Israel ném bom bệnh viện, xe cứu thương ở Gaza, làm mọi thứ bất chấp để 'chiến thắng' Hamas?

Phương Đăng (theo Counterpunch) Thứ ba, ngày 14/11/2023 19:24 PM (GMT+7)
Trên khắp Israel, tất cả những bảng hiệu khổng lồ được đặt trên các đường cao tốc trung tâm hay những áp phích lớn được đặt trước trường học, siêu thị, các tòa nhà chính phủ đều có chung khẩu hiệu mới: “Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng!".
Bình luận 0
Israel ném bom bệnh viện, xe cứu thương ở Gaza, làm mọi thứ bất chấp để 'chiến thắng' Hamas? - Ảnh 1.

Xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh IT

Theo Counterpunch, khẩu hiệu này ngắn gọn, súc tích và sắc nét, được phần lớn người Do Thái ở Israel đón nhận. Một phần sức hấp dẫn của khẩu hiệu này được cho là có thể bắt nguồn từ tính mơ hồ của nó, cho phép mỗi người hiểu từ “chiến thắng” một cách khác nhau. Nhưng có vẻ như có sự đồng thuận rộng rãi trong đa số người Israel rằng, họ chỉ có thể đạt được chỉ thắng bằng chiến dịch tấn công đẫm máu vào Gaza, để tiêu diệt nhóm vũ trang Hamas - kẻ thù "không đội trời chung" của Nhà nước Do Thái.

Tuy nhiên, theo Counterpunch, từ "chiến thắng" đó dường như đang được sử dụng để biện minh cho hầu hết mọi hành vi bạo lực khi mà các cuộc không khích của Israel nhắm vào cả những người dân Palestine đang chạy trốn trên con đường mà Israel tuyên bố là “con đường an toàn” về phía nam, cũng như khi bom được thả xuống giữa một trong những khu dân cư đông đúc nhất ở trại tị nạn Jabalia hoặc khi tên lửa tấn công một đoàn xe cứu thương...

Đối với hầu hết người Israel, “chiến thắng” hiện nay dường như biện minh cho hầu hết mọi hành vi bạo lực.

Theo Counterpunch, trong 1 tháng xung đột ở Gaza, quân đội Israel đã thả tới 30.000 tấn chất nổ xuống khu vực này, làm hư hại khoảng 50% tổng số đơn vị nhà ở trên khắp Dải Gaza và khiến ít nhất 10% trong số này không thể ở được. Gần 70% dân số 2,3 triệu người của Gaza đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do bị đánh bom và đột kích. Một nửa số bệnh viện và 62% trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu thực sự không còn hoạt động. 1/3 tổng số trường học đã bị hư hại và khoảng 9% hiện không còn hoạt động.

Nhiều người Do Thái ở Israel tin rằng, chiến dịch tấn công quy mô bằng đường không, đường bộ, đường biển này là cần thiết để “chiến thắng”. Nhưng người Palestine đã phải gánh chịu hàng nghìn thương vong dân sự, bao gồm cả cái chết của hơn 4.000 trẻ em cho đến nay. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thậm chí tuyên bố, trung bình 1 giờ, 6 trẻ em ở Gaza phải chết vì xung đột và Gaza đã bị biến thành “nghĩa địa cho trẻ em".

Việc đánh bom hàng loạt và sự di dời của hơn một triệu người Palestine có thể khiến Dải đất này bị chia cắt thành nhiều phần khác nhau và tạo ra các khu vực không có người Palestine, nơi những người định cư Do Thái có thể chiếm đất và xây dựng lại các khu định cư.

Kiểu ném bom của Israel trong tháng qua chắc chắn là một phần trong nỗ lực của Israel nhằm khẳng định khả năng răn đe của nước này đối với Hamas, cũng như Hezbollah.

Tuy nhiên, theo Counterpunch, nếu tiêu diệt Hamas là mục tiêu cuối cùng, thì “chiến thắng” của Israel cũng sẽ kéo theo sự thay đổi chế độ ở Gaza cũng như tạo ra một thực tế mới trên thực địa, nơi Israel không chỉ kiểm soát các biên giới xung quanh Dải Gaza mà còn cả những gì xảy ra bên trong đó.

Đến thời điểm hiện tại, một bộ phận nhỏ trong xã hội Do Thái ở Israel đã từ chối những hình thức “chiến thắng” trên và đang kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Đối với họ, "chiến thắng" đòi hỏi một sự thay đổi hoàn toàn và toàn diện về mô hình, để giúp Israel thành một quốc gia dân chủ duy nhất nằm giữa sông Jordan và Biển Địa Trung Hải, nơi người Do Thái và người Palestine có thể chung sống bình đẳng.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem