Lời thề Hippocrates dành cho bệnh nhân Covid-19

Trần Vũ Thứ sáu, ngày 27/03/2020 14:27 PM (GMT+7)
Trong quá trình điều trị, hẳn các y, bác sĩ cũng tâm trạng, nỗi niềm lắm trước việc làm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng mà bệnh nhân số 17 gây ra. Tuy nhiên, chưa một ai trong họ nỡ nặng lời với cô gái trẻ này cũng như với bất cứ bệnh nhân nào khác từng có khuyết điểm tương tự. Sự lên tiếng của họ, nếu có, là những lời an ủi, khuyên nhủ bệnh nhân an tâm điều trị, tin tưởng vào sự chăm lo của Nhà nước và năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ.
Bình luận 0

Tới giờ, dịch Covid-19 ở Việt Nam có thêm những diễn biến mới. Số ca bệnh tăng hằng ngày từ những người nước ngoài nhập cảnh và sự trở về của nhiều lao động, du học sinh từ các vùng dịch. Nghĩa là, tới thời điểm này, không thể chỉ quy trách nhiệm cho một mình bệnh nhân số 17,  thì vẫn còn đó những hòn gạch to tướng ném vào cô để trút cơn giận. Trong câu chuyện này, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - câu dạy phép ứng xử của người xưa – rõ là phù hợp để cô gái trẻ 26 tuổi theo đó mà suy nghĩ, tự phán xét về mình, về người, về đời một cách phải lẽ.

Sự trở về gắn với những hành vi thiếu trách nhiệm, không thể bao biện, không thể bào chữa của cô, là nguyên nhân trực tiếp xô đổ sự cầm cự một cách kiên cường để khống chế số ca bệnh không vượt quá 16 trong liên tục 23 ngày của cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam, gây nên những hệ lụy không kể hết.  

Trong tình huống đó, nếu mọi thứ đều phẳng lặng, yên ổn; mọi người đều vô cảm, không bức xúc, không phẫn nộ, không phản ứng, không phê phán mới là chuyện lạ.

Tất nhiên, nghĩ vậy không có nghĩa là đồng tình cổ xúy cho những hành động cực đoan, cay nghiệt, thậm chí nhẫn tâm đến mức bịa đặt thông tin, dùng lời lẽ nông nổi, thóa mạ thân nhân, gia đình, thậm chí cả người chỉ cùng xuất hiện trong ảnh với bệnh nhân.

Với hơn sáu chục triệu tài khoản mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, sự giận dữ dù chỉ một phần trong số đó, cũng đủ tạo một cơn cuồng phong đủ nhấn chìm đối tượng mà nó nhắm đến.

Lúc ấy, dư luận không nghĩ rằng cơn giận của họ khiến việc điều trị cho bệnh nhân 17 khó gấp đôi – bác sĩ không chỉ phải điều trị Covid-19 cho cô, mà phải điều trị cả chứng trầm cảm xuất hiện khi cô đọc được những lời mạt sát nhằm vào mình.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 tại Đông Anh, Hà Nội phải lên tiếng. Họ bác bỏ những hình ảnh người nào đó đang nằm viện dây dợ đầy người được gán cho cô, đưa ra những thông tin đúng đắn về quá trình điều trị, và khuyên cô, cùng một số bệnh nhân khác nữa, rằng nên “hạn chế tiếp xúc điện thoại, mạng xã hội để tránh tiếp cận những thông tin không tốt, ảnh hưởng quá trình và hiệu quả điều trị”.

img

Các bác sỹ theo dõi diễn biến sức khỏe bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính số 2 (Hạ Long).

Những lời khuyên của các bác sĩ không chỉ tốt cho bệnh nhân mà còn giúp sửa chữa những tin giả trong xã hội, làm bớt đi sự tàn nhẫn, vô tâm, bất an, và vì thế họ đã giúp xoa dịu tâm lý cho rất nhiều người.

Nhiều bác sĩ, thầy thuốc khác, cũng đồng tình, hoặc có những lời khuyên tương tự đối với các bệnh nhân từng có hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng, gây hậu quả tiêu cực cho cuộc chiến chống Covid-19.

Những thầy thuốc kia – họ không có cảm xúc ?

Không, ngược lại. Cảm xúc - đó là một trong những phẩm chất hàng đầu của những người hành nghề trị bệnh cứu người, làm việc tại các bệnh viện - nơi từng được gọi là “nhà thương”. Họ cực kỳ nhạy cảm với những “hỷ, nộ, ái, ố”. Vì lẽ đó, các y, bác sĩ không thể không bức xúc, bất bình trước việc làm dại dột, thiếu trách nhiệm mà beennhj nhân 17 đã gây ra làm sụp đổ công sức của bao con người, trong đó, đóng góp đầu tiên và trực tiếp phải thuộc về họ trong cuộc chiến chống covid-19.  

Vì cuộc chiến chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ đã có những nỗ lực phi thường. Những gương mặt khắc khổ, phờ phạc của nhiều thầy thuốc làm việc trong các bệnh viện, cơ sở điều trị, cơ sở cách ly nói lên rằng họ đã vất vả, chịu đựng áp lực như thế nào; đã tận tụy, đã dấn thân như thế nào để rào dậu, che chắn, khống chế nhằm góp phần ngăn chặn Covid – 19 như ngăn chặn một thảm họa cho cộng đồng.

Đứng ở tuyến đầu cuộc chiến đương đầu với con vius corona quái ác và đầy nguy hiểm, họ loại bỏ mọi lợi ích cá nhân, để lại phía sau bao nhiêu nỗi lo của gia đình, người thân bạn bè. Đã có bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 – một trong những cơ sở đang điều trị  bệnh nhân Covid -19 - bị lây bệnh từ chính bệnh nhân mà họ trực tiếp điều trị. Sau bác sĩ này, dù đã đề phòng, nhưng ai dám chắc, sẽ không có trường hợp lây nhiễm thứ hai, thứ ba...

Vậy mà, cho tới nay, gần như chưa hề thấy một bác sĩ nào, một thầy thuốc nào nỡ nặng lời với bệnh nhân 17, cũng như bất cứ một bệnh nhân nào khác từng có khuyết điểm tương tự .

Sự lên tiếng của họ, nếu có, chỉ là những lời đầy cảm thông, chia sẻ, chân tình, nhân ái. Họ khuyên bệnh nhân an tâm điều trị, tin tưởng vào sự chăm lo của Nhà nước và năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Họ kêu gọi cộng đồng mạng, trước khi phản ứng, trước khi tung gạch đá qua bàn phím hãy nghĩ đến sự bao dung, độ lượng để kiềm chế các hành vi cực đoan có thể gây thêm khó khăn cho quá trình điều trị bệnh nhân của thầy thuốc. Họ dịu dàng, ân cần, an ủi, động viên người bệnh không chỉ tuân thủ nghiêm túc cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác như một hành động có trách nhiệm trước xã hội, mà còn phải “tự cách ly” mạng xã hội để tránh tác động tâm lý có thể dẫn chính mình tới trầm cảm - như nội dung đã dẫn từ các bài báo nêu trên.

Tại sao họ làm thế ?

Một sự giải thích dài hơn là có thể. Nhưng gói gọn lại, có lẽ là thầy thuốc, họ luôn thấu hiểu và ghi nhớ một nội dung trong lời thề Hippocrates, rằng: nghệ thuật của việc chữa bệnh cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết. Điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ vậy. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem