Không có chuyện hèm rượu "giết" được virus dịch tả heo châu Phi

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 17/09/2019 12:48 PM (GMT+7)
Đến nay, 20 con heo được dùng để kiểm chứng khả năng chữa lành bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) bằng hèm rượu ở Đồng Nai đều đã chết vì dương tính với virus. Điều này khẳng định, không có chuyện hèm rượu có tác dụng "giết" được dịch tả heo châu Phi.
Bình luận 0

Thời gian qua, thông tin một hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cho 15 con heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi ăn hèm rượu khỏi bệnh làm dấy lên nhiều ý kiến bán tín, bán nghi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ngành chức năng khẳng định phương pháp này không có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn.

img

Cách phòng trừ DTHCP bằng hèm rượu ở hộ bà Đỗ Thị Nhung (Đồng Nai) gây nhiều bàn tán. Ảnh: Phạm Tùng

Trước đó, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng 6 tiến hành kiểm tra xác minh.

Cơ quan chức năng khẳng định đàn heo 15 con của gia đình bà Đỗ Thị Nhung ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất có 1 con bị nhiễm dịch tả heo châu Phi-DTHCP. Xong, con heo bị nhiễm dịch này có hàm lượng virus rất thấp, sau đó đã tự miễn nhiễm theo cơ chế tự nhiên của động vật.

Tài liệu nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới OIE cho biết, trong tự nhiên, đã có những cá thể heo bị nhiễm DTHCP nhưng sau đó tự khỏi bệnh. Ngoài ra do lượng virus thấp nên không đủ gây lây nhiễm cho những con còn lại.

Để kiểm chứng, cuối tháng 8 vừa qua, ngành chức năng đã đưa đến chuồng nuôi của bà Nhung 20 con heo được lấy từ đàn heo bị nhiễm DTHCP. Đồng thời, cơ quan chức năng đề nghị bà Nhung cho số heo này ăn bã hèm rượu và chăm sóc như cách mà bà đã làm trước đó trên đàn heo của mình.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 9, đàn heo 20 còn này đã chết phân nửa. Đến ngày 6/9, chỉ còn lại 5 con còn sống. Đến nay, toàn bộ đàn heo đã chết sạch vì DTHCP.

img

Ông Trần Văn Quang khẳng định dùng hèm rươụ chữa dịch bệnh trên heo là không có cơ sở.

Giải thích cụ thể hơn, ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết cách dùng hèm rượu phòng chống DTHCP là không có cở sở lý luận lẫn thực tiễn.

Ngành chức năng đã khảo sát nhanh tại 3 huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom ở 18 hộ nuôi. Các hộ này trước đó cũng có sử dụng hèm để chăn nuôi heo ở các quy mô khác nhau. Tuy nhiên, heo của 18 hộ này đều có nhiễm bệnh và chết vì DTHCP.

Một công bố của Tổ chức Thú y thế giới khi khảo sát về sức đề kháng tự nhiên ở đàn heo nhà nuôi tại một số vùng tại Nam Phi với virus DTHCP cho thấy, ở điều kiện mật độ virus xâm nhiễm thấp thì, heo có xuất hiện triệu chứng bệnh lâm sàng và sau đó sẽ không còn virus. Kết quả khảo sát ở đàn heo của bà Nhung cũng cho thấy đậm độ virus nhiễm trong đàn heo thấp.

img

Tận dụng hèm rượu làm thức ăn nhưng vẫn triệt để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học

“Từ những cơ sở này, chúng tôi khẳng định một lần nữa không có chuyện dùng hèm để phòng chống các loại dịch bệnh trên heo nói chung và DTHCP nói riêng”, ông Quang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quang, trong mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phương thức tận dụng bã hèm rượu để nuôi heo đã có từ lâu đời, được nhiều người áp dụng. Ông Quang đánh giá đây là việc tốt chứ không ảnh hưởng gì.

Nhưng đánh đồng việc dùng hèm để phòng chống dịch bệnh trên heo và DTHCP là hoàn toàn không đúng. “Bên cạnh việc tận dụng hèm làm thức ăn cho heo, bà con nên triệt để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống DTHCP”, đại diệc Chi cục chăn nuôi thú ý Đồng Nai chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem