Cần sớm ban hành Luật không khí sạch!

Thuận Hải Chủ nhật, ngày 20/10/2019 07:48 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, nếu người dân biết “đòi hỏi”, cơ quan chức năng phải xây dựng thêm nhiều công viên cây xanh, có chính sách khuyến khích trồng cây hay ban hành luật về không khí sạch…
Bình luận 0

TP.HCM còn ít cây xanh quá!

Chia sẻ tại hội thảo “Hiểu về ô nhiễm không khí” vừa tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua, bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc tổ chức Change chia sẻ: “Sài Gòn còn ít công viên cây xanh quá! Các chung cư, cao ốc mọc lên san sát trong khi cây xanh rất ít”. Bà Hồng nói thêm, các nhà đầu tư đều ngần ngại khi rót vốn vào một địa phương hay quốc gia có không khí bị ô nhiễm (viết tắt là ô nhiễm). Như tại Trung Quốc, khi ô nhiễm đến mức nghiêm trọng, Chính phủ đã phải ban hành luật để các nhà máy phải di dời ra khỏi nội thành, hạn chế phương tiện cá nhân… nhằm cải thiện chất lượng không khí.

img

Máy lọc không khí đầy bụi.

“Dân Sài Gòn phải biết đòi hỏi thêm đi, thêm nhiều công viên cây xanh nữa thay vì các cao ốc, chung cư cao tầng… Ở New York, ở những khu gọi là “đất vàng” nhưng là công viên cây xanh nên bất khả xâm phạm”, bà Hồng đề xuất.

Cần sớm ban hành Luật không khí sạch

Theo TS. Trần Ngọc Đăng, giảng viên bộ môn Sức khỏe Môi trường (khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM), một nghiên cứu mới đây đã công bố, bụi mịn có khả năng xuyên vào nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi, gây sinh non, gia tăng khả năng sinh nhẹ cân, sẩy thai… Ngoài ra, trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng mà cha mẹ cần phải lưu tâm vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm với không khí. Nếu trẻ sớm tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khi lớn, phổi sẽ không bình thường.

Trước những tác động nguy hiểm của không khí ô nhiễm đến sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn phó chủ tịch Hội nước và Môi trường TP.HCM cho rằng, từ khi tham gia vào mạng lưới không khí sạch tại Việt Nam, ông cũng như các chuyên gia khác trong lĩnh vực môi trường luôn muốn Quốc hội ban hành Luật không khí sạch. “Các chuyên gia môi trường đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị về bộ luật này nhưng đến vẫn chưa được Quốc hội quan tâm”, ông Tuấn nhấn mạnh. “Tôi đã từng cho sinh viên làm đề tài so sánh các điều khoản về không khí trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam với Luật không khí sạch của Hoa Kỳ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã từng nghiên cứu về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ban hành Luật không khí sạch”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn còn lo ngại các giải pháp bảo vệ môi trường hiện nay chỉ được thực hiện “nửa vời”. Như việc kiểm định xe máy. Tại TP.HCM, năm 2007, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đã tổ chức ngày hội kiểm định xe máy nhưng từ đó đến nay, vấn đề kiểm định xe máy vẫn chưa thực hiện. Hay như việc nâng cao chất lượng xăng dầu, giảm khí thải nhằm cải thiện chất lượng môi trường. Vào năm 2001, Việt Nam đã có chiến dịch loại bỏ xăng có chì. Chất lượng không khí tại TP.HCM và các vùng lân cận sau đó được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia, xăng của Việt Nam chứa hàm lượng diesel quá cao, sản sinh ra lượng bụi mịn PM1.0 có tác hại nguy hiểm hơn cả bụi mịn PM2.5!

“Chúng ta đã ban hành nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng không khí nhưng không đủ mức quyết liệt để ngăn chặn. Các hành động hiện nay chỉ tạm thời. Về lâu dài, cần có giải pháp tổng hợp và quyết tâm cao mới có thể thực hiện được”, ông Tuấn kết luận.

Có nên sử dụng máy lọc không khí có sản sinh ozon? Trả lời câu hỏi này, TS Trần Ngọc Đăng cho rằng, nhiều quảng cáo cho rằng, máy lọc không khí sản sinh ra ozon để khử mùi tốt hơn nhưng trong khoa học lại khuyến cáo không nên sử dụng máy lọc có ozon. Vì ozon cũng là chất không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, để máy lọc không khí hoạt động hiệu quả, cần chọn sản phẩm phù hợp với diện tích phòng, lưu lượng không khí trong phòng và tuân thủ các khuyến cáo về vệ sinh, thay thế phụ tùng…

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem