Nấm đất đầu làng

Phạm Đương Thứ tư, ngày 11/03/2020 08:00 AM (GMT+7)
Có một nấm đất ngay ở đầu làng tôi, làng Hà Nhai, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, nhưng chỉ có những người ở lứa tuổi trên dưới 60 mới biết bên dưới nấm đất ấy là gì. Nó giống một cái mả hoang nhưng lại không phải là mả. Mỗi dịp thanh minh, cả làng đi dẫy mả hoang (mả vô chủ) riêng nấm đất ấy lại chừa ra.
Bình luận 0

img

Làng xưa giờ đã khác nhiều. Ảnh: Minh Thu

Lũ nhóc ở làng hay thắc mắc với các bậc lão nông: “Sao mỗi lệ thanh minh, gò mả hoang nào cũng được dẫy mà nấm đất ấy lại để cỏ mọc um tùm?”. Nghe câu hỏi ấy, có cụ gạt ngay: “Ồi, chuyện dài lắm, tụi bây hơi đâu mà nghe”. Bọn trẻ tiu nghỉu. Thanh minh năm sau, chúng lại tiếp tục câu hỏi cũ ấy để rồi nhận lại một nghi vấn luôn bỏ ngỏ câu trả lời.

Không phải người già của làng tôi không biết lai lịch nấm đất ấy mà cái chính là họ muốn chôn chặt một quá khứ thương đau trong lòng nó. Lạ một điều là, đau thương thì muốn chôn vùi vào dĩ vãng nhưng bằng chứng của nỗi đau ấy thì lại không chịu xóa đi. Đã có lần, trong một dịp thanh minh, làng tôi chia làm hai phe chung quanh nấm đất ấy: Xóa đi hay để lại? Cuối cùng thì phe muốn để lại đã “thắng”. Tính đến mùa xuân này, nấm đất nọ tồn tại đã 47 năm. Đó là vào tháng giêng năm 1973, lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá cờ nửa xanh nửa đỏ, chính giữa có ngôi sao màu vàng, bay lật phật trong nắng mai, ngay chỗ nấm đất đang kể.

img

Làng xưa nay đã thay đổi, trù phú ấm no. Ảnh: Minh Thu

47 năm trước, làng tôi thuộc diện “xôi đậu”- một khái niệm để chỉ những vùng mà ban đêm thì mấy ông giải phóng về thăm cha mẹ, sẵn dịp lấy một ít lương thảo và nhu yếu phẩm lên căn cứ nằm ở bên kia dãy núi Ngang, nơi có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy qua hiện nay, còn ban ngày thì mấy ông quốc gia lên, cũng thăm cha mẹ và … tán gái làng nếu không phải là người trong tộc họ.

Do đặc điểm “xôi đậu” như vậy nên có nhiều gia đình trong làng, anh thì đi lính bảo an hoặc lính cộng hòa của “phe” quốc gia, em thì đi bộ đội hoặc du kích của “phe” cách mạng. Khổ tâm nhất vẫn là những bà mẹ của những người lính thuộc hai “phe” nhưng chung một nhà ấy. Đứa nào cũng rứt ruột đẻ ra, chúng vẫn “anh anh em em” trong những lần bí mật về thăm mẹ nhưng ra khỏi đồng làng là nổ chĩa súng vào nhau.

Vùng “xôi đậu” làng tôi đã xảy ra một sự kiện chưa từng có với đứa trẻ 13 tuổi là tôi lúc ấy. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá cờ nửa xanh nửa đỏ, giữa có ngôi sao vàng. Không ai giải thích với tôi về ý nghĩa của lá cờ trông rất bắt mắt ấy cả. Tôi chỉ biết rằng, sự hiện diện của lá cờ cắm lên ngọn cột tre cao 10 mét ngay đầu làng vào mùa xuân năm 1973 ấy, đó là phần đất của cách mạng. Cha tôi là Việt cộng, hoạt động hợp pháp. Việc của ông khá đơn giản, hôm nào mà thấy không có dấu hiệu lính quốc gia phục kích ở làng thì tối đó, ông ra cây mít ở phía tây của làng - nơi có chiếc trang thờ nho nhỏ, thắp một ngọn đèn. Ngọn đèn ấy là chỉ dấu của sự bình yên nên anh em du kích cứ việc về thăm nhà, còn nếu không thấy ngọn đèn thì tự hiểu, làng đang có “lính quốc gia phục kích”. Suốt 10 năm như thế, cha tôi đã đi trọn vẹn cuộc chiến tranh cùng ngọn đèn để thắp lên niềm tin cho những người du kích là con em của làng mình.

Trở lại với nấm đất đầu làng. Tuy là Việt cộng nhưng cha tôi lại thường xuyên nghe “đài địch”. Ông vặn volume thật nhỏ để nghe đài BBC, dĩ nhiên là có cả Đài phát thanh giải phóng nữa. Buổi sáng hôm 27/1/1973 ấy, cha tôi nói với cả nhà: “Hôm nay là ngày hòa bình rồi. Hôm qua Hiệp định Paris đã ký, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam”. Cả nhà vui mừng khôn xiết, nhưng mẹ tôi có lẽ là người vui nhất. Bà còn một đứa con đi kháng chiến bặt tín vô âm đã mấy năm rồi…

img

Ảnh: Minh Thu

Việc đầu tiên là hạ cờ nửa đỏ nửa xanh của giải phóng xuống và treo lá cờ nền vàng ba sọc đỏ của quốc gia lên. Ngay trong chiều hôm đó, mấy ông giải phóng tập họp lực lượng lại, đuổi lính quốc gia chạy về phía quận, lại hạ cờ quốc gia xuống, treo cờ mặt trận lên! Cuộc hạ cờ rồi treo cờ của cả hai phía cứ thế nhùng nhằng, cho đến một hôm, du kích cài một quả đạn pháo bên dưới gốc cột cờ. Không biết ai đã mách cho, lính quốc gia thay vì hạ cột cờ như mọi bữa, họ dùng tiểu liên bắn ngã cột, chỉ lấy lá cờ. Bên dưới cột cờ ấy vẫn còn một trái đạn pháo 105 li. Nấm đất đầu làng chính là vị trí của cột cờ năm nảo năm nào.

Hơn 10 năm trước, công binh đề nghị đào quả pháo ấy lên nhưng các lão nông của làng không chịu. Họ muốn chôn chặt cuộc chiến tranh trong nấm đất đầu làng, đồng thời nhắc với cháu con rằng, nơi đây huynh đệ đã từng tương tàn, cốt nhục từng chịu cảnh phân ly, người làng đã từng đổ máu để giành nhau mảnh đất do chính ông bà mình tạo dựng…

Lại sắp một thanh minh nữa của làng. Lũ trẻ rồi sẽ hỏi cái câu xưa cũ ấy. Còn đám thanh niên lớn hơn một chút thì chúng đã tự tìm hiểu và vỡ ra bao điều chung quanh câu chuyện về nấm đất đầu làng. Có cảm giác như âm thanh từ những lá cờ lật phật bay trong gió sớm vẫn còn lảng vảng đâu đây. Mới đó mà sắp nửa thế kỷ đã trôi qua. Trái pháo dưới lớp cỏ xanh kia có thể không thể phát nổ nữa, nhưng xương thịt của những người lính từng ngã xuống của hai bên thì vẫn không thôi cứa vào ký ức nhói buốt của dân làng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem