Quanh chuyện "Áo blouse nhuốm máu"

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ Thứ tư, ngày 30/08/2017 06:54 AM (GMT+7)
Thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến!
Bình luận 0

Thưa Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến,

Tôi đã đọc đi đọc lại bài của Bộ trưởng với nhan đề "Áo blouse nhuốm máu".

Bài viết thực sự làm một nhà văn như tôi rất lo lắng, xúc động và đầy ái ngại. Mặc dù trước lá thư của bà, tôi cũng từng đọc nhiều tin về bạo lực nơi bệnh viện. Nhưng sự khái quát và tổng hợp ở bài viết của bà, gióng mạnh lên lời cảnh tỉnh về một hiện tượng hoàn toàn xấu, vi phạm luật pháp, tha hóa về đạo đức của nhiều người. Nó làm cho mỗi bác sĩ và nhân viên y tế bất an. Xã hội lo lắng, khi con em họ làm ở ngành y, liên quan tới tính mạng của con người, một nghề cao quý mà chính họ đang không an toàn.

Tôi cũng có nhiều con cháu, anh chị em họ hàng, bè bạn làm nghề y, nên có thể hiểu và chia sẻ điều quan ngại của Bộ trưởng trước tâm lý, sự lo sợ của đội ngũ y tế khi bất an, không hiếm sự kiện đe dọa mạng sống của người mặc áo blouse.

img

Hành vi đánh nhân viên y tế là không thể chấp nhận được.

Về vấn đề bà nêu ra này, tôi nghĩ, trách nhiệm chính vẫn thuộc về Bộ Y tế và các giám đốc bệnh viện. Cần làm việc cụ thể hơn nữa ở các tình huống mà qua kinh nghiệm, đã xảy ra ở thực tế, lại có thể xảy ra với các cơ quan có trách nhiệm, như lực lượng an ninh, vệ sỹ mà bệnh viện đang thuê bảo vệ trật tự.

Tôi ủng hộ ý kiến của bà. Quốc hội cần quan tâm tới hiện trạng này để có chế tài tức khắc, có thể tăng nặng hình phạt cho tình trạng bạo lực gây nguy hiểm cho y, bác sỹ. Dư luận xã hội chắc chắn không ai ủng hộ việc hành hung hay sỉ nhục đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Nhưng cũng trên thực tế mà tôi từng trực tiếp trải nghiệm từ khi ở nước ngoài về, mắt thấy, tai nghe, tay sờ thấy mặt thứ hai ở vấn đề bà quan ngại. Và, theo tôi, chúng ta cùng phải lật lại ở vế thứ hai này, hỏi vì sao người ta, những kẻ tự phát manh động đầy bạo lực ấy đã từng làm như vậy với đội ngũ y tế?

Nhiều sự việc xảy ra ở ngành y tế mà có lần chính gia đình tôi trực tiếp ấm ức và đau đớn.

Số là đêm 3.6. 2013, vợ tôi vỡ nước ối cấp cứu từ 21h. Bộ phận cấp cứu rất tích cực thăm khám và đưa ngay vào khoa sinh. Từ đó khi nằm ở phòng chờ sinh, tôi hoàn hoàn bị cách li với người vợ đã 35 tuổi. Tôi càng lo hơn cho vợ tôi vì cô ấy đẻ con so. 

Trong dấy, vợ tôi vẫn liên lạc với tôi bằng tin nhắn và khi tỉnh táo, cô vẫn thuật lại mọi diễn biến trong phòng chờ sinh. Tới ba giờ, vợ tôi hoàn toàn kiệt sức và nhắn tin ra. Bác sĩ đã bỏ mặc vợ tôi một góc phòng, không có một ai bên cạnh. 

Tôi đã hai lần đập cửa nơi phòng sinh và người mặc áo blouse ra trả lời rất lạnh lùng, vô cảm. Tôi đòi gặp bác sĩ trực, lại một chị nữ ra trả lời rằng, chúng tôi chờ vợ anh mở tử cung đủ để đẻ thường. 

Tôi nói rằng, vợ tôi được chỉ định  đẻ mổ theo phòng khám chuyên nghiệp cùa "bàn tay vàng" bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân. Nhân viên nữ áo blouse ấy không thèm trả lời khi đóng sầm cửa vào.

img

Ảnh minh họa sản phụ chờ sinh

Kính thưa Bộ trưởng,

Một người đàn bà đã 35 tuổi, sinh con so, lại bị dư nước ối khi có mang. Bà hẳn biết, buộc phải chỉ định mổ như tiến sĩ Vân - Trưởng khoa sản II đã ghi rõ vào hồ sơ sản phụ trước đó. 

Vậy mà ca trực đêm hôm đó vẫn nhất quyết mặc vợ  tôi nằm chờ tử cung mở? 

3h sáng ngày 4.6.2013, tôi tuyệt vọng khi lo vô cùng cho tính mạng của vợ và đứa con trai độc nhất (sẽ khỏe mạnh) của dòng họ. Tôi gọi điện cho bác sỹ Phạm Bình chuyên ngành gây mê (đã hưu trí) và bác sĩ Vân. Ai dậy để nghe điện thoại tôi vào lúc đó? Ơn trời vì đã đánh thức bác sỹ Bình vào lúc 4h sáng khi anh từ gác 2 xuống đọc tin nhắn khẩn cấp của tôi. 

Thế là bác sỹ Bình hộc tốc chạy tới nhà bác sĩ Vân và cả hai kéo ngay tới bệnh viện. Hơn nửa tiếng sau 6h 7 phút, con tôi ra đời trên tay bác sỹ Vân và Bình, khi nước mắt tôi rơi lã chã. Tôi suốt đời biết ơn họ, những người áoblouse thuộc nhân viên bà.

Như vậy vợ tôi đã vỡ ối từ 21h đêm mùng Ba và tận 5 h sớm hôm sau đủ 8 tiếng đồng hồ. Căn vặn bác sỹ blouse của ca trực đêm đó, người ta trả lời nước ối ra 6 tiếng chúng tôi mới chỉ định mổ. Trường hợp vợ tôi ra hết sạch nước ối, chờ đến 7 tiếng mà họ, những nhân viên y tế blouse vẫn để mặc vợ tôi kiệt sức và đau đớn, tôi gần như sợ hãi tuyệt vọng trước tính mạng của của con trai tôi.

Thưa bà, nếu như trường hợp tôi không phải là nhà văn đã qua chinh chiến, lại là một nông dân còn nặng tính phong kiến lại nóng nảy thì sự thể ra sao? Sự thể ra sao, nếu không quen biết các bác sỹ đầu ngành ở Bệnh viện Phụ Sản TW?

Kính thưa Bộ trưởng,

Bà suy nghĩ gì về câu chuyện tôi kể trên cùa chính gia đình tôi?

Nếu thái độ vô cảm của kíp y tế đêm hôm đó lại xảy ra với người khác thì hậu quả sẽ ra sao?

Chúng ta đã để cho tình trạng ứng xử thiếu tinh thần trách nhiệm của một số nhân viên nghành y tồn tại, làm cho người nhà bệnh nhân bức xúc và dễ manh động. Nhất là khi tính mạng của người ruột  thịt của họ bị đe dọa? Vậy Bộ Y tế đã làm gì cho sự thay chuyển ấy, điều mà 7 Lời thề Hippocrates đã ghi rất rõ.

Kính thưa bà Bộ trưởng,

Vụ 8 người chết khi chạy thận trên Hòa Bình là vụ án điển hình trên thế giới mà công an Hòa Bình đã khởi tố. Vụ mới gần đây, dư luận bức xúc khi Bộ bị "qua mặt" bởi VN Pharma.

Viết những dòng  thư này tôi chợt nhớ tới hai con tôi sinh trước bé trai thứ ba đã thưa trên với bà. 

Đứa con đầu của tôi cũng sinh nơi bệnh viện ấy, con so, cách đây 39 năm và, tôi không hề bức xúc. Khi ấy nước ta cũng nghèo lắm và bệnh viện chật chội! 

Tôi cũng nghĩ tới cháu thứ hai mà tên nó được đặt theo tên BS.GS Ngọc Toản. Người bác sĩ già mặc blouse, đã tư vấn không công, giúp một người mẹ đã 47 tuổi, xa nhau nửa quả đất, mẹ tròn con vuông, cho ra đời một bé gái xinh như mộng. 

Giáo sư Đức - Trưởng khoa sản Bệnh viện Potsdam đã tự tay đỡ đẻ cho vợ tôi không phải vì quen biết, mà bởi những chỉ định mà ông và hai bác sỹ khác rõ ràng rằng: cần có sự trợ giúp cho vợ thứ hai của tôi khi đã quá lớn tuổi, mẹ tròn con vuông mà không phải mổ.

Có lẽ Bộ trưởng hiểu ý tôi, khi chúng ta cùng  quan tâm tới một hiện tượng đòi hỏi bất kì ai làm Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đều ý thức cho nhân viên của bộ máy mình thấy đó là nghề vinh quang vì khoác lên mình chiếc áo blouse này, mãi mãi được nhân dân tin yêu, nếu đội ngũ nhân viên y tế thực hiện đúng lời của Bác Hồ nhắc lại một tinh thần không bao giờ cũ rằng lương y như mẹ hiền.

Kính chúc bà mạnh giỏi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem