Xây tháp 300 tỉ có nên e ngại?

Hoàng Linh Thứ sáu, ngày 05/05/2017 10:51 AM (GMT+7)
Thông tin về việc tỉnh Thái Bình sẽ xây tháp cao 125m , trị giá 300 tỉ đồng đã làm cho dư luận đón nhận với nhiều phản ứng khác nhau, kể cả e dè, nghi ngại.
Bình luận 0

Sự nghi ngại bắt nguồn từ thông tin có quá nhiều công trình trăm tỉ đắp chiếu, phơi mưa phơi nắng, trơ gan cùng tuế nguyệt hoặc trở thành vật cầm cố của ngân hàng.

Mặt khác, ngân sách đang khó khăn cũng là cơ sở để dư luận đặt vấn đề có lãng phí không khi đầu tư nguồn vốn quá lớn và công trình có vẻ chơi trội lấy tiếng này.

Nhưng về phía tỉnh Thái Bình, chính quyền có một cam kết khác, khẳng định tòa tháp ngoài tính biểu tượng sẽ là công trình kinh tế có hiệu quả, đồng vốn đầu tư là từ xã hội hóa.

Dự án tháp biểu tượng Thái Bình có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, xây trong khu công viên sinh thái tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) kết nối với quảng trường Thái Bình.

Tòa tháp này khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của tỉnh.

Theo thiết kế, tháp Thái Bình sẽ được xây dựng với quy mô 25 tầng, gồm 5 tầng đế, 19 tầng thân và tầng đỉnh. Tổng diện tích sàn xây dựng là gần 13.000 m2, tổng chiều cao công trình là hơn 125 m.

Từ tầng 1 đến 7 của tháp được sử dụng cho mục đích dịch vụ thương mại; từ tầng 8 đến 12 làm không gian triển lãm; tầng 13 đến 19 là khu dịch vụ văn hóa, du lịch; tầng 20 được thiết kế làm tầng kỹ thuật; tầng 21-22 là tháp chuông thông tầng và không gian quan sát; tầng 23-25 để trưng bày không gian văn hóa, du lịch.

img

Mô hình tháp 300 tỉ tại Thái Bình

Như vậy rõ ràng đây là tòa tháp thương mại với bài toán đầu tư sinh lãi chứ không phải là rút ruột ngân sách xây công trình để ngắm mà không sinh lợi.

Tất nhiên nếu là đầu tư kinh doanh thì không thể đánh giá là lãng phí hay không mà là hiệu quả hay thua lỗ, còn quá sớm để nói về vấn đề này.

Nhưng tại sao là tòa tháp thương mại mà không phải là những công trình khác?

Kinh nghiệm từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cho thấy các tòa tháp thương mại đều mang lại hiệu quả, trước mắt là cho chính quyền sở tại.

Nguồn lợi thứ nhất và cơ bản là khai thác được tối đa hiệu quả của đất vàng bởi chính ngay vị trí địa lý của nó mà không có doanh nghiệp nào tự thân có được.

Nếu không phải là tòa tháp Bitexco mà là cửa hàng xăng dầu, trụ sở công ty A,B,C,D nào đó 2,3 tầng như kiến trúc cũ thì rõ ràng là quá lãng phí cho mảnh đất vàng mà TP.HCM có được ngay tại Bitexco.

Bởi vậy, chung cư Eden cũ, khi bắt đầu xây dựng tòa nhà thương mại ngay trước UBND TP.HCM cũng chịu nhiều dị nghị nhưng khi trở thành trung tâm thương mại sầm uất hàng đầu Việt Nam thì nghi ngại cũng biến mất.

Tương tự là tòa tháp Landmark với 81 tầng nổi và 3 tầng hầm, Landmark 81 có quy mô của một "thành phố trong lòng thành phố" gồm đầy đủ các phân khu chức năng. Trong đó, Trung tâm thương mại Vincom Landmark 81 hội tụ những thương hiệu sang trọng và thời thượng bậc nhất trong nước và quốc tế.

Không gian vui chơi giải trí cao cấp với sân băng trong nhà rộng 2.000m2 đầu tiên tại TP.HCM và lớn nhất cả nước. Nơi đây còn có quần thể rạp chiếu phim tích hợp cụm rạp Imax thông 3 tầng và cụm rạp chiếu phim siêu sang với những dịch vụ tiện ích ngay trong phòng chiếu. Hệ thống các nhà hàng ẩm thực phong phú và đặc sắc được dẫn lối từ ngoài vào bằng thang máy panorama hiện đại sẽ là một địa chỉ hấp dẫn dành cho các thực khách. Dự kiến tòa nhà sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Ngoài việc sở hữu tòa Landmark 81, bến thuyền trên sông Sài Gòn, Vinhomes Central Park còn là khu đô thị xanh, với mật độ xây dựng 16%. Mặt tiền của dự án trải dọc hơn 1km bờ sông Sài Gòn và công viên ven sông quy mô 14ha.

Nói chi tiết như vậy để thấy bài toán mà các nhà đầu tư khi mà quyết tâm “xuống tiền” vào các tòa tháp thương mại chính là vị trí đất vàng của nó ở hiện tại và khả năng kết nối với mức độ thuận lợi cũng như sinh lợi có thể tính được với những cấu trúc kinh tế khác.

Bài toán này cũng y như vậy ở Hà Nội và Đà Nẵng, các tòa tháp thương mại đáp ứng nhu cầu của đô thị phát triển đều có chỗ đứng và phát sinh lợi nhuận, chưa kể nó còn ảnh hưởng đến vị trí trên sàn chứng khoán của chủ đầu tư.

Điểm danh các tòa tháp thương mại khắp cả nước, chúng ta thấy sự cam kết thịnh vượng của chính quyền và chủ đầu tư đã là thực tế. Đơn cử như Hanoi Landmark 72, Hanoi Lotte Center, Saigon Times Square, Khách sạn Novotel Đà Nẵng Premier Hàn River, Nha Trang Havana…

Bởi vậy với Thái Bình, nếu chọn đúng chủ đầu tư, công ty quản lý tòa tháp thì sự cam kết thịnh vượng là có thể tin được. Tòa tháp cũng sẽ là đòn bẫy làm phái sinh các cụm công trình thương mại, dân cư, giáo dục, khoa học…ở Thái Bình nếu chính quyền và các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược và bước đi đúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem