex tăng 10,81 (1,09%) lên 1.003,68 điểm; Hnx-Index tăng 1,03 điểm (0,89%) lên 116,77 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên TTCK Việt Nam đạt 2.448,9 tỷ đồng.

Ngoài thông tin không tích cực từ cổ phiếu BID và TCB, các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB, VPB, MBB, VCB, HDB…hiện giao dịch khá tích cực và tăng điểm.

Dẫn dắt đà tăng của thị trường là các Bluechips VJC, VNM, BVH, GAS, HPG, HSG, DHG, CTD…Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành chứng khoán, xây dựng, bất động sản cũng giao dịch khá tích cực.

Cổ phiếu TCB của Techcombank giảm sàn ngày chào sàn

Một sự kiện đáng chú ý trong phiên giao dịch sáng 6.4 là hơn 1,16 tỷ cổ phiếu TCB của Techcombank chào sàn HOSE với giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phiếu, giá trị thị trường của Techcombank là 6,5 tỷ USD, tương đương 119.350 tỷ đồng. Điều này giúp Techcombank ngay lập tức lọt vào Top 10 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn lớn nhất thị trường.

Gần đây, hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông TCB đã được bán thành công cho các quỹ đầu tư trên thế giới, và hôm nay là ngày đầu tiên các quỹ được quyền chính thức giao dịch.   

img

Chủ tịch Hồ Hùng Anh đánh cồng đánh dấu sự kiện cổ phiếu TCB của Techcombank chính thức lên sàn

Chia sẻ tại sự kiện niêm yết, Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết: “Bằng việc niêm yết và đưa vào giao dịch hơn 1,16 tỷ cổ phiếu, Techcombank tiếp tục phát triển theo hướng ngày càng hiệu quả, chuẩn mực và minh bạch hơn. Số lượng cổ phiếu niêm yết sẽ tăng tính thanh khoản, tạo thuận lợi cho cổ đông và các nhà đầu tư giao dịch trên sàn.  Mặt khác, chúng tôi tiếp tục tập trung vào chiến lược phát triển ngân hàng nhằm đạt được kết quả kinh doanh đúng với mục tiêu tăng trưởng bền vững đã được HĐQT và cổ đông thông qua.

Cùng với sự kiện Techcombank chính thức niêm yết cổ phiếu trên HOSE, ngân hàng cũng đã công bố kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 14.6.2018 tới, nhằm trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của Ngân hàng.

Mục tiêu của đợt tăng vốn này một phần nhằm chia sẻ lợi ích với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Với mức vốn điều lệ mới dự kiến là 34.965 tỷ đồng, cổ đông sẽ nhận được thêm cổ phiếu với tỷ lệ 1:2 (mỗi cổ phiếu hiện tại sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới).

img

Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh đại diện cho Techcombank trao tặng 200 triệu đồng cho quỹ vì người nghèo TP.HCM

Nhưng trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu TCB đã bị đẩy xuống mức giá sàn 102.400 đồng/cổ phiếu, thanh khoản khớp lệnh đạt 795.090 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 81,417 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu TCB đang ở trình trạng trắng bên mua, dư bán 1.203.280 cổ phiếu.

Về cơ cấu sở hữu cổ phần, Trong vòng 1 năm trở lại đây, cơ cấu sở hữu tại ngân hàng cũng đã có nhiều sự thay đổi, cơ cấu khá cô đặc trước kia đã giãn ra nhiều.

Theo bản báo cáo bạch, số lượng cổ đông tại Techcombank hiện tại là 1.901 người, trong đó có 1.700 cá nhân và 201 tổ chức.

Hiện ngân hàng chỉ có 1 cổ đông lớn duy nhất là Masan Group với tỷ lệ sở hữu là 14,99%. Ông Hồ Hùng Anh và người liên quan sở hữu tới hơn 17% vốn của ngân hàng.

Về kết quả kinh doanh, năm 2017, Techcombank ghi nhận Tổng Thu nhập hoạt động 16,3 ngàn tỉ đồng, và Lợi nhuận trước Thuế (PBT) hơn 8 ngàn tỉ đồng, lần lượt tương đương hơn 720 triệu USD và 354 triệu USD với tỉ giá 1 USD = 22.425 VND vào ngày 31.12.2017. Năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%; lợi nhuận trước thuế ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. 

Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy Techcombank có hiệu quả hoạt động cao nhất trong ngành với tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROAE) và lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROAA) lần lượt là 23,84% và 2,09%. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem