Kể cả đá không lương, vì sao Messi vẫn không thể ở lại Barca?

Thứ ba, ngày 10/08/2021 07:10 AM (GMT+7)
Ngay cả khi Messi chấp nhận đá không công cho Barca, đội chủ sân Camp Nou vẫn không thể đăng ký siêu sao người Argentina vào danh sách.
Bình luận 0

Trong quá trình đàm phán hợp đồng, Messi xác nhận đã chấp nhận giảm 50% lương để ký hợp đồng mới với Barca. Mọi thứ về cơ bản đều đã được hoàn tất, song khi trở lại từ kỳ nghỉ hè, Barca xác nhận không thể đăng ký Messi cho mùa giải mới vì giới hạn của La Liga.

Kể cả đá không lương, vì sao Messi vẫn không thể ở lại Barca? - Ảnh 1.

Messi không thể thi đấu cho Barca ở mùa 2021/22. Ảnh: Getty.

Rào cản của La Liga

Theo luật của La Liga, một CLB sẽ không thể đăng ký cầu thủ mới nếu quỹ lương chiếm quá 70% doanh thu. Nếu hợp đồng giữa Messi và Barca được ký quyết, quỹ lương của Barca sẽ cán mốc 100% doanh thu. Và ngay cả khi không ký tiếp hợp đồng (chính là hiện tại), con số này cũng đang đạt mức 95%.

Theo Eurosport, khi Messi hết hạn hợp đồng và Barca ký mới với tiền đạo này, El Pulga sẽ trở thành một tân binh về mặt pháp lý với La Liga. Với quỹ lương vượt quá mốc cho phép, Barca sẽ không thể đăng ký một "cầu thủ mới" như Messi vào đội hình dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong trường hợp Messi chấp nhận đá không lương.

Kể cả đá không lương, vì sao Messi vẫn không thể ở lại Barca? - Ảnh 2.

Tất cả chỉ còn là dĩ vãng. Ảnh: Getty.

Nhà báo Philipp Auclair của France Football cũng đồng thuận với chi tiết này. Bởi vậy khi Messi vừa khóc vừa nói bản thân "không thể làm gì hơn" để ở lại Barca, đó là những lời thật lòng xen lẫn bất lực của tiền đạo sinh năm 1987.

Quỹ lương của Barca trước khi Messi ra đi lên tới hơn 443 triệu euro theo thông số từ Deloitte. Họ đã cố gắng cả mùa hè để thanh lý những ngôi sao nhận lương cao đóng góp ít nhưng bất thành. Antoine Griezmann nhận lương sau thuế tới 20 triệu euro/mùa, Coutinho nhận 14 triệu/mùa, Dembele nhận 10 triệu/mùa, Pjanic và Umtiti nhận 7 triệu/mùa.

Catalunya là khu vực đánh thuế cao trong số các giải đấu hàng đầu châu Âu với con số lên tới 49%. Nói cách khác, Barca thực tế đã phải trả khoảng hơn 110 triệu euro tiền lương cho đóng góp ít ỏi của nhóm cầu thủ trên.

Và chính khoản lương khổng lồ vô nghĩa này khiến Barca thất bại trong việc giảm quỹ lương, kéo theo việc không thể đăng ký Messi vào đội hình của mùa giải 2021/22.

Không chỉ Messi, 3 tân binh của Barca trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021 là Eric Garcia, Memphis Depay và Sergio Aguero cũng chắc chắn chưa thể được đăng ký cho mùa giải mới. Barca lúc này bắt buộc phải giải tán ít nhất 25% quỹ lương để đạt con số 70% như theo luật để đăng ký cầu thủ, hoặc làm cách nào đó để La Liga nới lỏng điều luật khắt khe này.

Barca phải làm gì?

Bán người là giải pháp ưu tiên của đội chủ sân Camp Nou lúc này. Song đây cũng là điều khó nhất. Griezmann, ngôi sao nhận lương cao nhất Barca lúc này, không được đội bóng lớn nào đoái hoài vì thu nhập ngất ngưởng cùng giá chuyển nhượng trên trời.

Coutinho, Dembele, Pjanic hay Umtiti cũng đang gặp nhiều khó khăn trong đầu ra. Trường hợp của Dembele hay Coutinho khó chẳng kém Griezmann. Cầu thủ người Pháp dính chấn thương nghỉ 4 tháng, còn Coutinho quá đắt đỏ với bất kỳ đội bóng nào khi nhận lương tới 14 triệu euro/mùa.

Kể cả đá không lương, vì sao Messi vẫn không thể ở lại Barca? - Ảnh 3.

Barca phải thanh lý những ngôi sao hưởng lương cao nhưng đóng góp ít như Griezmann. Ảnh: Getty.

Nhiều nguồn tin tại Italy xác nhận Juventus và Inter sẵn sàng đón Pjanic trở lại Serie A, tuy nhiên chỉ theo dạng chuyển nhượng tự do. Tức Barca phải chấp nhận giải phóng hợp đồng của tiền vệ người Bosnia.

Phương án này giải phóng được khoản lương 7 triệu euro/mùa, song rõ là nước đi gây mất mặt Barca khi Pjanic có giá chuyển nhượng theo Transfermarkt lên tới 20 triệu euro. Umtiti được coi là người Barca dễ bán nhất, nhưng dường như không muốn rời Camp Nou vì đãi ngộ quá tốt tại đây.

Eurosport tin rằng Barca có nhiều hơn một phương án để giải quyết tình trạng này. Một quỹ nào đó đến và bơm tiền, hoặc lách luật kiểm toán là hai trong số nhiều phương án.

Nếu không, Barca nhiều khả năng sẽ quay về thời điểm trước khi Ronaldinho gia nhập đội bóng này vào năm 2003, tức bị phá hủy bởi cấp lãnh đạo tồi tệ tham nhũng, cùng thế hệ cầu thủ thiếu vắng thủ lĩnh.

Hơn cả, Barca cần cầu mong vaccine có tác dụng. Nếu khán giả trở lại và lấp kín khán đài Camp Nou, các hoạt động thương mại và quảng bá sẽ mang lại tiền bạc cho đội bóng này. Dù không còn Messi, Barca bản chất vẫn là một thương hiệu lớn.

Họ đã sinh tồn từ trước khi Messi xuất hiện và vươn mình trở thành siêu sao của bóng đá thế giới. Lúc này, dù đau khổ, nhưng Barca phải làm quen với việc không còn El Pulga.

Chủ tịch Joan Laporta nói không ai có thể lớn hơn Barca kể cả Messi. Chính Messi xác nhận Barca rồi sẽ sống ổn khi thiếu anh. Giờ là lúc "Gã khổng lồ xứ Catalunya" chứng minh đó là sự thật.

Nhật Anh (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem