Coi dịch như giặc thì phải xử ngay kẻ thách thức pháp luật

Lương Duy Cường Thứ tư, ngày 08/04/2020 15:50 PM (GMT+7)
Chỉ có nghiêm khắc, chúng ta mới tránh được nguy cơ vỡ trận, mất kiểm soát để mau chóng vượt qua đại dịch.
Bình luận 0

Dù từ 0 giờ 8/4 (theo giờ địa phương), thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc - từng là tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc,  chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày nhưng giới chức thành phố này vẫn yêu cầu người dân cẩn trọng, cảnh báo việc không có ca nhiễm mới không có nghĩa không có rủi ro.

Chưa hết, thành phố Vũ Hán còn khuyến cáo người dấn tiếp tục tránh rời khu vực mình sống, trừ trường hợp cần thiết.   

Trong lúc đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 7/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 khu vực khác nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Thái Lan quyết định tiếp tục đóng cửa trường học tới tháng 7. Một đạo luật mới được quốc hội Singapore thông qua sẽ cấm mọi cuộc tụ tập xã hội lớn nhỏ không chỉ tại nơi công cộng mà còn ở những không gian cá nhân như nhà riêng, người vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, với 10.000 đôla Singapore và/hoặc 6 tháng tù cho lần đầu tiên, tăng lên gấp đôi nếu tái phạm.

Cho đến 8 giờ ngày 8/44, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 12.796 người, Tây Ban Nha: 14.045 người, Ý: 17.127 người…

Những thông tin này cho thấy chúng ta, dù đã có những ngày không có ca nhiễm mới nào, dù mặt trận chung vẫn được giữ vững, ta vẫn ở thế hoàn toàn chủ động trong “cuộc chiến”, nhưng như Thủ tướng chỉ đạo là mọi lực lượng không được chủ quan, phải nâng cao cảnh giác hơn nữa, phải chấp hành nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo từ cơ quan chức năng.

Nói thế để thấy, khi chúng ta đã thực sự xem việc phòng chống dịch Covid-19 là như “chống giặc” thì trước hết cần có thái độ đúng nghĩa “quân lệnh như sơn”. Vì, cứ nói cả nước xốc tới, toàn quân xốc tới nhưng chỗ này, chỗ khác cứ lâu lâu lại thòi ra vài ông chống lệnh thì có khi công sức toàn dân trôi sông trôi biển. Thái độ không dứt khoát sẽ gây ra sự cản trở, là “nối giáo cho giặc”.

Bởi vậy, ai từng chỉ một ngày sống trong môi trường quân đội cũng đều biết câu: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”.

img

Nói như thế để thấy: Một giám đốc bệnh viện cấp huyện ở Tây Nguyên bị tạm đình chỉ công tác vì có những dấu hiệu chấp hành không tốt việc triển khai chống dịch. Việc này xảy ra từ khi dịch chưa vào cao điểm như bây giờ, nhưng xử lý như thế vẫn rất được dư luận hoan nghênh.

Giữa lúc dân tình hoang mang vì có những thông tin chưa đúng về  nguồn cung khẩu trang, một giám đốc bệnh viện cấp quận ở TP HCM đã bắt tay với tư thương để trục lợi từ việc đầu cơ khẩu trang. Vị này bị đình chỉ công tác ngay lập tức để phục vụ việc điều tra.

Có phó giám đốc bệnh viện địa phương đã bị tạm đình chỉ công tác do tạm tổ chức cưới hỏi cho con ngay giữa những ngày cách ly xã hội; hàng loạt cá nhân bị phạt tiền, có trường hợp bị phạt rất nặng vì tung tin giả, tin sai sự thật… Tất cả những động thái xử lý kịp thời đối với các hành vi như nêu trên, ngoài việc thể hiện xự nghiêm minh của pháp luật, trật tự xã hội, thì còn gián tiếp ổn định tình hình, tránh làm cho dân chúng hoang mang, dẫn đến thúc đẩy việc chống dịch được tốt hơn.  

Nói thế để thấy, những nhà hàng, nhất là quán karaoke nào những ngày qua vẫn cố tình hoạt động dưới dạng này hay dạng khác để tụ tập người ăn nhậu, hút chích; những cá nhân nào bất chấp các biện pháp phòng ngừa đều phải bị xử lý ngay tức khắc, xử lý liền mới có hiệu quả.

Đặc biệt, nếu người vi phạm là cán bộ, đảng viên thì cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa mới có tác dụng. Gần đây nhất là vụ 9 vị cán bộ giảng viên, có cả hiệu trưởng, hiệu phó, viện trưởng của Trường Đaị học Ngân hàng TP HCM tổ chức ăn nhậu. Nếu “mỗi người dân là một người lính” thì trường đại học này, với hàng ngàn sinh viên, phải tương đương với cả sư đoàn, trung đoàn trong quân đội.

Cả sư đoàn, trung đòan mà chịu sự lãnh đạo của những cán bộ bất tuân thượng lệnh, ỡm ờ ngay trong những thời khắc nhạy cảm của chiến dịch thì nguy hiểm quá. “Tư lệnh” nào, “chính ủy” nào, cán bộ nào của đơn vị ấy thì phải xử lý nghiêm minh, nhưng xử lý thế nào thì còn đợi qui trình, nên sẽ bàn sau. Cái cần thiết ngay lập tức để không trở thành lực cản cho chiến dịch, không gây tâm lý bất ổn cho quân lính, chính là loại ngay những thành phần như thế ra khỏi chiến dịch.

Trong báo cáo của Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn tại phiên họp thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hôm 6/4, ông Sơn cho biết thời gian qua, công an các địa phương đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, cả xử phạt hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật.

Phải chăng số trường hợp vi phạm nhiều như thế, nên trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng chống Covid-19, nhất là hành vi không chấp hành biện pháp phòng chống dịch, chống người thi hành công vụ, đưa tin sai sự thật, tái chế khẩu trang y tế đã quả sử dụng, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật...

Người đứng đầu chính phủ đã chỉ đạo như thế, nghĩa là đấy là việc phải làm ngay mà nhất định không có “vùng cấm”, thì mới mong đảm bảo kỷ cương phép nước, củng cố niềm tin vào các biện pháp Chính phủ triển khai để đẩy lùi dịch Covid-19.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem