Cao tốc 34.000 tỷ chi chít ổ gà: Đừng sửa chữa kiểu đối phó!

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 16/10/2018 11:19 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế về dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đầu tư 34.000 tỷ đồng vừa mới đưa vào sử dụng đã chi chít ổ gà.
Bình luận 0

img

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia Phạm Sanh cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định nguyên nhân là do chất lượng thi công kém, do quá trình triển khai, giám sát… hay do nguyên nhân gì thì Bộ GTVT phải là đơn vị kiểm tra, làm rõ.

Cũng theo ông Sanh, việc sửa chữa chắp vá như hình ảnh mà báo chí đưa thông tin trong những ngày qua, dùng tay đào lên rồi vá lại thì làm sao đảm bảo được. “Đường cao tốc là chạy với tốc độ cao mà sửa chữa kiểu chắp vá bằng tay như thế thì làm sao đảm bảo được. Nếu chạy ở tốc độ cao, xe bị tai nạn thì ai sẽ chịu trách nhiệm”, ông Sanh nói.

Theo ông Sanh, đã có chuyên gia, nhà quản lý cho rằng phải cào lên và làm lại toàn bộ đoạn bị hư hỏng thì mới đảm bảo được chất lượng.

“Cần phải xem lại trách nhiệm của Ban Quản lý dự án này vì sao để cho đơn vị nhận thầu thi công lại chỉ “ngồi ăn không”, trong khi bán 100% một số gói thầu cho các đơn vị khác. Nói chung, đường ở Việt Nam nếu làm xong đưa vào sử dụng mà không hỏng thì mới là chuyện lạ”, ông Sanh nói.

img

Ông Trần Dân - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho biết: Ông cùng một số thành viên của Hội đã trực tiếp đi khảo sát toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Qua quan sát thực tế, ông Dân nhận thấy, các hư hỏng trên tuyến cao tốc xảy ra cục bộ, ở các vị trí sụt lún, đọng nước. “Điều đó cho thấy chất lượng thi công có vấn đề, có thể việc xử lý nền đường, chống lún chưa tốt. Khi hư hỏng, việc sửa chữa cũng không đảm bảo nên tiếp tục bong tróc”, ông Dân nói.

Muốn sửa chữa triệt để các hư hỏng, phải rõ nguyên nhân dẫn tới hư hỏng, sửa từ cốt nền lên, còn việc sửa chữa lớp mặt đường hiện cũng chỉ tạm thời. Về trách nhiệm, theo ông Dân, có cả từ chủ đầu tư, tư vấn giám sát do chưa làm hết trách nhiệm, nhà thầu thi công ẩu, sai kỹ thuật.

TS. Huy Y, nguyên Giám đốc Liên hiệp Khoa học Địa chất và Du lịch Việt Nam, đánh giá, mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng do chất lượng vật liệu và thi công có vấn đề. Cùng đó, địa chất Việt Nam rất phức tạp, nhiều hố sụt, vệt đứt gãy, nên tuyến đường lún cũng có thể do khâu khảo sát, thiết kế chưa đảm bảo. “Do đó, để khắc phục triệt để, phải khảo sát lại cả cốt nền, nếu chỉ sửa lớp mặt một thời gian sau sẽ lại hư hỏng”, ông Y nói.

Trả lời Báo NLĐ, PGS-TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng), cho rằng để xảy ra hư hỏng ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện.

img

Ông Chủng cho rằng, đường cao tốc là công trình giao thông có yêu cầu đặc biệt về an toàn, bởi các phương tiện giao thông được lưu hành với tốc độ cực cao (120 km/giờ). Bất kỳ một sự không êm thuận của mặt đường đều có thể gây ra những tai nạn thảm khốc. Bộ GTVT, với trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông cần có những chỉ đạo kịp thời, không chỉ tìm ra giải pháp khắc phục mà cần nghiêm khắc rút ra bài học cho mọi dự án đường cao tốc đang và sẽ triển khai.

“ Không phải chuyện đùa! Lớp bề mặt rất quan trọng. Ngoài việc bảo đảm độ êm thuận thì lớp bề mặt còn bảo đảm độ bám dính. Chạy 120 km/giờ mà độ bám dính thấp là rất nguy hiểm. Lồi lõm như đường cao tốc này thì còn gì mà bám dính nữa! Ai cho phép chạy với tốc độ trên thì người đó phải chịu trách nhiệm khi có tai nạn”.

Liên quan tới gói thầu A5, nhà thầu chính là Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd thuê thầu phụ thi công 100% công việc khi chưa có sự đồng ý của chủ đầu tư, ông Chủng cho biết đó là quá sai. Không ai cho phép làm như thế.

Tuy nhiên, vì đường cao tốc này sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài nên trong việc này, Thanh tra Bộ GTVT cần phải xem lại các điều khoản mà chúng ta đã ký với đối tác khi vay vốn, có điều khoản nào cho phép việc này không. Cá nhân tôi nghĩ không có quy định nào cho phép như thế trong các cam kết. Nếu có thì ông nào ký cam kết, ông đó có lỗi.

Cũng trong chiều ngày 15.10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị Quốc hội làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, vừa mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng.

Phát biểu về các báo cáo về kinh tế - xã hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH đề nghị Chính phủ cần làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, và các công trình giao thông nói riêng. "Nhiều công trình, trong đó có các công trình giao thông xuống cấp rất nhanh"- bà Nga nói và đề nghị phải trả lời được câu hỏi "vì sao công trình làm thì lâu mà xuống cấp rất là nhanh?".

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình -Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm (sáng 11.10.2018), đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân đường hư hỏng là do thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều cơn mưa. Tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định ngay không thể có nguyên nhân do mưa nhiều hay thời tiết tác động làm hư hỏng mặt đường, cũng không phải do xe chạy quá nhiều dẫn đến đường hỏng, mà đây là do chất lượng thi công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem