Bác sĩ ở vùng sâu

Dương Minh Tuấn Thứ năm, ngày 27/02/2020 12:06 PM (GMT+7)
Gia đình ở Hà Nội, nhưng bác sỹ trẻ Dương Minh Tuấn vừa chọn đến làm việc ở bệnh viện đa khoa huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Trị từ đầu tháng 2/2019. Anh sẽ có 3 năm làm việc tại đây, nhưng chỉ mới tháng đầu tiên, và với  rất nhiều chuyến công tác, hoạt động xã hội ở tỉnh miền núi nhiều nơi trong cả nước, anh có những chuyện kể sâu sắc về đồng nghiệp của mình. Có những niềm vui, nỗi buồn, có cả những chuyện cười ra nước mắt.
Bình luận 0

Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa  chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 bằng một niềm vui mới:  Thực hiện thành công đóng đinh nội tủy xương chày.

Đóng đinh nội tuỷ là một phương pháp không hề đơn giản nhất là với một viện tuyến huyện ở vùng núi. Công cuộc chuẩn bị triển khai phải mất nhiều năm, từ liên hệ hãng thiết bị y tế để họ đặt dàn nội tuỷ rồi đào tạo bác sĩ...

Ưu điểm của đinh nội tủy là không cần mở ổ gãy, hậu phẫu đỡ đau hơn, hạn chế nhiễm trùng, vận động lại sớm. Vậy là từ nay, bệnh nhân không may tai nạn gãy xương có thể thực hiện kĩ thuật mới ngay tại bệnh viện tuyến huyện mà không cần phải đi Huế hay các bệnh viện trung ương khác, tiết kiệm chi phí di chuyển, phẫu thuật, giảm tải được cho các viện tuyến trên.

Tôi đã chứng kiến ca phẫu thuật ấy. Thật sự bất ngờ và tự hào lắm lắm.

img

Ca đóng đinh nội tủy xương chày đầu tiên thành công ở Bệnh viện Đa khoa Minh Hóa (Quảng Bình). Ảnh: BS Dương Minh Tuấn cung cấp. 

Mới hai tuần trước ở đây, khi tôi vừa chân ướt chân ráo tới nơi, cũng là một ca nhớ đời, trong vô vàn những ca nhớ đời mà tôi từng chứng kiến. Bệnh viện tiếp nhận sản phụ 33 tuổi, mang thai lần 3, nhập viện để chuẩn bị sinh.

Sau sinh 3 giờ, sản phụ xuất hiện ra máu nhiều, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp; được chẩn đoán shock do băng huyết, thiếu máu nặng sau đẻ thường giờ thứ 3. Dù đã được xoa tử cung, truyền dịch, dùng thuốc điều trị nội khoa tích cực nhưng tình trạng băng huyết và huyết động vẫn chưa ổn định.

Các lãnh đạo bệnh viện và tua trực nhanh chóng có mặt, người bệnh được hội chẩn liên khoa, lập tức hồi sức tích cực, chỉ định mổ cấp cứu cắt tử cung bán phần, truyền dịch, các thuốc hồi sức, truyền 8 đơn vị máu. Trên này không có đơn vị trữ máu dự trù nên nhân viên trong viện được huy động. Nhiều anh chị bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên phòng kế hoạch tổng hợp,... khi nghe tin, biết mình có cùng nhóm máu đã chạy xe từ nhà đến để hiến vì khi ấy đã ngoài giờ làm việc. Cuối cùng toàn trạng bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để theo dõi điều trị tiếp vì sợ nguy cơ rối loạn đông máu về sau, mà trên này lại không có đủ hết thuốc và phương tiện.

Ngay khi có quyết định chuyển tuyến, Bệnh viện Minh Hóa đã gọi điện cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới xin kích hoạt "Báo động đỏ liên bệnh viện". Lúc đó khoảng 23h ngày 07/02/2020. Báo động đỏ lập tức được kích hoạt. Lãnh đạo Bệnh viện cũng tất cả ban trực Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Sản, Ngân hàng máu... khẩn trương chuẩn bị đón bệnh nhân và giữ liên lạc liên tục với xe cấp cứu đang trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện.

Thậm chí, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới còn tính tới phương án điều xe cấp cứu chở theo bác sỹ và máu chạy ngược ra để có thể tiếp máu ngay trên đường. Tuy nhiên, các bác sỹ ở Minh Hóa đánh giá lúc đó bệnh nhân đã khá ổn, có thể chuyển vào đến nơi mà không cần truyền máu thêm. Bệnh nhân đến Đồng Hới trong tình trạng huyết động ổn, siêu âm không có máu trong ổ bụng.

Tôi chưa từng tưởng tượng một bệnh viện vùng biên giới, khó khăn chồng chất khó khăn, lại có làm việc nhóm nhuần nhuyễn, hỗ trợ nhau hết mình để có thể làm nên nhiều điều tuyệt vời đến vậy. Thật sự trân trọng và ngưỡng mộ!

Hôm sau chúng tôi nhận được tin báo bệnh nhân ở viện tuyến trên đã hồi phục và chuẩn bị xuất viện về với gia đình và đứa con mới sinh. Nghe vui vui vui.

Nơi khó khăn nhất là nơi con người sống mạnh mẽ nhất.

Mọi thứ với tôi ở Minh Hóa này mới chỉ bắt đầu. Tôi biết, các bệnh viện huyện nhiều khó khăn vô cùng.

Có lần, một cô bác sỹ trẻ, đồng nghiệp của tôi từ một bệnh viện huyện lần đầu tiên được cử về học 5 ngày ở một viện viện tuyến trung ương. Cô ấy kể cho tôi nhiều lắm. Tôi nghe mà thấy ngổn ngang, bởi đó cũng là những gì mà tôi đã biết, đã đối mặt trong nghề.

Cô học ở khoa hồi sức, nói là học chứ 5 ngày thì gọi là tham quan thì đúng hơn. Buổi học đầu tiên, cô bạn tôi đói meo vì có mỗi bắp ngô lót dạ, cô không dám mua thêm vì đắt quá, bát nước ngô cũng mất năm ngàn đồng, ở viện cô hai ngàn chắc mua được gói xôi no đến chiều rồi.

Ngồi ăn với tua trực, thấy các anh chị bàn tán về những tai nạn nghề nghiệp, chẳng hạn hồi nào có vụ bác sỹ ở huyện kia làm răng hàm mặt mà lại đi đỡ đẻ, để thai nhi chết, kiện tụng ùm lum cả lên, cô bạn nghe cũng buồn. Mọi người đều nói anh kia chủ quan và tự tin quá, cứ nghĩ mình làm được hết việc mà ôm đồm. Nhưng cô phần nào hiểu được cảm giác của anh bác sỹ răng kia.

Dưới viện tuyến huyện như cô, do thiếu nhân lực mà mỗi buổi trực chỉ có một bác sĩ phụ trách cấp cứu và làm hết tất cả. Không cần biết anh làm chuyên ngành nào, cứ có bệnh nhân vào là xử lý hết. Nhiều khi ca khó quá cũng gọi nhờ bên chuyên khoa mà lắm lúc điện còn không kịp, chờ bác sỹ chuyên khoa vào đến viện chắc cũng có biến cố xảy ra rồi. Điều kiện khó khăn khiến các bác sỹ ở viện huyện cái gì cũng phải biết, cũng phải làm, thành ra không làm sâu được cái gì cả. Đến khi có chuyện xảy ra, cũng không rành pháp luật gì, chẳng biết bảo vệ mình và bảo vệ nhau thế nào, chỉ biết ngậm ngùi nghe người ta kiện, người ta chửi.

Nhiều người hỏi sao viện trên cô không tuyển thêm bác sỹ trẻ? Tuyển rồi đấy chứ, nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, tiền nong thiếu thốn, họ về được vài ba năm rồi lại bỏ xứ mà đi, chẳng ai muốn gắn bó dài lâu. Cuối cùng khó khăn vẫn hoàn nhăn nhó.

Trên cô cũng nhiều nơi tài trợ máy móc, xét nghiệm nhưng không có người làm. Vận hành máy móc hay chạy xét nghiệm mới phải cho đi đào tạo. Mà viện chỗ cô cho đi học khó khăn lắm,  vì mỗi lần đi học là thiếu người ở viện. Đấy là còn chưa kể vấn đề bảo hiểm nữa. Với viện tuyến huyện thì bảo hiểm chỉ chi trả một số danh mục nhất định, làm ngoài cái đó thì bệnh nhân phải chi thêm tiền. Bệnh nhân trên chỗ cô  đa số là hộ nghèo, tiền ăn còn không có, phụ thuộc gần như 100% vào bảo hiểm mỗi lần khám chữa nên họ cũng không dám làm thêm xét nghiệm. Có giải thích cho họ, nhưng nghèo quá nên suy nghĩ của họ cũng chưa thể thay đổi một sớm một chiều được. Số tiền bỏ ra để làm xét nghiệm có khi họ chấp nhận không làm mà dành dụm. Nhiều người còn không muốn chuyển lên tuyến trên mặc dù bệnh đã nặng vì sợ tốn tiền.

Rồi bệnh viện huyện nhưng cũng không thiếu cảnh người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế. Hiểu sự bức xúc của họ, nhiều khi vô lý lắm, nhưng các đồng nghiệp của tôi sợ nhiều hơn.

Thế mà, đồng nghiệp của tôi, cô vẫn tin mọi thứ rồi sẽ tốt dần lên.

Bởi vì, cô ấy, và chúng tôi, các bác sỹ, sâu thẳm vẫn là lòng tin, “tin ở hoa hồng”. Bệnh nhân trên cô cảm ơn bác sỹ, không phải bằng phong bì mà bằng rau rừng, hoa quả sạch tự trồng, bằng con gà tự nuôi, mớ gạo tự gieo cấy. Những lúc như thế, cô và đồng nghiệp lại thấy ấm lòng vì tình cảm và sự tin cậy của bệnh nhân với các y bác sỹ.

Tôi nghe kể nhiều, và từng có thời gian về công tác tại những huyện khó khăn như chỗ cô bạn đồng nghiệp trẻ, rất nhiều thiếu thốn. Tôi chỉ có một câu hỏi là làm sao cô và mọi người vẫn có thể tiếp tục được ở những nơi như thế.

Chẳng cần suy nghĩ, cô ấy trả lời ngay, vì đó là nơi em sinh ra và lớn lên, có thứ gì đó ràng buộc mà em không thể giải thích nổi. Dù thiếu thốn, khó khăn, mười ca không điều trị được phải chuyển đi nhưng chỉ cần có một ca khỏi bệnh, khoẻ mạnh ra viện là em lại có thêm hi vọng và động lực. Như thầy giáo của cô đã dạy, cô và các đồng nghiệp ở bệnh viện nhỏ bé của mình đang làm tốt nhất cho bệnh nhân với những gì mình đang có. Cô bảo, sau này có nhiều hơn, nhất định bọn em sẽ còn làm tốt hơn.

Tôi tin là như vậy. Thầy giáo của cô tin là như vậy. Và tôi biết, các đồng nghiệp của tôi, dù ở nơi nào, vùng sâu vùng xa hay thành phố, chúng tôi đều tin như thế.

Bác sỹ Dương Minh Tuấn:

- Sinh năm 1991

- Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 2013

- Tốt nghiệp Cao học Đại học Y Hà Nội 2020

- Từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện Bạch Mai

- Từ tháng 2/2019: Công tác tại Bệnh viện Huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Trị

- Đã có một năm nghỉ việc để đi nhiều nơi trong cả nước

- Đã xuất bản 2 cuốn sách bán chạy: “Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn”, “Những đứa trẻ không bao giờ lớn”


 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem