Cầu xây xong 2 năm nhà tài trợ vẫn nợ tiền

Phi Long Thứ năm, ngày 26/07/2018 10:36 AM (GMT+7)
Là những doanh nghiệp có tên tuổi nổi “như cồn” nhưng công ty TNHH SX TM DV Yên Khánh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình tại trợ xây dựng 2 cây cầu tại quyê hương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khánh thành 2 năm vẫn chưa chịu trả tiền cho nhà thầu thi công.
Bình luận 0

img

Cầu xây xong 2 năm nhà tài trợ vẫn nợ tiền (Ảnh: IT)

Kinh phí tài trợ chênh lệch lớn

Theo phản ánh trên một số cơ quan báo chí, chiều nay 18.9.2016, huyện Kim Sơn tổ chức Lễ khánh thành công trình cầu Hòa Bình (xã Như Hòa) và cầu Hùng Tiến( xã Hùng Tiến). Tới dự Lễ khánh thành có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình…

Nhiều phương tiện truyền thông cũng cho biết: “Sau hơn 6 tháng thi công với sự đầu tư ủng hộ của Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ quốc phòng), Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, công trình cầu cầu Hòa Bình (xã Như Hòa) và cầu Hùng Tiến (xã Hùng Tiến) đã hoàn thành với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng”. 

Trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Hùng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết: “Rút kinh nghiệm của nhiều địa phương, khi có nhà tài trợ tới đề nghị tài trợ công trình cho địa phương và tổ chức động thổ hoành tráng sau đó “mất hút”, UBND huyện Kim Sơn đã yêu cầu các nhà tài trợ phải có công văn nêu rõ mức hỗ trợ và đối ứng của huyện”.

Lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn cũng cho biết, đây là 2 cây cầu năm trên quê hương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được các nhà tài trợ đầu tư xây mới nhằm mục đích phục vụ đời sống nhân dân, và góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.

img

Cây cầu Hòa Bình đã đưa vào sử dụng được 2 năm nhưng nhà tài trợ vẫn nợ tiền đơn vị thi công (Ảnh: PL)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà tài trợ gồm có “nữ đại gia 8x” Vũ Thị Hoan – Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Yên Khánh đã có văn bản đề nghị UBND huyện Kim Sơn được tài trợ xây dựng cầu Hòa Bình tại huyện Kim Sơn với tổng mức vốn đầu tư là hơn 8,9 tỷ đồng. Trong đó, UBND huyện Kim Sơn phải bố trí nguồn vốn đối ứng cho chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn giám sát là hơn 350 triệu đồng.

Ngoài ra, một “đại gia” khác là ông Đinh Ngọc Hùng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Kim Sơn được tài trợ thi công cầu Hùng Tiến trên địa bàn xã Hùng Tiến huyện Kim Sơn với tổng mức đầu tư hơn 11,7 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của huyện Kim Sơn cũng phải bỏ ra cho công tác quản lý dự án, tư vấn giám sát và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng gần 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi xuống đến nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần phát triển đầu tư xây dựng kỹ thuật Đông Thành (Công ty Đồng Thành) ký hợp đồng thi công với Xí nhiệp Cầu 17 thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cenco1) ngày 3.5.2016 chỉ còn hơn 14 tỷ đồng và tiếp tục điều chỉnh bằng phục lục hợp đồng xuống còn hơn 13,5 tỷ đồng.

img

Cầu Hùng Tiến được các nhà tài trợ xây dựng mới phục vụ cho xây dựng nông thôn mới nhưng 2 năm nay nhà tài trợ vẫn nợ tiền (Ảnh: PL)

“Đại gia” nợ dai như “đỉa”

Trong đơn cầu cứu của ông Trần Văn Trải - Công ty Cổ phần phát triển đầu tư xây dựng kỹ thuật Đông Thành gửi tới Báo Dân Việt đã nêu rõ: “Từ khi 2 cây cầu khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay, đã có tới vài chục lần gửi công văn và thậm chí là phải bỏ tiền túi bay vào tận TP. Hồ Chí Minh để “ăn trực nằm chờ” đòi nợ mà vẫn chưa đòi được hết tiền thi công.

Ngày 21.11.2016, Công ty Đông Thành có “tráp đòi nợ” đầu tiên theo Hợp đồng KHTT ngày 3.5.2016 về việc thi công cầu Hùng Tiến và cầu Hòa bình huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Công văn nêu rõ, công trình đã được khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng từ ngày 18.9.2016 như sau 2 tháng số tiền các “đại gia” vẫn còn nợ công ty Đông Thành là 9,2 tỷ đồng.

Tiếp đến, ngày 29.11, Công ty Đông Thành lại có công văn “đòi nợ” thứ 2 nhưng vẫn không nhận được “hồi âm”. Ngày 22.12.2016, ông Trần Văn Trải tiếp tục ký văn bản “đòi nợ” tiếp theo nhưng vẫn không có kết quả nên đến ngày 6.1.2017 ông Trải đã phải gửi đơn “cầu cứu” trực tiếp tới Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Bình thì ngay sau đó ông Trải đã nhận được một khoản tiền 2 tỷ đồng nhưng các đại gia vẫn còn nợ tới hơn 7,2 tỷ đồng nên ngày 16.1  công ty của ông Trải lại tiếp tục có công văn đòi nợ tiếp theo.

Sau nhiều lần có công văn đòi nợ, công ty của ông Trải cũng nhận được thêm 1,2 tỷ nhưng khoản nợ vẫn còn hơn 6 tỷ nên ngày 20.2.2017 ông Trải lại tiếp tục có công văn đòi nợ thứ 6.

Tuy nhiên, cũng phải hàng loạt các “tráp” đòi nợ tiếp theo nhưng đến ngày 3.7.2017 ông Trải cũng chỉ được thanh toán thêm khoảng hơn 500 triệu đồng và vẫn còn khoản nợ hơn 5,5 tỷ đồng.

Hàng loạt các “tráp” đòi nợ và cử cả người tới “túc trực” tại công ty của các “đại gia” nhưng đến nay ông Trải vẫn còn khoản bị các “đại gia” nợ hơn 4,7 tỷ đồng chưa được thanh toán.

“Rất nhiều lần, chúng tôi gửi công văn đề nghị thanh toán nhưng các “đại gia” vẫn “khất” kéo dài khoản nợ. Việc quá chậm chễ trong quyết toán công trình đã gây khó khăn về tài chính cũng như uy tín và mối quan hệ của Công ty chúng tôi  với các đối tác”, ông Trải nói.

Mặc dù “chủ nợ” của ông Trải là các “đại gia” có tên tuổi nổi như cồn với những dự án đang đầu tư hàng nghìn tỷ, nhưng chỉ với vài tỷ đồng tài trợ xây cầu cho huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là quê hương của Chủ tịch nước nhưng không hiểu sao tới nay vẫn nợ “dai như đỉa”?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem