Khuyến nông cùng chuyên gia Nhật Bản giúp nông dân làm ăn lớn

Minh Huệ Thứ ba, ngày 12/03/2024 10:03 AM (GMT+7)
Khi thế giới đang tập trung vào những vùng nguyên liệu rộng lớn, cánh đồng lớn thì ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hộ sản xuất nhỏ, do đó việc tăng cường năng lực cho các hợp tác xã là rất cần thiết, qua đó tăng cường năng lực cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ.
Bình luận 0

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết như vậy tại cuộc họp Ban điều phối chung lần II Dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Đổi mới, nâng cao năng lực cho các bên tham gia dự án

Tại cuộc họp, ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, dự án này đã tiếp nối kết quả của các dự án trước, đặc biệt là pha 2 "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc". Dự án triển khai có nhiều đổi mới về mặt thiết kế, đó là bên cạnh nâng cao năng lực cho HTX, dự án còn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông và các bên tham gia trong chuỗi giá trị cây trồng an toàn. Từ đó tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khuyến nông cùng chuyên gia Nhật Bản giúp nông dân làm ăn lớn- Ảnh 1.

Các chuyên gia Trung tâm Khuyến nông quốc gia và JICA tại cuộc họp Ban điều phối chung lần II. Ảnh: P.T

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương cho biết, với sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án Trung ương và các chuyên gia JICA, tỉnh đã chọn được 3 HTX nông nghiệp mục tiêu để nhân rộng năm 2024, gồm HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ (xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà), HTX Âu Việt Fram (xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành), HTX Nông nghiệp Sen Fram (xã Thái Tân, huyện Nam Sách). 

Trước khi triển khai, các HTX được tiếp cận tài liệu tập huấn về khuyến nông cây trồng an toàn, tiếp đó là các lớp tập huấn TOF về marketing, quy trình GAP cơ bản trong sản xuất, tăng cường năng lực về khảo sát thị trường và lập kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường...

Bà Trần Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, Phó Trưởng ban quản lí Dự án JICA cho biết, dự án đã tổ chức tham quan học tập giữa các HTX mục tiêu về mô hình trình diễn, triển khai các biện pháp kỹ thuật để hướng dẫn thực địa cho các HTX áp dụng GAP cơ bản; Thực hiện kiểm tra giám sát nội bộ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm GAP như su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua... 

Các HTX mục tiêu này được hỗ trợ hàng loạt công cụ tiếp thị, gồm danh thiếp, tờ rơi, bao bì nhãn mác, biển hiệu. Ví dụ như tại HTX Tân Minh Đức được hỗ trợ hơn 1.000 thùng carton từ 2-10kg (có in logo và thông tin của HTX); 35 áo đồng phục có in logo của HTX...

Đặc biệt là lần đầu tiên những cán bộ khuyến nông ở Hải Dương được cử đi tham gia khóa tập huấn tại Nhật Bản để học hỏi, hiểu được cách thức người Nhật thúc đẩy cây trồng an toàn; các kinh nghiệm của Nhật Bản về khuyến nông, mô hình HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm ở Nhật Bản…, trên cơ sở đó các cán bộ khuyến nông đã xây dựng kế hoạch hành động, triển khai dự án phù hợp và hiệu quả hơn.

Khuyến nông cùng chuyên gia Nhật Bản giúp nông dân làm ăn lớn- Ảnh 3.

Mô hình trồng rau, nho VietGAP tại HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: P.T

Còn tại HTX Nam Cường (tỉnh Nam Định), lần đầu tiên các thành viên HTX áp dụng kỹ thuật đặc biệt cho cây khoai tây do các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, đó là khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời mà không hề gây tốn kém thêm nhiều chi phí. Đầu tiên, đất được làm tơi xốp, bón phân, lên luống như quy trình thông thường. Sau đó một tấm nilon trong suốt được phủ kín lên luống, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong đất sẽ tăng lên từ 40 - 60 độ C. 

Sau tối thiểu 22 ngày duy trì nhiệt độ cao như vậy, đất sẽ không còn sâu, trứng và ấu trùng có hại, thậm chí các loại mầm và hạt cỏ cũng bị tiêu hủy. Khi nông dân canh tác, sâu bệnh và cỏ dại giảm rất nhiều so với đất không khử trùng.

Nông dân làm ăn ngày càng chuyên nghiệp

Anh Tạ Hữu Minh, Ủy viên HĐQT HTX Nam Cường cho biết, trong quá trình canh tác vụ đông năm nay, cây khoai tây sinh trưởng phát triển rất tốt và cho nhiều củ hơn so với ruộng không được khử trùng. Không riêng gì cây khoai tây mà với các loại rau màu khác, sâu bệnh cũng giảm hẳn, qua đó giúp HTX giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh... Sản phẩm rau củ quả an toàn của HTX Nam Cường đạt tiêu chuẩn cung ứng cho chuỗi thực phẩm sạch của tỉnh Nam Định, với sản lượng trung bình trên 100 tấn rau củ sạch chất lượng cao mỗi năm.

"Mô hình cho thấy sự bền vững khi tạo ra sự an tâm cho cả 3 bên: Nông dân an tâm khi bảo vệ sức khỏe của đất, nhà phân phối thì an tâm khi cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường, còn người tiêu dùng cũng an tâm khi sức khỏe được bảo vệ nhờ sản phẩm an toàn, chất lượng" - đại diện HTX Nam Cường cho biết.

Khuyến nông cùng chuyên gia Nhật Bản giúp nông dân làm ăn lớn- Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thiên Hương

Tại cuộc họp Ban điều phối chung lần II, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, khi thế giới đang tập trung vào những vùng nguyên liệu rộng lớn, cánh đồng lớn, thì ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hộ sản xuất nhỏ. Do đó việc tăng cường năng lực cho các HTX là rất cần thiết, qua đó tăng cường năng lực cho nông dân sản xuất nhỏ. 

"Tham gia dự án, các HTX tại Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, rồi Hà Nội đã rất thành công, cho thấy khi các hộ sản xuất nhỏ phối hợp với nhau hình thành HTX, cùng nhau sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu sản phẩm tốt thì hiệu quả kinh tế cũng tăng theo" – ông Thanh nói.

"Chúng tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ của các chuyên gia JICA tại 7 tỉnh dự án. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng khi thúc đẩy chuỗi giá trị rau quả, biến những người sản xuất nhỏ thành người sản xuất lớn thông qua hình thức HTX. Đó là lí do vì sao Trung tâm Khuyến nông phải đào tạo cho bà con các kỹ năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, với những bộ tài liệu vừa thông minh vừa dễ hiểu" – ông Thanh bày tỏ.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay chúng ta phải làm quen với tư duy bán sản phẩm là bán cả quy trình. Quy trình đó được bảo lãnh bởi các chuyên gia hàng đầu đến từ JICA, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm khuyến nông tỉnh… Đi thăm mô hình, chúng tôi thấy nông dân viết thông tin cấp chứng nhận ở đâu, đóng bao bì thế nào, các khâu chuẩn bị ra thị trường ra sao..., tôi thấy bà con ngày càng chuyên nghiệp. Đó chính là tư duy kinh tế nông nghiệp mà Bộ NNPTNT đang triển khai" – ông Thanh kỳ vọng.

Dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam" được JICA tài trợ 150 triệu cho mỗi tỉnh, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn La. Năm 2024, JICA sẽ hỗ trợ 50% chi phí để các HTX phát triển mô hình và ở giai đoạn cuối nhân rộng mô hình, việc thực hiện sẽ dùng kinh phí khuyến nông thường xuyên của mỗi tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem