Thái Nguyên: Hơn 15.000 hội viên nông dân được đào tạo nghề

Thùy Anh Thứ ba, ngày 19/11/2019 05:00 AM (GMT+7)
Trong 5 năm qua (từ 2013- 2018), Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “cầm tay chỉ việc”, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua vật tư và phân bón theo phương thức trả chậm...
Bình luận 0

Trong 5 năm qua (từ 2013- 2018), Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “cầm tay chỉ việc”, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua vật tư và phân bón theo phương thức trả chậm...

Ông Trần Văn Nguyên – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, cho biết, từ 2013 - 2018, trung tâm đã tổ chức, phối hợp tổ chức 30 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, thú y cho 960 hội viên, nông dân.

Hội ND các huyện, thành phố, thị xã liên kết với Hội Làm vườn tỉnh, Trung tâm đào tạo nông dân, trung tâm dạy nghề cấp huyện, thành, thị mở 452 lớp với các nghề thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, trồng nấm, chăm sóc chế biến chè... cho gần 15.800 hội viên, nông dân. Sau học nghề, các học viên được cấp chứng chỉ và sử dụng hiệu quả ngành, nghề đã học vào hoạt động sản xuất; 8.900 học viên có việc làm.

img

Sau khi học nghề trồng, chế biến chè xanh, nhiều hộ dân ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã  nâng cao hiệu quả và thu nhập từ trồng chè. Ảnh: Khánh Huyền

Các lớp học nghề được đào tạo theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, số tiết thực hành chiếm trên 60%. Ngoài ra, việc học được tham quan thực địa, thực hành tại các mô hình, làng nghề điển hình để dễ dàng tiếp cận và sản xuất theo các mô hình đã có. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được ra đời như: Công nghệ chế biến chè theo quy trình VietGAP ở xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai), nuôi gà đồi ở xã Tân Kim (huyện Phú Bình), trồng và nhân giống nấm ở xã Quyết Thắng (TP.Thái Nguyên)… Toàn tỉnh có 1.050 mô hình thu nhập trên 100 triệu đồng/mô hình/năm.

Thêm vào đó, các cấp Hội đã tổ chức 1.600 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 80.000 lượt hội viên, nông dân. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 567.667 lượt hộ nông dân. Qua đó, giúp bà con nông dân nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem