Cách ly không phải là đổ đất, chặn bê tông

Nguyễn An Thanh Thứ sáu, ngày 03/04/2020 07:06 AM (GMT+7)
Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị yêu cầu “cách ly toàn xã hội” trên toàn quốc kể từ 0 giờ ngày 1/4 nhằm ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19. Nhưng xem ra, khi lần đầu tiếp xúc với cụm từ tiếng Việt khá mới mẻ này, mỗi địa phương đang có cách hiểu khác nhau, áp dụng với các mức độ ngăn cấm khác nhau.
Bình luận 0

Nhanh nhất có thể kể đến lực lượng thanh tra giao thông của Hà Nội, vài giờ sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng, lực lượng này đã ra văn bản lập 26 chốt tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô để cấm các phương tiện, người tham gia giao thông. Theo đó, Thanh tra giao thông Hà Nội đã xây dựng phương án phối hợp cùng các lực lượng chức năng như quân đội, công an, chính quyền địa phương đảm bảo 26 vị trí chốt trực tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Nhưng cũng vài giờ sau đó, Sở GTVT Hà Nội là cấp trên đã phải hỏa tốc ra quyết định hủy bỏ văn bản nói trên.

Quyết liệt hơn trong cả nước phải kể đến các địa phương ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã dựng rào, đổ đất, đá chắn đường, lực lượng chức năng còn cho xe cẩu bê tông để chặn đường không cho lưu thông. Dường như tại đây người dân đang “rào làng chống Covid” theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Người dân hào hứng lập chống và mang vật cả chắn lối không thông mà không hề có phương án cấp cứu người bệnh, PCCC, cung ứng hàng hóa thiết yếu như thế nào.v.v. và.v.v. Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Diện – Bí thư Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh), còn cho rằng người dân triển khai thực hiện là quyền quyết định của từng khu dân cư.

img

Người dân tự phát đổ đất chắn đường làm rào chắn tại một xã của TP. Hạ Long (Quảng Ninh) để tự cách ly. Ảnh: Dân Việt. 

Cục Đăng kiểm Việt Nam lại nhanh chóng ra văn bản hỏa tốc ngừng tiến hành việc đăng kiểm phương tiện cơ giới. Ở mức độ khác, trên đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đã lập 4 chốt liên ngành, đo thân nhiệt, kiểm tra hành trình của các phương tiện và khuyến cáo người tham gia giao thông quay về nhà, nếu như công việc chưa thật cần thiết.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định, cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh. Cách ly xã hội phải được hiểu đúng là giữ khoảng cách người với người, không phải là ngăn cấm giao thông, ngừng sản xuất, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông.

img

Thậm chí họ còn chặn đường bằng các khối bê tông lớn. Ảnh: Dân Việt. 

Theo GS.TS luật Phạm Đức Bảo, “cách ly xã hội” hay “cách ly toàn xã hội” thì chuyển ngữ sang tiếng Anh đều là “social spacing”, “social distancing”, phải được hiểu nghĩa là “giãn cách” xã hội, giữ khoảng cách (vật lý) giữa người với người. Nó hoàn toàn khác với “cách ly” theo nghĩa “cô lập” (social isolation) khi đó chính quyền địa phương sẽ yêu cầu phong tỏa, hay có lệnh giới nghiêm, cấm đi lại hoàn toàn. Nếu để ý, sẽ thấy ở ta máy bay và tàu hỏa chỉ mới cắt giảm tần suất hoạt động, chứ không phải ngừng hoạt động.

Đến giờ thì ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ việc “cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày” đã có biểu hiện “ngăn sông cấm chợ”, đổ đất, cẩu bê tông trên đường, chặn người dân đi lại là cách làm không đúng. Nhưng để tạo sự đồng bộ thống nhất trong toàn đất nước, chúng ta cần phải có văn bản quy định chi tiết những việc được làm, không được làm. 

Hiện nay, không phải chỉ riêng Việt Nam triển khai cách ly xã hội, trước đó Bỉ, Pháp và một loạt quốc gia Châu Âu khác đã thực hiện các biện pháp tương tự, họ gọi là đóng cửa, giãn cách xã hội (lockdown, social distancing), với những quy định rất cụ thể. Pháp quy định công dân không được di chuyển quá 1.000m từ nhà riêng, Đức quy định 10 điểm, rất chi tiết: “Khẩu trang sản xuất đại trà để phục vụ dân chúng. Mỗi người dân phải lập tức đeo khẩu trang ở các vùng dịch. Tất cả những người ở mũi nhọn chống dịch như bác sỹ, y tá, cảnh sát phải được hỗ trợ đặc biệt.”

New Zealand trước lệnh đóng cửa đã ban hành một bản quy định rất chi tiết “Bạn được làm gì khi lệnh đóng cửa bắt đầu?”. Để trả lời câu hỏi “tôi vẫn có thể ra ngoài chứ?”,  quy định ghi rõ: “Bạn vẫn có thể đi siêu thị, đi dạo, tập thể dục và đưa trẻ đến công viên hoặc đưa chó đi dạo. Nhưng bạn sẽ không thể tương tác với những người bên ngoài nhóm tự cô lập của bạn”.

Người lao động New Zealand được thông báo: “Chủ sử dụng lao động nên làm mọi thứ có thể để cho phép bạn làm việc tại nhà. Nếu điều đó là không thể, chủ lao động của bạn có quyền truy cập vào chương trình trợ cấp lương của Chính phủ.

Điều đó có nghĩa là làm việc toàn thời gian sẽ nhận được 585 dollar một tuần trong tối đa 12 tuần và nhân viên bán thời gian (ít hơn 20 giờ một tuần) sẽ nhận được 350 dollar một tuần. Khoản tiền này sẽ được thanh toán thông qua các kênh trả lương thông thường của bạn”.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy bên cạnh bác sĩ, y tá, công an, quân đội để chống dịch Covid-19, Chính phủ rất cần “chiến sĩ truyền thông” truyền tải các thông điệp chính xác, kịp thời. Muốn vậy, sau các quyết sách của Chính phủ, các cơ quan truyền thông cần có được những văn bản quy định chi tiết để kịp thời thông tin đến người dân.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem