Bộ trưởng xin lỗi và bài học về sự "hồn nhiên" nhờ vả quyền lực

Phạm Trung Tuyến Thứ tư, ngày 09/01/2019 12:10 PM (GMT+7)
Vì sự “hồn nhiên” đi nhờ xe công của người nhà, vì sự “tận tụy” quá mức của cấp dưới, mà hôm qua (8.1.2019) Bộ trưởng Bộ Công Thương phải công khai gửi lời xin lỗi đến quốc dân đồng bào. Đó có lẽ không chỉ là bài học dành riêng cho những người trong cuộc.
Bình luận 0

Lời xin lỗi của một chính khách, mà lại vì một lỗi không trực tiếp của bản thân, vốn là điều rất hiếm có trong hệ sinh thái quan trường ở Việt Nam, nơi mà các quyết định thường được thông qua bởi tập thể. Bởi thế, đây có lẽ là một hành động vô cùng khó khăn của ông Bộ trưởng Bộ Công Thương, vì nó chưa từng có tiền lệ. Nhưng cũng chính vì lời xin lỗi đó là khó khăn, nên nó rất cần thiết.

Thói quen “hồn nhiên” lạm dụng quyền lực của người nhà, lạm dụng các ưu đãi công vụ của người nhà, là điều vốn dĩ khá phổ biến trong xã hội Việt Nam, nơi mà “một người làm quan cả họ được nhờ” được coi như một điều hiển nhiên. Nhưng khi “người làm quan” phải trả giá bằng uy tín, danh dự vì cái sự “nhờ” của người thân thì điều hiển nhiên đó sẽ không còn là hiển nhiên nữa.

img

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi lời xin lỗi sau ồn ào xe biển xanh đón người thân tận chân cầu thang máy bay.

Tôi tin rằng không có người vợ nào, người con nào, người họ hàng nào muốn gây khó khăn hay ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của chồng, cha, anh em họ hàng mình. Họ chỉ “hồn nhiên” lạm dụng vị trí quyền lực của người thân khi nghĩ rằng điều đó là bình thường, ai ở vị trí đó cũng thế. Lời xin lỗi của Bộ trưởng, vì thế sẽ có tác dụng làm thay đổi những suy nghĩ “hồn nhiên” đang bám rễ trong tâm tư của những người nhà quan chức.

Trong câu chuyện ầm ĩ dẫn đến lời xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Công Thương, tác nhân không chỉ là những người nhà Bộ trưởng. Nếu những cấp dưới của ông không tùy tiện sử dụng các chế độ công vụ để phục vụ người nhà của Bộ trưởng thì không ai có thể lạm dụng, dù muốn.

Nhưng, những cấp dưới của ông Bộ trưởng dường như đã không ý thức rõ chức phận của mình. Nếu họ xác định rõ bản thân, cũng như cấp trên của mình, đều là những công chức nhà nước, họ sẽ hành động khác, sẽ lấy việc làm đúng chức phận của mình, để phụng sự nhân dân, để bảo vệ các giá trị luật pháp là mục đích.

Nhưng, khi họ coi cấp trên như ông chủ, như người có quyền tự ban phát bổng lộc, địa vị cho mình, họ sẽ coi việc lấy lòng cấp trên là mục đích. Đáng tiếc, sự nhầm lẫn đó cũng không phải là điều cá biệt. Khi Bộ trưởng phải xin lỗi vì sai lầm của cấp dưới, có lẽ sẽ khiến cấp dưới của ông nhận ra hành động vô nguyên tắc của họ không khiến cấp trên hài lòng, mà ngược lại.

img

Bức thư xin lỗi của Bộ trưởng Công Thương.

Quyết định đưa ra lời xin lỗi, trong mọi trường hợp, đều luôn là điều khó khăn với đa số chúng ta, nhất là khi đó không phải lỗi trực tiếp bản thân mình gây ra. Khi Bộ trưởng Bộ Công Thương vượt qua những trở ngại tâm lý để đưa ra lời xin lỗi hôm qua, có thể ông coi đó là vấn đề của riêng ông, trách nhiệm cá nhân của ông.

Nhưng, chắc chắn tác động của lời xin lỗi đó lớn hơn câu chuyện của riêng ông. Đó còn là bài học đáng nhớ, một thứ án lệ xã hội để cảnh tỉnh những người nhà quan chức đang “hồn nhiên” nhờ vả quyền lực của người thân, cảnh tỉnh những công chức đang nhầm lẫn chức phận, coi việc phục vụ cấp trên quan trọng hơn nhiệm vụ phụng sự Nhà nước và nhân dân.

Vì thế, tôi rất muốn tin rằng, việc Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định đưa ra lời xin lỗi hôm qua, không phải xuất phát từ một ý tưởng truyền thông xử lý khủng hoảng, không phải vì sức ép của dư luận chẳng đặng đừng, mà vì mong muốn tạo ra một tiền lệ để thay đổi những thói quen hủ bại trong đời sống quan viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem