Kinh hoàng cước tàu vận tải biển quốc tế: Liên tục đội giá, cao hơn cả trong đại dịch Covid-19

Phan Minh Thông Thứ ba, ngày 06/02/2024 09:58 AM (GMT+7)
LTS: Những ngày giáp Tết hối hả, Báo Dân Việt nhận được bài viết của ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh phản ánh giá cước tàu chở hàng nông sản đi châu Âu, châu Mỹ đã tăng chóng mặt, còn kinh khủng hơn cả đợt dịch Covid-19 bùng phát.
Bình luận 0

Điều đáng nói, trong khi các nhà xuất khẩu đứng trên bờ vực phá sản vì mọi chi phí tăng cao thì các hãng tàu thu được siêu lợi nhuận.

Các hãng tàu thu lãi khủng nhờ... đại dịch Covid-19

Hồi đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam đang phát triển khá tốt, công việc kinh doanh đầy khí thế hừng hực. Chúng tôi vẫn nhớ lúc đó hàng triệu containers xuất khẩu các loại hàng hóa, các chuyến tàu đầy ắp containers từ Việt Nam đi khắp thế giới. Giá cước tàu từ cảng TP. Hồ Chí Minh đi cảng chính châu Âu lúc đó cũng khá hấp dẫn, khoảng 600 USD/container 20’ fcl. Không ai nghĩ thế giới sẽ thay đổi chóng mặt chỉ sau vài năm với đại dịch Covid.

Lúc đầu năm 2019 và 2020, chúng ta chưa nhận ra đại dịch nó kinh khủng thế nào, cho nên chúng ta vẫn ký hợp đồng bán hàng giao hàng xa vài ba tháng đến 1 năm. Thực ra vì chưa trải qua sự biến động lớn của thế giới suốt gần 40 năm, cho nên chúng ta cũng chưa nhận thức rõ mọi thứ có thể thay đổi và biến mất chỉ vài tháng.

Kinh hoàng cước tàu vận tải biển quốc tế: Liên tục đội giá, cao hơn cả trong đại dịch Covid-19- Ảnh 1.

Những container chứa đầy cà phê chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại Nhà máy cà phê Phúc Sinh ở tỉnh Bình Dương. Chỉ riêng chi phí cước tàu vận tải quốc tế, năm 2022 Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã phải chi trả tới 32 tỷ đồng. Ảnh: H.Y

Với dịch Covid bắt đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc) thì các nước châu Á không phải là nơi đầu tiên chịu sự khủng hoảng mà lại là các nước châu Âu. Chính vì thế, sự tắc nghẽn trong điều hành và phân phối hàng ở châu Âu bắt đầu.

Đầu tháng 2/2019, giá cước tàu từ Hồ Chí Minh đi Hamburg từ 600 USD/container 20’ fcl tăng lên 800 USD/Container 20’ fcl, lúc này các nhà xuất khẩu hầu như không có phản ứng, dù sao 800 USD/container 20’ fcl vẫn hợp lý. Sau đó cước tàu tăng lên 1.000 USD rồi 1.500 USD/cont 20’ fcl. Các nhà xuất khẩu bắt đầu cảm thấy kinh khủng. Cước tàu tăng và hãng tàu chơi trò tâm lý "thiếu chỗ". Nghĩa là chỗ trên tàu không có sẵn và hãng cắt bớt tàu, đẩy người mua vào thế không có lựa chọn.

Hãng tàu một mặt nói là không có chỗ, cắt bớt tàu, một mặt còn đưa ra dự báo là cước tàu còn tăng tiếp. Lúc này nhà xuất khẩu lưỡng lự đi hay không? Hay chờ cước tàu giảm xuống, vì tăng tới 900 USD/cont 20’ fcl tức là tăng 150% giá trị, trong khi giá nhà xuất bán có lời nhiều đâu? Thế giới phẳng mà hàng nông nghiệp luôn bán rẻ nữa, margin lời rất thấp. Chấp nhận đi hàng với giá 1.500 USD/cont là sẽ lỗ 900 USD/cont 20’ fcl so với tính toán ban đầu, trong khi số lượng xuất là hàng trăm hàng ngàn container.

Kinh hoàng cước tàu vận tải biển quốc tế: Liên tục đội giá, cao hơn cả trong đại dịch Covid-19- Ảnh 2.

Những lô hàng cà phê K COFFEE được xếp lên container để đưa đi xuất khẩu trên khắp thế giới đầu năm 2024. Ảnh: H.Y

Sau năm 2020, tình hình Covid leo thang khắp các nước châu Âu qua Mỹ, kéo theo hàng ngàn người chết đẩy tình trạng phong tỏa ở các thành phố trên thế giới. Hãng tàu với lý do này đã tăng giá cước bất chấp, từ 1.500 USD lên 4.950 USD/cont 20’ fcl. 

Năm 2022 là đỉnh điểm, lên tới 8.000 USD cho cont 20’ fcl hay thậm chí có khách phải mua cước tàu lên đến 9.000 USD/cont 20’ fcl với lý do khó khăn điều hành vì đại dịch Covid.

Cước tàu đi Mỹ năm 2019 là 2.250 – 2.350 USD/cont 40’ fcl thì tới năm 2022, các nhà xuất khẩu phải trả mức giá "trên trời": 21.000 USD/cont 40’ fcl và có người phải mua đến 25.000 USD-29.000 USD/cont 40’ fcl.

Bình thường, năm 2019 Công ty CP Phúc Sinh chúng tôi trả khoảng 3,2 tỷ đồng/tháng tiền cước tàu thì năm 2022, chúng tôi phải trả 32 tỷ đồng/tháng. Nhìn con số chênh lệch tới 10 lần, tôi cảm thấy sốc và tan nát.

Từ năm 2021-2022, tất cả các hãng tàu đều lãi lớn, như MSC, CMA, Maersk, etc… Và hãng tàu Maersk Line lời tới 30 tỷ USD trước thuế. Các hãng tàu nhận thấy đại dịch Covid là nơi họ kiếm tiền nhiều nhất.

Nếu nhìn lại, chúng ta thấy các chiêu bài của hãng tàu chẳng khác nào cướp bóc trấn lột. Họ thường nói có đi không? Không thì thôi. Hoặc nếu không chấp nhận mức giá họ đưa ra, họ sẵn sàng hất hàng của mình xuống. Cách hành xử đó không khác nào mafia, cực kì tàn nhẫn, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ.

Vì sao? Vì chúng ta - các nhà xuất khẩu với hợp đồng đã bán CFR/CNF cho khách hàng nên vẫn phải mua cước tàu. (CFR/CNF: Giao hàng gồm tiền hàng và cước phí, có nghĩa là người bán giao hàng đã thông quan xuất khẩu, bốc hàng lên tàu của người chuyển chở do người bán thuê tại cảng bốc hàng. Người bán phải trả tiền cước tàu để chở hàng đến cảng đích quy định).

Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới với vô vàn mặt hàng, từ thủy sản, lúa gạo, cà phê, giày da, đồ gỗ, hạt tiêu, rau quả, hạt điều…, chúng ta trả tiền cho họ mà sao không có tiếng nói gì?

Tôi muốn nhắc lại, bản thân Công ty CP Phúc Sinh đã phải trả tiền cước tàu vận tải quốc tế từ 3,2 tỷ lên 32 tỷ đồng/tháng – con số kinh hoàng. Nếu nhìn rộng ra cả nền kinh tế, thì thiệt hại lớn khủng khiếp. Hàng trăm ngàn công ty bao nhiêu năm làm ăn, gầy dựng, giờ do trả tiền cước tàu đắt đỏ mà thua lỗ, rồi phá sản.

Kinh hoàng cước tàu vận tải biển quốc tế: Liên tục đội giá, cao hơn cả trong đại dịch Covid-19- Ảnh 3.

Tác giả bài viết (bên trái ảnh) chụp hình lưu niệm với khách hàng lâu năm của mình tại Chợ thực phẩm đồ uống Kohn (CHLB Đức). Ảnh: H.Y

Và năm 2023, một lần nữa chúng ta lâm vào tình cảnh đó. Tháng 10/2023, khi chúng tôi ở Kohn (Đức) tham dự hội chợ thì nghe tin chiến tranh Hamas và Israel. Lúc đó tôi rất buồn và lo lắng, bởi khách hàng của chúng tôi ở 2 phía đều rất nhiều. Thực ra các mặt hàng gia vị ở Israel chúng tôi bán chiếm đến 70% thị phần, nên chiến tranh thì khách hàng của mình sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao nhiêu lo lắng đau thương sẽ xảy ra.

Rồi điều đầu tiên tôi được báo là giá cước tàu từ 700 USD/Cont 20’ fcl đi từ cảng TP.Hồ Chí Minh đến Hamburg tăng lên 1.500 USD rồi lên 4.100 USD/Cont 20’ fcl. Trong đầu tôi nghĩ "Lại tăng nữa à?". Tôi nghĩ tới những cảm giác kinh hoàng về cước tàu của những năm 2020-2021-2022! 

Có nhiều hãng tàu hàng đã lên bong mà còn tàn nhẫn, vô lí đến mức ngang nhiên thu "phụ phí chiến tranh". Cước đi New York, Mỹ từ 2.200 USD/cont 40’ fcl lên 5.000 USD và 7.100 USD/cont 40’ fcl. Họ lại xài bài cũ, thu bớt tàu không có chỗ và thách thức các nhà xuất khẩu.

Kinh hoàng cước tàu vận tải biển quốc tế: Liên tục đội giá, cao hơn cả trong đại dịch Covid-19- Ảnh 4.

Từ năm 2021-2022, tất cả các hãng tàu đều lãi lớn, như MSC, CMA, Maersk, etc…, và hãng tàu Maersk Line lời tới 30 tỷ USD trước thuế. Các hãng tàu nhận thấy đại dịch Covid là nơi họ kiếm tiền nhiều nhất. Ảnh: H.Y

Thực ra thay vì đi qua kênh đào Sue thì giờ các hãng tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng, chặng đường dài hơn song không thể tăng giá quá nhiều như vậy! Nhưng họ không gặp bất kỳ phản kháng đối xứng nào cho nên họ cứ làm. Hồi xưa họ "cướp" trong bóng tối thì nay họ ngang nhiên "ăn" trên lưng các doanh nghiệp giữa ban ngày! Và năm 2023-2024, chúng ta sẽ nhìn thấy lợi nhuận trước thuế siêu khủng của các hãng tàu.

Họ kinh doanh tại Việt Nam và chúng ta - các nhà xuất khẩu "khủng" mọi mặt hàng đi khắp thế giới cần có tiếng nói, các ban ngành cần có tiếng nói để họ bớt tham lam! Một năm 1 hãng tàu thu lời 30 tỷ USD thì quá khủng khiếp, mà tiền thì lấy của những công ty xuất khẩu như tại Việt Nam!

Năm 2024 sẽ là một năm đầy thách thức, khó khăn trên toàn thế giới, hy vọng chúng ta sẽ đoàn kết, chia sẻ để cùng nhau vượt qua. Hy vọng các ban ngành sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn; các hãng tàu đừng vì lợi nhuận mà đẩy các nhà xuất khẩu phá sản vì giá cước vận tải quốc tế "trên trời" của mình…

Ông Phan Minh Thông là một trong những doanh nhân nổi tiếng trong xuất khẩu hạt tiêu, cà phê, quế, hạt điều…, với các thương hiệu K COFFEE, K PEPPER, đồng thời ông còn là tác giả của 2 cuốn sách bestseller: Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh; Vượt lên những con đường kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem