"Không bao giờ quên những hy sinh, mất mát của những người đã ra đi vì dịch Covid-19"

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 19/11/2021 11:14 AM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với phóng viên Dân Việt về Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Bình luận 0

Tối nay (19/11), Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với PV Dân Việt về ý nghĩa của Lễ tưởng niệm này, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến sinh tử rất ác liệt. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đồng lòng coi "chống dịch như chống giặc". Trong cuộc chiến đó có nhiều đồng bào và cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh, tử vong. Đây là những tổn thất, mất mát rất lớn của dân tộc ta, những đau thương này không gì có thể so sánh được.

"Chúng ta phải tôn vinh và biết ơn những người đã nằm xuống để giữ lại sinh mạng cho người còn sống. Cho nên, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần có một hành động, buổi lễ tưởng niệm để tôn vinh, tri ân và biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh và nhằm khắc sâu trong chúng ta những hy sinh, mất mát để không ai bị lãng quên trong cuộc chiến với dịch Covid-19", ông Nguyễn Túc nói.

"Tưởng niệm người mất vì Covid-19": Không bao giờ quên những hy sinh, mất mát của những người đã ra đi vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Lễ tưởng niệm "người mất vì Covid-19" để tôn vinh, tri ân và biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh. Ảnh: V.T

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, Lễ tưởng niệm cũng là một sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân cả nước trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân, lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.

Đồng thời, tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

"Cũng thông qua buổi lễ này chúng ta thức tỉnh những người còn sống hãy thực hiện tốt hơn nữa các quy định của Nhà nước như 5K + vaccine + thuốc… để những hao tổn, những mất mát của chúng ta trong cuộc chiến chống dịch này ngày càng ít đi và mong rằng đến ngày không còn mất mát vì dịch Covid-19 nữa", ông Nguyễn Túc bày tỏ.

"Tưởng niệm người mất vì Covid-19": Không bao giờ quên những hy sinh, mất mát của những người đã ra đi vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch Covid-19 sẽ diễn ra vào 20h tối nay. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Túc cho hay, đất nước chúng ta có truyền thống và được đúc kết trong câu tục ngữ mà Bác Hồ từng nói: "Thương người như thể thương thân", cho nên trước nỗi đau mất mát to lớn như hiện nay chúng ta phải có trách nhiệm với thân nhân còn sống của những đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh.

"Đó là việc phải có chính sách an sinh xã hội, chính sách như thời chiến nhằm đền ơn đáp nghĩa để những thân nhân còn sống của đồng bào, đồng chí của mình đã hy sinh cảm thấy ấm lòng và phải làm sao để đồng bào ta, những người đang sống không bao giờ quên những hy sinh, mất mát của những người đã ra đi vì dịch Covid-19", ông Nguyễn Túc nêu ý kiến.

Trước đó, phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua, GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí- nguyên Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã dành nhiều thời gian nói về những mất mát do dịch Covid-19 để lại.

Ông bày tỏ sự đau xót khi hàng nghìn chiến sĩ, đồng bào đã chết vì dịch bệnh và nhấn mạnh mất mát này là rất to lớn. Từ năm 1975 đến nay, đây là lần tổn thất về tính mạng con người nhiều nhất ở nước ta.

Theo GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, hầu hết người đã mất trong đại dịch ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và vì dịch bệnh nên không được mai táng chu toàn. "Xin đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức một ngày quốc tang cho những người đã mất vì dịch Covid-19", ông Trí tha thiết.

Cũng vì lẽ đó, buổi Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 trong tối nay sẽ một phần nào giúp mọi người nhớ về các bệnh nhân không may mắn đồng thời tri ân các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19 giai đoạn khốc liệt vừa qua. Như lời GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, dành cho họ ngày quốc tang hay một lễ tưởng niệm trang trọng là rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái đúng với đạo nghĩa của con người Việt Nam.

Khuyến nghị người dân tắt đèn, thắp nến, nhà chùa thỉnh chuông

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 bắt đầu lúc 20h hôm nay (19/11) tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, điểm cầu phụ ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) và truyền hình trực tiếp. Dự kiến tại điểm cầu chính có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì Covid-19.

Bên cạnh đó, tại TP.HCM còn có các hoạt động như thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trước chùa Pháp Hoa, quận 3) và trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (gần cầu Mống, quận 4).

Trong tinh thần hiệp thông của lễ tưởng niệm, lúc 20h30, Giáo hội Phật giáo VN TP.HCM khuyến nghị tất cả các chùa và cơ sở tự viện trên địa bàn dành một phút tưởng niệm với nghi thức thỉnh đại hồng chung, dừng mọi hoạt động để hưởng ứng.

Tại đầu cầu Hà Nội sẽ tổ chức tại sân khấu đa năng công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), thả đèn hoa đăng tại khu vực hồ Bảy Mẫu. Dự kiến có khoảng 300 đại biểu tham dự. TP Hà Nội giao Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) trên địa bàn căn cứ tình hình thực tế tổ chức hình thức tưởng niệm phù hợp, cùng đánh (thỉnh) chuông tưởng niệm vào 20h30 ngày 19/11.

Các sở ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Hà Nội vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 lúc 20h30 ngày 19/11. Trong thời gian tưởng niệm, Hà Nội dừng tất cả hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem