Kể chuyện làng: Về làng đập lạc

Văn Hoài Thứ tư, ngày 04/03/2020 08:00 AM (GMT+7)
Tôi đã đi tới nhiều ngôi làng trên dải đất hình chữ S này, nhưng chưa thấy ở đâu có ngôi làng đẹp như làng quê tôi.
Bình luận 0

Gọi là làng nhưng kỳ thực người làng tôi không làm nông, làm ruộng, toàn gia đình làm cán bộ thôi. To nhất làng tôi nhớ lúc đó có ông chủ tịch huyện, có ông làm giám đốc ngân hàng, có bà hiệu trưởng và nhiều người nữa mà tôi không kể hết. Nhiều người gọi làng tôi là làng Quan cũng vì thế. Nhưng thực ra là trật, không đúng. Có hôm ngồi nói chuyện với mấy cụ trong làng, họ nói, ngày xưa làng này là thành trì, nơi đóng quân của triều đình vua Mai. Khu vực này có nhiều nhà quan lại, phú hộ ở nên gọi là làng Quan. Tôi thấy giải thích này cũng có lý. Khi cha tôi và nhiều người nơi khác về đây lập làng có đào ao lấy đất đắp nền nhà, vẫn lượm được vài thứ "đồ cổ" như dao, kiếm, nồi đất... Có hôm cha tôi còn lượm được 2 viên đá giã cối trông rất cổ, tôi giấu ông còn giữ đến bây giờ.

Trong làng nhiều người làm... quan, nhưng đa số vẫn nghèo, chủ yếu sống bằng đồng lương ba cọc ba đồng của viên chức nhà nước. Vì thế, hễ có việc gì làm thêm để tăng thu nhập, thêm tiền mua gạo, mắm muối là nhà nào cũng lao vào làm. Từ trồng su hào, cải bắp ở mảnh vườn bé tý teo; từ nấu kẹo lạc, làm bánh đúc, trông xe, giữ hàng... tất cả đều không nề hà, làm tuốt.  Mạnh ai nấy làm, không theo lề lối, tổ chức nào cả.

Chỉ có một nghề mà tôi thấy hầu như nhà nào cũng làm, đó là bóc (đập) lạc (đậu phộng). Nhà cô Oánh dạy toán, nhà ông Hiệp dược sĩ, nhà ông Hùng giao thông, nhà ông Tân, ông Tiến đều làm... Nhà tôi cũng thế. Cả làng chừng 400 hộ hầu hết đều làm thêm nghề này. Lúc đó, bóc lạc thuê cho ngoại thương ở phố huyện là mốt, là trào lưu kiếm thêm thu nhập. Củ lạc đang có vỏ chỉ cần tách ra lấy hạt là xong. Nói thì đơn giản, nhưng nghề này cũng phức tạp và vất vả vô cùng.

Quê tôi, xứ Nghệ, có lẽ là thủ phủ của lạc. Là nông dân thì ngoài trồng lúa, trồng khoai ra, nhà nào cũng trồng lạc. Lạc nhiều lắm. Đi đâu cũng thấy. Cứ hè đến, râm ran tiếng ve là cả làng, cả xã, cả huyện đều ra đồng nhổ lạc. Lạc thu hoạch xong, một ít thì cho vào chum lọ làm muối lạc ăn dần, còn lại người dân đều bán cho công thương huyện. Hàng chục nhà kho của huyện chất không hết... Thành ra họ phải thuê người bóc tách để lấy hạt lưu cất cho gọn, cũng như để chuyển xuống tổng kho ở Vinh, rồi chế biến làm dầu, làm bánh kẹo, rồi xuất khẩu.

img

Cứ đến hè là cha mẹ tôi lại ra kho ngoại thương của huyện để nhận lạc về bóc, gọi là phát bóc. Cha thường chở những bao lạc đựng trong bì tải to gấp đôi, gấp ba người chúng tôi trên chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ về nhà. Nhìn thấy chúng, tôi đã thấy mùa hè đã không về với mình. Tôi có cự nự, ông quát bảo không làm thì lấy gì mà ăn...

Vậy là cả 3 tháng hè, chị em tôi phải ngồi bóc lạc. Tôi thấy nhiều nơi dùng cái kẹp làm bằng tre để tách hạt ra. Lúc đầu nhà tôi cũng làm thế. Nhưng năng suất thấp lắm. Làm theo cách này chắc mỗi ngày chỉ tách được 3-5 kg là cùng. Mỗi tạ lạc lúc đó tách ra tiền công được 3 ngàn đồng, tách kiểu đó công sá chả được bao, có mà đói rã họng.

Chị em tôi phải tập bóc bằng tay. Lúc đầu tập bóc cũng khó, chậm, nhưng dần dà mãi cũng quen, nhanh lên hẳn. Có ngày 2 chị em bóc được 3 yến. Bóc 3 ngày được cả tạ. Sau này tôi kể chuyện bóc lạc, mấy đứa không biết nghề này, bảo bóc thế còn ít. Tôi không tin. Trong làng Quan, chị em tôi là người bóc nhanh nhất, đố ai bằng.

Công việc bóc lạc của 2 chị em tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng. Ngủ dậy chỉ kịp đánh răng, rồi ăn sáng qua quýt bằng củ khoai, củ sắn là chị em tôi lại ngồi vào một góc để bóc lạc. Ở đó, cha tôi đã đong cho mỗi đứa 1 thúng lạc (10-15 kg). Ông bảo đó là định mức của 1 ngày. Làm xong thì nghỉ. Nhìn đống lạc cao vọt đến tận cổ, tôi ứa cả nước mắt. Bóc bao giờ mới xong được, nhiều như thế cơ mà!  Ngoài kia, nhiều đứa trẻ ở làng khác ngày hè đều được cởi trần đá bóng, tắm sông, rồi lông nhông, chạy nhảy khắp nơi. Còn tôi mãi phải mài đũng quần bóc lạc, nghĩ cũng uất.

Nhưng việc của cha giao thì không thể không làm. Vậy là 2 chị em cặm cụi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chập tối, từ tối đến tận khuya. Cứ tay này đến tay khác thi nhau đập. Thoăn thoắt luôn. Tiếng lách tách cứ như vậy suốt những ngày hè. Nhưng nào xong, hết hè, có lạc cha mẹ tôi lại nhận về đập tiếp. Vậy là xem như cả năm đập lạc...

Bóc lạc nhiều đến mức móng tay trỏ và tay cái của 2 chị em tôi bị vét sâu vào tận thớ thịt, ứa cả máu, nhiều hôm phải dùng vải bọc tay để bớt chảy máu và đỡ đau. 8 ngón tay khác thì sần sùi, mất hết cả hoa tay. Tôi nhớ có lần bà cô đến chơi, bảo chị gái tôi đưa tay xem có hoa tay không thì chả xem được gì.

Ngồi cả ngày bóc lạc nên cổ, lưng cũng đau ê ẩm. Cảm giác sợ bóc lạc đến nỗi nhiều khi một đứa trẻ như tôi chỉ ước... mất mùa lạc, để lạc ít đi, mình đỡ phải bóc. Có năm mất mùa lạc thật, lạc ít hơn, nhưng nào sướng đâu, bóc lạc càng khổ hơn. Nhiều người hỏi vì sao thế? Có gì đâu, lạc mất mùa củ của nó cứ quắt queo, xấu xí, nhọn hoắt, tách được nó ra lấy hạt không phải dễ. Đập được củ lạc 2 tay tê điếng, máu bật ra. Nhận lạc mất mùa về bóc, dù cha tôi có giao chỉ tiêu thì 2 chị em cũng chỉ bóc được 2 yến/ngày là cùng.

Tôi hiểu cái nghề bóc lạc này như hiểu từng thớ thịt trên thân thể mình. Khi đi xa, nhiều người bảo củ lạc đại thể là có 2 hạt, còn 3 hạt thì rất hiếm. Chả biết gì. Đúng là củ lạc thường có 2 hạt, nhưng 1 hạt cũng rất nhiều, 3 hạt cũng thế. Lúc bóc lạc, thậm chí tôi thấy cả củ lạc có 4 nhân, 5 nhân, thậm chí là 6 nhân. Mỗi khi thấy củ lạc 6 nhân, 2 chị em tôi lại cùng hét toáng lên, cha mẹ tôi thấy thế cũng chạy đến xem. Sau này tôi hét nhiều quá, ông bà cũng không thèm để ý.

Ngồi bóc lạc cả ngày cũng chán nên tôi thường xin cha mẹ vác cả thúng lạc sang nhà hàng xóm để bóc cùng đám bạn cho vui. Tôi hay đến nhà bà Oánh, ông Hùng để bóc, nhưng hay đến nhất là nhà dì Liêu vì ở đó có em Hà học sau tôi vừa xinh vừa duyên, vừa bóc lạc nhanh. Bóc lạc thi cùng em ấy mình có thêm động lực làm việc, thấy bóc nhanh hơn và vui hơn... Có những đêm bóc lạc mệt và chán quá, tôi mạnh bạo rủ em Hà lên đê ngóng gió. Ngồi ở đó, chúng tôi được tán mọi chuyện trên đời, được ngắm các chòm sao và ngắm được toàn cảnh ngôi làng. Cảnh nên thơ thật, nhưng thanh âm lách cách từ bóc lạc ở các nhà thì vẫn nghe rõ, thấy ám ảnh.

Bóc lạc xong, mẹ tôi lại dùng nia sàng tách vỏ một nơi, nhân một nơi. 2 chị em tôi lại hý hoáy ngồi phân tách hạt: Hạt vỡ, nhăn nheo một loại; hạt đẹp gồm những hạt căng, mẩy một loại. Loại lạc đẹp cha mẹ tôi cho vào bao tải rồi dùng xe đạp cũ chở ra huyện trả hàng cho ngoại thương, lấy tiền công mang về. Còn hạt vỡ, nhăn nheo thì để ở nhà ép làm dầu ăn, dùng khô dầu nuôi lợn.

Tôi thích nhất là những lúc cha mẹ nhận tiền công bóc lạc. Đó là dịp cuối hè. Tính tổng cộng 2 chị em tôi cũng bóc được gần 3- 4 tấn. Tiền công đủ cho cha mẹ tôi dành dụm một khoản để làm sân, sửa nhà hay mua sắm gì đó. Số dôi dư, tôi  được cha mẹ mua tặng đôi dép tông Lào hoặc mua 1 đôi quần đùi Thái Lan để dùng cho ngày khai trường. Ngày đó, trẻ con như tôi có được 2 thứ này thì xem như nhất. Tôi có đứa bạn, nó được mẹ mua cho đôi quần đùi Thái Lan nên đi đâu cũng khoe. Có hôm nó mặc quần dài, nhưng vẫn cố để lộ ra tý dây tua của chiếc quần đùi Thái mặc ở trong cho bọn bạn biết. Cả đám ngưỡng mộ lắm. Tôi cũng ngưỡng mộ nhưng chưa có dịp để khoe bạn như cách nó làm...

Làng tôi giờ đã lên phố, nhà tầng nhiều hơn, đường làng được bê tông hóa đến tận từng ngõ ngách. Nhà nào cũng đánh tên số. Làng Quan của tôi giờ đã đổi thành một tên khác mĩ miều hơn: Khối Mai Hắc Đế. Triền đê đẹp như tranh thuở nào đã bị san phẳng để mở rộng làm đường. Chợ phiên Sa Nam lúng liếng bên sông nghe nói cũng sắp bị chuyển đi để nhường chỗ cho một dự án xây dựng lớn. Cánh đồng bên sông cũng đã bị chuyển đổi thành phố thị, xây nhà hàng. Đời sống của người trong làng đã khá lên, nên các nghề phụ không còn. Nghề bóc lạc gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ tôi giờ cũng biến mất.

Mỗi lần về quê, nhớ những ngày bóc lạc, tôi cứ bần thần cả ngày, tay chân ngứa ngáy khó chịu đáo để. Dịp cuối năm, về quê, bắt gặp bà bác bóc lạc để cô con gái làm quà mang vào Nam, tôi vội sà xuống đòi bóc.

Những củ lạc mới nhưng trông vẫn rất thân quen.  Vẫn nhịp tay lên xuống. Vẫn tiếng tí tách từ thuở ấu thơ.

Ôi những thanh âm ngày nào.

Ký ức về tuổi thơ của tôi, làng quê của tôi. Và em Hà của tôi... lại tràn về!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem