Bi kịch trao nhầm con và sự ích kỷ, câu view

Thanh Hằng Thứ bảy, ngày 14/07/2018 08:26 AM (GMT+7)
Bi kịch trao nhầm con ở Ba Vì đang là tâm điểm của dư luận, và đáng buồn, câu chuyện lại có phần căng thẳng, khi đáng ra sẽ phải có sự cảm thông cho 2 gia đình, khi họ đều cùng là nạn nhân.
Bình luận 0

Khi đọc những thông tin đầu tiên về bi kịch trao nhầm con ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội, câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra là tại sao chỉ có một phía gia đình anh Phùng Giang Sơn mong muốn được nhận lại con, lẽ nào chị Hương - mẹ ruột của cháu bé mà gia đình anh Sơn đang nuôi không mong được đón con về?

img

Tìm hiểu đôi chút, mới biết giữa 2 gia đình chưa tìm được tiếng nói chung. Nguyên nhân sâu xa có lẽ chỉ 2 gia đình biết được, song có thể nhận thấy là, việc phát hiện ra sự nhầm lẫn là do gia đình anh Sơn và việc đi xét nghiệm ADN cháu bé cũng do gia đình anh Sơn chủ động. Nói điều này ra để thấy, chị Hương là người bị động trong câu chuyện và dĩ nhiên, cú sốc đến với chị sẽ đột ngột hơn gia đình anh Sơn. Vì thế, việc chị chưa dễ dàng chấp nhận sự thật ngay là điều dễ hiểu.

Có một điều cũng cần nói là, từ trước đến nay, các vụ trao nhầm con hầu hết đều có hậu, cho dù có trao đổi lại con hay không. Ở Hà Nội, cũng có gia đình từ chối đổi lại con, nhưng cả 2 gia đình đều coi 2 người con là con ruột và khi trưởng thành, cả 2 người con đều có trách nhiệm với cả 2 gia đình như con đẻ. Nhưng tại sao trong câu chuyện tình cảm đầy bi kịch giữa gia đình anh Sơn và chị Hương, đáng ra sẽ phải có sự cảm thông giữa 2 gia đình, khi họ đều cùng là nạn nhân, thì câu chuyện hiện lại có phần căng thẳng?

Với những gì tôi biết được bước đầu, có thể thấy việc đặt vấn đề câu chuyện trao đổi con với gia đình chị Hương chưa được khéo léo, không đúng cách hay có phần vội vàng hoặc mang tính áp đặt, dẫn đến 2 gia đình chưa có tiếng nói chung về cách xử lý với 2 đứa trẻ - điều các gia đình nhầm con thường dễ cảm thông vì chung hoàn cảnh.

Đã thế, mấy ngày qua, những thông tin không đầy đủ về mối quan hệ giữa 2 gia đình 2 cháu bé đăng trên mặt báo, đã tạo nên dư luận là chị Hương không chịu trả con cho gia đình anh Sơn. Chính sự bàn tán của những người không hiểu chuyện đã khiến chị Hương rất mệt mỏi, như trong một lần trao đổi hiếm hoi với báo giới, chị cho biết.

img

Tôi không tin chị Hương không muốn trả cháu M. để đón con đẻ về. Bởi một người mẹ vẫn yêu thương một đứa trẻ khi đã biết rõ bé không phải con mình, thì cũng khó có thể không yêu thương đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Thực tế chị Hương cho biết, ngay lần đầu gặp lại con trai ruột của mình là cháu Phùng Thanh H. đang được gia đình anh Sơn nuôi, chị đã cảm thấy yêu thương H. như đối với cháu M. chị đang chăm sóc. Nhìn cháu H., chị rất xót thương và muốn mẹ con được đoàn tụ, nhưng trái tim người mẹ chưa cho chị làm điều đó. Bởi bản thân chị vẫn còn quá sốc, cũng như lo cho tâm lý của cháu M. trước bi kịch bất ngờ này.  

Hãy đặt mình vào vị trí của người khác trong cuộc để hiểu họ. Một người mẹ giàu tình cảm, một đứa trẻ “mít ướt”, cả hai đã gắn bó yêu thương suốt 6 năm trời, lại đều phải trải qua những tổn thương trong tình cảm gia đình, thì sự gắn bó càng chặt chẽ, giờ bỗng sẽ phải xa nhau là việc cực kỳ khó khăn. Đó hoàn toàn là chuyện tình cảm chứ chả phải toan tính gì ở phía chị Hương.

Chính vì thế, chị Hương cho biết sẽ xử trí vụ việc bằng cách sẽ chuyển về Ba Vì để cho cháu M. tiếp xúc dần với gia đình anh Sơn, rồi mới tách dần để M. hòa nhập vào gia đình “mới”, chứ không phải bỗng một ngày đưa cháu M. đến trả luôn cho anh Sơn, sẽ khiến cả 2 cháu hụt hẫng. Cách giải quyết của chị Hương như vậy là hợp lý hợp tình và khoa học, ấm áp tình mẹ con. Thậm chí, 2 đứa trẻ cũng cần được chuyên gia tư vấn tâm lý trước khi “về nhà”, đồng thời, chính bố mẹ các cháu cũng cần được tư vấn tâm lý, để có cách ứng xử phù hợp.

img

Trò chuyện với anh Sơn, anh cho biết mong mỏi lớn nhất của gia đình anh lúc này là được đón con về nhà vì cháu thiếu thốn nhiều thứ. Như vậy, mong muốn của 2 gia đình chưa thống nhất. Tuy nhiên, thiết nghĩ gia đình anh Sơn cho dù thương con cũng không nên quyết liệt buộc chị Hương phải trả lại con ngay tức thì. Chậm trả cháu, chính là vì chị Hương quá thương yêu cháu bé con anh Sơn mà thôi. Trước mắt, nếu gia đình anh Sơn muốn chăm sóc cháu M. về vật chất thì cũng có sao? Trước sau, 2 cháu cũng sẽ được đoàn tụ với gia đình, thì kéo dài thêm một vài tháng cũng là điều nên chấp nhận. Có điều, thay vì thông qua báo chí, 2 gia đình nên chủ động gặp gỡ, trao đổi kế hoạch để đón các bé về một cách khoa học và tâm lý, để các bé có thể hòa nhập với cuộc sống mới. Hãy gạt bỏ những lấn cấn hay suy nghĩ thiệt hơn, vì các bé!

Tôi vừa đọc một bài báo có vị luật sư trả lời về việc nếu chị Hương không chịu trả con thì sẽ bị xử lý thế này thế kia mà thấy đau lòng. Sao có thể lạnh lùng nói đến pháp lý trong câu chuyện tình cảm, lại đang ở tình thế rất xót xa này? Chị Hương dù chưa hay không trả con, thì cũng chỉ là câu chuyện tình cảm con người, chứ đâu phải chị có ý chiếm đoạt? Bởi chưa trả cháu M. về, thì chị cũng đâu được đón nhận cháu H. về nuôi? Sao chưa bàn thấu đáo chuyện tình người, lại vội bàn chuyện pháp đình để trái tim những người trong cuộc thêm một lần đau?

Điều tốt nhất bây giờ là báo chí hãy ngừng khai thác chuyện riêng tư của 2 gia đình, đặc biệt là không vội bàn chuyện pháp lý, để làm tổn thương những người trong cuộc, nhất là các bé. Hãy đặt mình vào vị trí chị Hương để hiểu chị đang phải trải qua những ngày không dễ chịu gì khi vốn có một cuộc sống yên lành, lặng lẽ, bỗng một ngày, mọi thông tin cá nhân bất ngờ bị đưa lên mặt báo, nào là ly hôn, nào là con ai nuôi, làm nghề gì, ở đâu v.v…

Cứ để 2 gia đình và các bé tự gặp gỡ, bàn bạc và thỏa thuận cách đón - đưa các bé về sao cho tình cảm nhất. Đừng vì sự ích kỷ của người lớn, hay câu view, câu like của báo chí, mà làm tổn thương các bé khi bi kịch như thế đã quá đủ rồi!

Tôi tin trong chuyện này, nếu đi từ trái tim sẽ chạm đến trái tim!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem