Khát vọng vươn lên từ hào khí cha ông

Thứ tư, ngày 03/10/2012 09:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng loạt sự kiện văn hóa sôi nổi đang diễn ra tại Nam Định - nơi ngày 5.10 tới đây sẽ có lễ kỷ niệm trọng đại 750 năm Thiên Trường - Nam Định.
Bình luận 0

Vùng đất này là nơi phát tích triều Trần- một trong những vương triều rực rỡ của lịch sử VN...

Nhớ đế đô nguy nga xưa

Theo sử cũ ghi lại: Tổ tiên nhà Trần làm nghề chài lưới, đánh cá. Cuốn “Ngọc phả nhà Trần” chép lại rằng: “Họ Trần đi nhiều nơi để tìm đất lập nghiệp, nhưng chỉ yêu mến khu Khang Kiện (nay là Tráng Kiện, thuộc đất làng Tức Mặc, xã Lộc Vượng, TP. Nam Định) bèn dựng nhà thờ tổ tại đây”.

Đây là vùng đất nằm ở cửa sông, gần biển, trung tâm của vùng đồng bằng châu thổ, quần cư đông đúc, lại có thế Ngoạ Long - một thế đất quý, phát tích đế vương. Họ Trần đã định cư và nhanh chóng tổ chức cuộc sống, trở thành dòng họ có thế lực mạnh ở vùng này.

img
Hát chầu văn đã được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Sau khi nhà Trần thay nhà Lý cai quản đất nước (1225), trung tâm quyền lực quốc gia, nơi tập trung cao nhất các cơ quan đầu não của đất nước vẫn là Thăng Long. Tức Mặc đơn thuần chỉ là quê cha, đất tổ, chỉ có hành cung và Tiên miếu để vua về làm lễ hàng năm. Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), Thượng hoàng Trần Thái Tông xuống chiếu: Đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường. Hành cung Thiên Trường được xây dựng nhiều công trình kiến trúc có quy mô lớn với 2 cung Trùng Quang, Trùng Hoa; các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, xung quanh xây dựng các phủ đệ, dành cho các vương phi, quan lại, sắc dịch thuộc bộ máy giúp việc thượng hoàng. Cảnh quan Thiên Trường đẹp đẽ, thanh bình, mang dấu ấn nguy nga, sang trọng của một đế đô...

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: “Thiên Trường còn là một trung tâm văn hoá, đóng góp cho kho tàng di sản văn hoá dân tộc nhiều tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, mỹ thuật, văn học… hết sức phong phú và sâu sắc; đặc biệt trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đất Thiên Trường, ngoài những người thuộc dòng dõi hoàng tộc có điều kiện học hành để trở thành những đại trí thức, giữ các cương vị khác nhau trong triều đình như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Tung, Trần Đạo Tái, Trần Nguyên Đán… còn sản sinh ra không ít những nhân tài làm rạng danh nước Đại Việt thời Trần như thần đồng Nguyễn Hiền, thầy trò Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích… Thiên Trường đã gắn bó với vương triều Trần suốt 175 năm tồn tại, đã góp phần xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XVIII, để lại dấu ấn sâu sắc trên các lĩnh vực chính trị, hành chính, văn hoá của đất nước”.

Khát vọng thành Nam

Trong tuần lễ cao điểm trước ngày tổ chức lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, hàng loạt sự kiện đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo người dân. Hội chợ Làng nghề và Thương mại - Du lịch Nam Định khai mạc với rất nhiều gian hàng ẩm thực, vui chơi giải trí, đồ thủ công truyền thống. Sáng 30.9, triển lãm cổ vật tại Bảo tàng Nam Định chính thức mở cửa, trưng bày 20.000 tài liệu và cổ vật, có những cổ vật rất giá trị được bảo tồn từ thời Lý, Trần.

Kỷ niệm “750 năm Thiên Trường - Nam Định”, UBND tỉnh Nam Định cũng tổ chức đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và quyết định công nhận TP.Nam Định là đô thị loại I. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động văn hóa khác như xây dựng phim tài liệu khoa học với chủ đề “Thiên Trường xưa - Nam Định nay”, xuất bản sách ảnh “Dấu xưa Thiên Trường”...

Ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định cho biết: “Trong các sự kiện văn hóa tổ chức nhân dịp này, Nam Định rất chú trọng vào Hội thảo “Văn hóa thờ Nữ thần ở Việt Nam và châu Á - bản sắc và giá trị” nhằm tôn vinh giá trị của đạo Mẫu, lên đồng và chầu văn.

Nhiều nhà khoa học đã khẳng định, Nam Định chính là quê hương của thờ Mẫu và chầu văn. Vừa qua, chúng tôi đã làm hồ sơ di sản phi vật thể về chầu văn. Hiện hầu đồng và hát văn được đưa vào danh sách 12 di sản văn hóa của Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Ông Xuân cho biết, Đại lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường ngày 5.10 sẽ bao gồm 3 phần. Phần mở đầu với chủ đề “Vành nôi Tức Mặc - Thiên Trường- Thời đại Đông A - Tinh hoa và hành trình mở đất”. Phần thứ hai với chủ đề “Thiên Trường- Nam Định - Thời đại Hồ Chí Minh - Đánh giặc cứu nước”. Phần thứ ba có chủ đề “Bài ca Thiên Trường - Nam Định đổi mới và khát vọng”. Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định sẽ khép lại với màn bắn pháo hoa tại 7 điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem