"Không kỳ thị kinh tế tư nhân" - tiền đề tích cực cho bước đột phá

Quốc Phong Thứ bảy, ngày 18/05/2019 12:21 PM (GMT+7)
Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế một quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang chịu nhiều rủi ro và gặp nhiều khó khăn do thể chế. Phải chăng chúng ta vẫn còn có sự kỳ thị mà nay cần sớm phá bỏ để họ có thể đồng hành trên con đường phía trước của đất nước?
Bình luận 0

Tại Hội nghị Trung ương 10 (khoá XII) lần diễn ra 2 ngày qua, có một điều mà dư luận rất quan tâm khi được nghe Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập, tuy chỉ mới là “xới vấn đề” nhưng khá sâu sắc và rất cần thiết. Đó là việc cần nhìn nhận nghiêm túc về vai trò của kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay của đất nước. Chúng ta không được kỳ thị kinh tế tư nhân mà cần tạo điều kiện cho họ phát huy hết năng lực để góp phần xây dựng đất nước...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có gợi ý với Hội nghị, khi bàn về xây dựng văn kiện Đại hội XIII nên lưu ý đến vấn đề kinh tế tư nhân với những suy nghĩ mà ông đã nêu ra trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 10 một hôm (tại phiên họp của Bộ Chính trị hôm 15/5): Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng với họ. Đề nghị sắp tới đây, nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.

"Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải cứ Nhà nước thì tất cả cái gì cũng đều tốt. Kinh tế nhà nước cũng có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà lại dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?..." - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi ý Hội nghị nên bàn sâu khi xây dựng đề cương văn kiện Đại hội.

img

Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Không hiểu sao, với tôi, tư tưởng gợi mở trên là cả một vấn đề rất lớn, rất cởi mở của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Đã từng có thời kỳ kinh tế tư nhân bị gạt bỏ và triệt tiêu sau ngày đất nước thống nhất 1975. Sau đó, chúng ta đã có những sai lầm thật ấu trĩ để rồi kinh tế nước nhà bị tụt hậu ghê gớm... 

Tôi còn nhớ một người, dù không thể nhớ tên, ông từng là một đảng viên, chủ nhân của một tổ hợp sản xuất, cũng chẳng lớn gì nhưng lại là nhân vật đi tiên phong. Ông là đảng viên nhưng lại thuê lao động tham gia sản xuất, mà ngày đó có quy định đảng viên không được làm kinh tế tư nhân. Cũng vì thế cho nên vị doanh nhân nọ đành phải ngậm ngùi làm đơn xin ra khỏi Đảng, dù trong tâm khảm ông vẫn yêu Đảng, thiết tha với Đảng. 

Đó là giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó tôi đang theo học dài hạn (khoá 15, năm 1988-1990) trong Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (sau này đổi tên là Học viện Chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc, rồi bây giờ là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Tôi thấy các thầy của chúng tôi ngày đó thường “loay hoay” giảng bài khi xác định doanh nghiệp tư nhân có bị xem là có bóc lột? Rồi thì doanh nghiệp tư nhân được thuê dưới bao nhiêu nhân công thì không bị coi là bóc lột? (ngày đó đã bàn đến con số cụ thể như dưới 10 lao động hay dưới 20 lao động thì được coi là "không bóc lột" (!!!). Đảng viên làm kinh tế tư nhân mà thuê nhân công thì được phép thuê bao nhiêu nhân công sẽ không bị ra khỏi Đảng... mà không mảy may nhìn nhận, người bị bóc lột là người có thu nhập dưới bao nhiêu nghìn đồng/tháng? Phải chăng đây chính là nghịch lý của một thời kỳ ấu trĩ?

Cứ như thế, thời gian thì trôi đi mà định nghĩa về “thế nào là bóc lột người lao động” thì mãi vẫn không rõ ràng. Người làm cho doanh nghiệp tư nhân thì lại có thu nhập cao hơn người đi làm nhà nước. Vậy thì giải thích ra sao?

Tiến sĩ Đặng Vũ Chư - nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhiệm kỳ 1990-2002 (với vài lần đổi tên trong khoảng 12 năm do ông đảm trách từ các bộ nhập vào) đã có lần kể cho tôi nghe câu chuyện khi ông tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thăm Singapore . 

Ông Võ Văn Kiệt được nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu tiếp. Câu chuyện mà ông không thể quên ngày đó chính là vấn đề ông Kiệt và ông Lý cùng trao đổi  “như  thế nào thì được xem là  bóc lột sức lao động"?  Ông Lý Quang Diệu nói: "Theo lý thuyết của các ông, chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa tư bản ở năng suất lao động. Mà năng suất lao động của các ông lại thấp hơn chúng tôi thì hỏi làm sao thắng được? Cái mà các ông gọi là phân phối theo lao động thì chúng tôi cho đó là bóc lột. Còn cái mà các ông gọi là bóc lột thì chúng tôi cho đó là phân phối theo lao động. Muốn phát triển được đất nước phải cho người dân được thực sự dân chủ”.

Thủ tướng của chúng ta bữa đó đã không nói gì thêm nữa, nhưng chắc ông đã suy nghĩ rất nhiều về quan điểm đó của ông Lý để có những bước tiến khá tích cực, cởi mở trong việc nhìn nhận và phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn ngày ấy ở nước ta.

Nói lại chuyện cũ của ba chục năm trước để thấy, nhận thức quả là một quá trình mà thật không dễ dàng có ngay đáp án.

Kể từ lúc đất nước tiến hành sự nghiệp Đổi mới đến nay đã 33 năm. Bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, đã thay đổi rất cơ bản. Rồi gần đây, chúng ta ban hành cả một nghị quyết bàn về vai trò động lực của kinh tế tư nhân (Nghị quyết 10-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII).

Tất cả đều ít nhiều cho thấy Đảng đã có những tư duy mới rất cởi mở, đáng khích lệ để doanh nghiệp tư nhân yên tâm làm ăn. Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân Việt đã đi từ "Không" đến "Có" là thế. Có nhiều người còn ví sự kiện này như một nấc thang mới của nước nhà - chúng ta đã có "Đổi mới lần 2". 

Bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng nhận xét rằng: "Hình ảnh ban đầu của kinh tế tư nhân có thể hình dung là một con số 0 tròn trĩnh. Bởi sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khu vực này không được thừa nhận tồn tại. Chỉ khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam mới có chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân.

Nhưng cũng phải đến 5 năm sau Đổi mới, Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty mới được Quốc hội thông qua. Dù vậy, 2 luật đó cũng đầy sự trói buộc. Bất cứ doanh nghiệp nào ra đời cũng phải xin phép các cơ quan nhà nước, thời gian hoạt động của doanh nghiệp cũng rất hạn chế, ngắn nhất chỉ là 3 tháng, dài hơn chút cũng chỉ được từ 1-2 năm...”.

Bước nhảy vọt trong tư duy kinh tế của lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau đó đã thay đổi tất cả. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua, đi vào thực hiện năm 2000 đã thay đổi gần như toàn bộ bộ mặt của kinh tế tư nhân Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, mỗi năm có từ 20.000 doanh nghiệp, rồi tăng dần thành 25.000 - 30.000 - 50.000 doanh nghiệp ra đời... Con số bây giờ thì đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp ra đời mỗi năm (cũng không tính vài chục nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản mỗi năm).

Hy vọng với những gợi mở quan trọng của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta, vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự nghiệp phát triển đất nước sẽ được nhìn nhận công bằng, xác đáng và kèm theo đó cũng khen thưởng xứng đáng khi có công lao và nghiêm khắc xử lý sai phạm khi mắc phải. Nó không chỉ là một tiền đề tích cực cho những bước tiến mạnh mẽ trong tương lai, không chỉ là giai đoạn 2021-2026 mà còn ở những cột mốc chiến lược phát triển đất nước quan trọng hơn, xa hơn: đến năm 2030 và 2045. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem