Về quê lập trại nuôi chim công quý hiếm, bán giá cao cho nhà giàu

Phạm Anh Thứ tư, ngày 17/07/2019 06:15 AM (GMT+7)
Từ những ngày đầu chân ướt chân ráo bước vào nghề nuôi chim công, đến nay Nguyễn Văn Luân (34 tuổi) trú tại xóm 12, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã gây dựng thành công trang trại nuôi chim công quý hiếm. Nhờ nuôi chim công sinh sản và chuyên bán chim công giống, mỗi năm trang trại của anh Luân có doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Trước khi bén duyên với nghề nuôi chim công sinh sản, anh Luân từng làm nghề lái xe tải một thời gian dài, trong quãng thời gian đó anh được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều mô hình hay cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, anh luôn ấp ủ sẽ về quê gây dựng riêng cho mình một trang trại chăn nuôi chim công quy mô.

Anh Luân chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, trong một lần đi chở hàng cho khách thì anh tình cờ bắt gặp mô hình nuôi chim công. Thấy mô hình hay hay nên cứ lúc nào rảnh là anh lại dùng smartphone lên mạng Internet tìm hiểu về cách nuôi loại chim quý này.

img

Nhờ nuôi chim công sinh sản thành công mà anh Nguyễn Văn Luân ở xóm 12, xã Giao Thủy có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Trong quá trình tìm hiểu về tập tính loài chim công, anh Luân thấy đây là một loại chim khá dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cực cao, thu nhập chẳng thua kém gì nghề lái xe mà anh đang làm. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, anh quyết định bỏ nghề cầm vô lăng về quê nuôi chim.

 “Lái xe được đi đây đi đó, gặp đủ kiểu người, nhưng nhiều lúc thấy nghề lái xe cũng vất vả, suốt ngày lông bông ngoài đường và nguy hiểm lại luôn rình rập. Nghĩ thế nên tôi quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu nghĩ cứ về quê nuôi chim công xem thế nào, nếu thành càng tốt, mà thất bại nhiều thì quay lại nghề lái xe cũng chẳng sao.. .", anh Luân nhớ lại.

Từ những kiến thức kỹ thuật nuôi chim công mà anh Luân đã nắm bắt được từ trước đó, ngay sau khi về quê anh liền bắt tay vào xây chuồng trại và mua con chim công giống về nuôi thử nghiệm. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng đàn chim của gia đình anh luôn phát triển tốt và nhân giống thành công, bước đầu mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

img

Chim công trắng hay còn gọi là công khổng tước, đây là một trong những dòng công quý hiếm và đang được nhiều đại gia mua về nuôi làm cảnh. Ngoài bán con giống, mỗi năm từ việc bán lông chim anh Luân cũng thu về hơn chục triệu đồng.

Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm quan mô hình nuôi chim công, anh Luân cho biết, hiện gia đình anh đang nuôi gần 20 con chim bố mẹ, gồm 8 con chim công trống và hơn chục con chim công mái. Trong số chim công này có cả những loại chim công được xếp vào dạng đặc biệt quý hiếm như: chim công trắng, chim công ngũ sắc...Sau thời gian đầu còn bỡ ngỡ, đến nay anh Luân đã thuần thục kỹ thuật nuôi chim công, kinh nghiệm nuôi chim công.

“Phần lớn số chim công bố mẹ đang ở tuổi thứ 5 nên chúng sinh sản khá ổn định. Như năm ngoái gia đình tôi cũng bán được hơn 100 cặp chim công giống, mỗi cặp giá dao động từ 2 triệu đến 6 triệu đồng tùy loại. Sau khi trừ hết chi phí thì mỗi vụ chim sinh sản cũng lời được 120 triệu đồng”, anh Luân tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN.

img

Mỗi cặp chim công giống có giá tùy loại, dao động từ 2 triệu cho đến 6 triệu đồng/cặp, đối với loại nuôi được 2 tháng tuổi.

Cũng theo anh Luân, từ xưa chim công đã được ví là biểu tượng của sự giàu sang - phú quý và nuôi chim công mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Chim công thường nuôi trong vườn thượng uyển của các bậc vua chúa thời phong kiến. Với ý nghĩa đó, giới nhà giàu càng đổ xô nhau đi lùng mua loài chim được xếp vào dòng đẹp và quý hiếm này về trưng cảnh nên nhiều khi không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Giá chim công giống cũng rất đa dạng và giá mỗi loại cũng chênh lệch nhau khá nhiều. Đối với các giống công quý hiếm, như chim công ngũ sắc hay chim công trắng thì có giá cao gấp nhiều lần so với các dòng công bình thường. Hiện tại, một cặp chim công ngũ sắc hay công trắng thì có giá khoảng 6 triệu, còn với dòng chim công xanh có giá 2 triệu đồng/cặp, đối với loại nuôi được gần 3 tháng tuổi, còn nuôi lâu hơn thì có giá cao hơn.

img

Nhờ vào gần 10 cặp chim bố mẹ mà gia đình anh Luân mỗi năm cung cấp cho thị trường 100 cặp chim công giống, bỏ túi 120 triệu đồng sau mỗi vụ chim công sinh sản.

Anh Nguyễn Văn Luân cho hay, chim công sau 2 năm nuôi là đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Tuy nhiên phải từ năm thứ 3, thứ 4 trở đi khả năng sinh sản của chim công mới ổn định và cho tỷ lệ ấp nở tốt nhất. Chim công mái bắt đầu đẻ từ đầu mùa xuân đến cuối mùa hạ, số trứng bình quân mỗi năm dao động từ 10-35 trứng và thời gian ấp trừng nở thành con non trung bình là từ 26 – 27 ngày.

Nói thêm về kinh nghiệm nuôi chim công, kỹ thuật nuôi chim công, anh Luân chia sẻ, chim công không khác với nuôi gà là mấy nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cực cao. Chim công cũng chủ yếu ăn lúa, ngô và rau cỏ các loại. Đến mùa chim công sinh sản, người nuôi cần bổ sung thêm khẩu phần thức ăn cho chim công gồm sâu tươi và dế tươi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem