Cây xăng Nhật : Sẽ không còn thói quen "đóng cửa khen nhau"

Thứ ba, ngày 17/10/2017 10:18 AM (GMT+7)
Đánh giá việc đại gia xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan mở trạm xăng bán lẻ Idemitsu Q8 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là tín hiệu tốt lành, và điều này sẽ làm cho doanh nghiệp trong nước “thức tỉnh”.
Bình luận 0

img

Ông Thịnh đánh giá, một khi đã để doanh nghiệp nước ngoài “mê hoặc” và làm cho khách hàng thích thú với sản phẩm của họ thì đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam tự phải “đóng cửa”.

Theo ông, việc doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam mở cây xăng và mang theo đạo đức kinh doanh cùng sự minh bạch liệu có tạo cho thị trường xăng dầu trong nước “sinh khí” mới hay không?

- Tôi tin sẽ có tác động rất lớn vì từ trước đến nay, thị trường xăng dầu vẫn còn là một trong những lĩnh vực độc quyền của một vài doanh nghiệp lớn, vài “ông lớn” đã chiếm hơn 70% thị phần cả nước. Cho nên, việc một doanh nghiệp Nhật vào kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam sẽ phá vỡ đi sự độc quyền về kinh doanh xăng dầu trong nước. Chỉ qua một vài “sự việc” đã cho thấy mối quan hệ giữa chủ hàng với khách hàng đã có ngay những nét thay đổi. Đơn cử, họ coi việc kinh doanh và chăm sóc khách hàng là lẽ sống và giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.

Họ cũng coi khách hàng thực sự là người đem đến may mắn và giàu có cho doanh nghiệp mình. Do vậy, họ rất tôn trọng và thực hiện đúng tôn chỉ mục đích kinh doanh là phục vụ. Chỉ cần nhìn thái độ ân cần, niềm nở thậm chí “săn đón” khách hàng chúng ta sẽ thấy ngay sự khác biệt và chuyên nghiệp như thế nào.

Từ việc ông chủ cây xăng đứng chào khách hàng dưới trời mưa, nhân viên thì tận tình hướng dẫn giúp đỡ khách hàng lau chùi xe cẩn thận, tận tình. Họ còn khẳng định chất lượng và số lượng với khách hàng như cam kết đã khiến người mua tin tưởng, thoải mái và được tôn trọng từ hình thức đón tiếp đến sản phẩm được cung cấp.

Nếu các cây xăng này được phát triển rộng rãi thì tôi tin chắc rằng ngành kinh doanh, bán lẻ xăng dầu của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi.

Đây là bước đột phá trong kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, giúp cho thị trường năng động, công khai, minh bạch hơn. Đồng thời đưa người mua, người bán về đúng vị trí của mình, làm cho đạo đức kinh doanh trở nên trong sáng hơn.

Qua sự kiện này là minh chứng rõ ràng và cụ thể nhất cho hai từ "hội nhập" mà không còn chung chung nữa, thưa ông?

Chúng ta hay nói Việt Nam đang hội nhập và kinh doanh theo kinh tế thị trường, nhưng thực tế từ trước đến nay chúng ta vẫn tự “đóng cửa” với chính mình. Qua việc này đã làm cho nhiều chủ doanh nghiệp cũng như nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhìn vào và nếu không tự thay đổi mình thì nguy cơ mất thị phần và phá sản sẽ rõ ràng hơn.

Từ một việc “nho nhỏ” này sẽ khiến nền kinh tế và các doanh nghiệp nội tự khắc năng động và hiệu quả. Điều này chắc chắn doanh nghiệp phải làm, vì Việt Nam đã tham gia sâu với nền kinh tế thế giới.

Như vậy, không cần phải “bơi ra biển lớn” nữa mà thực tế “nước biển” đã tràn vào đến tận trong nhà rồi, theo ông các doanh nghiệp sẽ phải ứng phó như thế nào trước xu thế này?

- Doanh nghiệp Nhật vào kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam chỉ là dấu hiệu đầu tiên thể hiện việc hội nhập đã tác động vào nền kinh tế nước nhà. Đây là tín hiệu tốt lành, làm cho doanh nghiệp trong nước “thức tỉnh”, vì nếu không năng động, chủ động và tự đổi mới thì sẽ bị “thất trận” ngay trên sân nhà. Bởi một khi doanh nghiệp nước ngoài tự tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước, rồi sau đó “mê hoặc” và làm cho khách hàng thích thú với sản phẩm của họ thì đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam "tự giác" phải đóng cửa.

Thông qua hiện tượng đại gia xăng dầu vào kinh doanh sẽ cho chúng ta thấy một điều, tuy không có gì to tát, nhưng sau đó sẽ là một trào lưu “bắt buộc” nếu các doanh nghiệp nước ngoài "tràn vào" trong thời gian tới đây.

Chúng ta đã nói rất nhiều đến một nền kinh tế thị trường, tâm lý cũng đã chuẩn bị khá kỹ. Tuy nhiên, chỉ với việc một doanh nghiệp Nhật vào kinh doanh xăng dầu với văn hóa kinh doanh rất chuyên nghiệp cũng đã khiến thị trường nội “nhốn nháo”. Vậy, tại sao chúng ta không chịu “tập dượt” để giờ phải “giật mình”, thưa ông?

- Từ trước đến nay chúng ta có thói quen “đóng cửa” tự nhìn và khen nhau. Các cơ quan chức năng cũng nói rất nhiều về hội nhập, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cũng tốn không  biết bao nhiêu giấy mực để học cách thức phân phối, bán hàng của Nhật Bản, nhưng để đi từ lý thuyết đến thực tế vẫn còn có một khoảng cách dài. Vì như một “thói quen”, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường “cư xử” với khách hàng của mình theo kiểu “ban phát” của một “ông chủ” mà quên mất rằng họ đang là thượng đế.

Nếu không bỏ cách ứng xử “hất hàm” với câu hỏi mua bao nhiêu hay gắt gỏng với khách hàng khi mua xăng như hiện nay thì bị “mất khách” vào tay các doanh nghiệp nước ngoài là điều khó tránh khỏi.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt (Diễn đàn doanh nghiệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem