Chưa thể tăng vốn cho ‘Big 4’ NH Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank

P.V Thứ hai, ngày 11/11/2019 11:11 AM (GMT+7)
Đề xuất dùng ngân sách tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank Agribank được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đưa ra trước Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV vẫn chưa được đưa vào nghị quyết kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020 do đây là việc hệ trọng.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 88,02% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các ĐBQH cũng như nhà đầu tư trong buổi sáng 11/11 là việc bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho nhóm “Big 4” ngân hàng bao gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank Agribank.

Giải trình các vấn đề được quan tâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – ông Vũ Hồng Thanh, cho biết, đã có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

“Việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

img

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

Liên quan đến kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, bao gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank Agribank, thời điểm trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ việc triển khai giải pháp cơ cấu lại của các ngân hàng thương mại Nhà nước, kịp thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động để khắc phục các tồn tại, yếu kém.

Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, bao gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, đạt 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống. Cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.

Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank.

“Để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank”, ông Lê Minh Hưng cho biết.

img
"Big 4" ngân hàng bao gồm: hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank Agribank.

Cũng theo Thống đốc NHNN, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

“Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng này là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế”, ông Lê Minh Hưng cho hay.

Từ thực tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo các nghị quyết trên, trong trung hạn từ 2016-2020 không bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn tại các ngân hàng thương mại. Đây cũng là khoảng thời gian mà Ngân hàng Nhà nước, cũng như các ngân hàng trong khối này nhiều lần có kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong tăng vốn điều lệ nhưng chưa được đáp ứng.

img

Trước khi thông quan toàn bộ Nghị quyết, Quốc hội đã thông qua 12 chỉ tiêu chủ yếu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 87,37% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2020 gồm:

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%;

2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%;

4. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;

5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;

6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;

7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%;

8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%;

9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh;

10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%;

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%;

12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem