Huế chọn đập phá để phát triển làm dư luận bức xúc

Từ Ân Thứ tư, ngày 25/07/2018 07:17 AM (GMT+7)
“Không phải công trình kiến trúc Pháp nào cũng là tiêu biểu, cũng có giá trị và cần cân nhắc để tránh cản trở sự "phát triển" trong xây dựng đô thị...” là lý giải của một quan chức tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc sẽ đập bỏ biệt thự số 26 Lê Lợi, thành phố Huế để nhường đất cho một tổ hợp khách sạn.
Bình luận 0

Dư luận ở Huế cả tuần nay đang xôn xao với việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế.

Theo ông Lê Toàn Thắng - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế thì quyết định này là nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình trên.

img

Biệt thự 26 Lê Lợi - trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế.

Tuy nhiên, đây là một quyết định bất thường với việc không có tên biệt thự 26 Lê Lợi “rất Pháp”, nhưng lại có đến 2 công trình chẳng liên quan gì đến Pháp là nhà thờ Phủ Cam và Dòng Chúa Cứu Thế.

Thực tế thì nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam được xây dựng năm 1960, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Còn nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (tên chính xác là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp), được khởi công xây dựng vào tháng 1.1959, tức không nằm trong giai đoạn thuộc Pháp.

Bất thường nữa là hiện ở Huế có rất nhiều công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, nhưng không hiểu vì sao chính quyền lại chỉ đầu tư để bảo tồn, tôn tạo có 27 công trình.

Trong khi nhiều công trình, ví dụ như biệt thự số 26 Lê Lợi, “mái nhà văn nghệ Huế”- trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế từ năm 1975 đến nay, lại không có trong danh sách. Đây là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc có sự giao thoa với kiến trúc bản địa; là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất thành phố Huế.

Bất thường hơn, tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế tuần trước, nhiều đại biểu đặt câu hỏi trong quyết định có nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế không phải xây dựng vào thời Pháp thuộc, vậy thì quyết định này là nhằm bảo tồn kiến trúc thời Pháp hay là công trình mang phong cách kiến trúc thời Pháp?

Và ông Hoàng Hải Minh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lời rằng: Trong quá trình nghiên cứu đã lấy ý kiến các sở, ngành, các chuyên gia, thì "việc này là dựa trên giá trị nghệ thuật kiến trúc mang… giá trị kiến trúc Pháp, chứ không phải là xây dựng thời Pháp".

img

Nhà thờ Phủ Cam, Huế.

Nói như ông Hoàng Hải Minh thì sắp tới ở Huế, cứ công trình nào được xây dựng không kể mới hay cũ, chỉ cần có giá trị nghệ thuật kiến trúc mang giá trị kiến trúc Pháp, thì đều có cơ hội được chính quyền đưa vào diện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị (!?)

Biệt thự số 26 Lê Lợi rồi đây sẽ bị “đập bỏ để nhượng đất phục vụ việc phát triển đô thị Huế theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương”, theo như lời ông Lê Toàn Thắng - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lý do nữa, cũng theo ông Thắng, thì ở đô thị nào việc "phát triển" cũng luôn có sự mâu thuẫn với việc "bảo tồn". Và không phải công trình kiến trúc Pháp nào cũng là tiêu biểu, cũng có giá trị và cần cân nhắc để tránh cản trở sự "phát triển" trong xây dựng đô thị.

Và vì mới đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đồng ý cho phép một doanh nghiệp nghiên cứu để đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26-28 đường Lê Lợi, thành phố Huế.

Và vì theo quy hoạch chi tiết khu trung tâm phía nam thành phố Huế đã phê duyệt năm 2005, thì sẽ chuyển đổi trụ sở các cơ quan trên đường Lê Lợi sang mục đích phục vụ công cộng và dịch vụ du lịch.

img

Trường Quốc học Huế - 1 trong 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại Huế nằm trong danh sách do UBND tỉnh TT-Huế công bố.

Theo GS.TS - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, ở Huế kiến trúc thuộc địa không những hòa hợp với môi trường kiến trúc kinh đô Huế mà còn có chiều hướng thích ứng với thẩm mỹ và kiến trúc truyền thống.

Cho nên nhiều công trình kiến trúc Pháp ở Huế đều rất nhỏ bé, rất khác biệt so với kiến trúc Pháp ở Sài Gòn và Hà Nội. "Kiến trúc thực dân mà lại sử dụng cóp nhặt kiến trúc bản địa như thế là điều rất đặc sắc, đặc biệt", ông nói.

Vậy nên, việc tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định đưa vào bảo tồn, tôn tạo 27 công trình ấy không thể đại diện cho cả một giai đoạn tham gia của kiến trúc thời Pháp thuộc ở Huế, bởi con số ít ỏi trên không thể góp phần tạo dựng diện mạo đô thị được.

Ông Kính cũng nghi ngờ việc công bố danh sách trên là hợp thức hóa cho việc "khai tử" các công trình kiến trúc Pháp ở Huế nằm ngoài danh mục này, mà biệt thự số 26 Lê Lợi là một ví dụ.

Mâu thuẫn giữa “bảo tồn” và phát triển, nhất là việc bảo tồn ký ức đô thị qua những công trình xây dựng là chuyện không phải mới. Và việc chính quyền chọn đập phá để “phát triển” thay vì “bảo tồn” hoặc chọn phương án dung hòa, cũng là giải pháp… không mới ở Thừa Thiên - Huế và rất nhiều địa phương khác trong cả nước.

Những công trình kiến trúc chính là ký ức, là sự định hình một gương mặt, một linh hồn của một thành phố, một vùng đất và xa hơn là đất nước. Nhưng đau đớn là thời gian qua, gương mặt và linh hồn ấy, không chỉ Huế thôi đâu, đã hư hao, mất mát và méo mó dị dạng quá nhiều chỉ vì hai chữ “phát triển”…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem