Khai hoang đất làm nông thôn mới

Lê San Thứ tư, ngày 09/09/2015 06:00 AM (GMT+7)
Chỉ mới được thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Bám rừng, khai hoang để có thêm đất ruộng sản xuất là một số bí quyết xây dựng NTM ở địa phương này.
Bình luận 0

Chia sẻ với chúng tôi về việc xây dựng NTM ở địa phương, ông Lê Đức Dục– Bí thư Huyện uỷ Nậm Nhùn nói: “Huyện mới được thành lập, cơ sở vật chất tạm bợ, hệ thống giao thông, thuỷ lợi kém phát triển. Đội ngũ cán bộ công chức thiếu và yếu. Tình hình an ninh phức tạp với các hoạt động tôn giáo trái phép, tệ nạn ma tuý… Nhiều cái khó như vậy nhưng tới nay huyện đã có 3 xã gần hoàn thành được tiêu chí NTM rồi”.

Lập nhóm giúp hộ nghèo

img

Bà con xã Pú Đao góp sức làm đường NTM. Ảnh: LÊ SAN

Huyện Nậm Nhùn được thành lập từ năm 2012 với 11 xã, thị trấn thì có 9 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Huyện thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Lai Châu. Đến nay, cán bộ huyện vẫn phải làm việc trong những căn phòng chật chội, tạm bợ trong khi chờ xây dựng trụ sở mới. Sản xuất nông nghiệp của huyện thấp kém nhất tỉnh. Ruộng lúa 1 vụ chỉ có 300ha, ruộng 2 vụ được hơn 700ha nhưng manh mún, trình độ canh tác lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ...

Bản Nậm Nhùn, thị trấn Nậm Nhùn có 242 hộ với trên 80% dân tộc Thái. Do nhường đất cho thuỷ điện và phát triển cây cao su nên cả bản chỉ còn có 6ha lúa nước, 60ha đất nương. Để giúp người dân thoát khó khăn, bản đã có cách làm triệt để. Ông Mào Văn Siêng- Trưởng bản Nậm Nhùn kể: “Chúng tôi thành lập các nhóm giúp đỡ hộ nghèo. Tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà, thiếu lao động, đất sản xuất thì mọi người trong bản cùng nhau giúp khai hoang thêm ruộng, cho mượn trâu, bò để cày cấy, nhà nào có lao động thì được hỗ trợ giống, kỹ thuật để sản xuất. Chi bộ bản cùng các đoàn thể vận động bà con chăm sóc cao su, làm công nhân tại công trường Thuỷ điện Lai Châu”.

Đến nay cả bản đã có 3ha đất trồng rau xanh các loại, 300 con trâu, 80 con bò, hàng trăm lợn, gà, vịt.

Đánh thức xã nghèo

 "Chúng tôi xác định cần bám vào rừng để lấy động lực xây dựng NTM. Toàn huyện có gần 4.200 hộ nhận khoán bảo vệ rừng, số tiền 1 hộ được hưởng lợi trung bình gần 9 triệu đồng/năm. Đây là khoản thu nhập để bà con đầu tư phát triển sản xuất, mua sắm vật dụng gia đình cũng như giải quyết khó khăn về lương thực thời kỳ giáp hạt” .
Ông Lê Đức Dục – Bí thư Huyện uỷ Nậm Nhùn

Pú Đao là xã đặc biệt khó khăn với 95% dân số là người Mông. Bị chắn bởi hai dãy núi cao, đường sá khó khăn nên cuộc sống của dân Pú Đao trước đây gần như tách biệt với bên ngoài. Sau khi được huyện chọn làm xã điểm xây dựng NTM, Pú Đao đã triển khai nhiều hạng mục quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ông Chá A Thứ - Chủ tịch UBND xã Pú Đao cho biết: Ngoài đường giao thông từ huyện tới xã, thành công nhất của Pú Đao đó là bê tông hoá đường nội bản với chiều dài hơn 3,2km, với sự hỗ trợ của nhà nước cùng đóng góp của người dân, những đoạn đường dốc khó đi lại dẫn tới các bản vào mùa mưa đều đã được bê tông hoá. Chính quyền xã đã đứng ra tổ chức và hướng dẫn nhân dân xây được 80 nhà vệ sinh và 13 chuồng trâu đảm bảo tiêu chí. 

“Từ bao đời nay, người Mông toàn ở trong nhà gỗ, nền đất nhưng giờ hơn 60% số hộ dân đã cứng hoá nền nhà. Chỉ những cái đơn giản vậy thôi nhưng là cả một quá trình”– ông Thứ cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem