Hướng tới Đại hội VIII Hội NDVN: Hội Nông dân Thái Nguyên tham gia hỗ trợ kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 07/12/2023 07:00 AM (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết của BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, những năm qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phát triển nhiều mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn mang lại hiệu quả cao.
Bình luận 0

Vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp

Những năm qua, nông dân Thái Nguyên đã và đang từng bước khẳng định được vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Hội Nông dân Thái Nguyên phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 1.

Kinh tế tập thể luôn giữ vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua. Ảnh: Hà Thanh

Trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào lớn của Hội, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội Nông dân Thái Nguyên phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Cương (xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhiều năm liền là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Ảnh: Hà Thanh

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW (Khoá VII) ngày 30/7/2020 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách thực hiện. Trong đó có đề án "Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 – 2025; Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 – 2025 được các địa phương triển khai tích cực và bước đầu đã đem lại hiệu quả. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên có tổng số 173 sản phẩm OCOP được xếp hạng với 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao.

Hội Nông dân Thái Nguyên phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam thăm mô hình sản xuất chè của HTX Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên)

Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động tham gia tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi nhận thức, chuyển từ kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác, hình thành các tổ nhóm liên kết, tổ hợp tác và HTX góp phần tích cực trong việc tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đề ra.

Đến nay, đã có 180 mô hình HTX, tổ hợp tác do Hội Nông dân trực tiếp hướng dẫn, xây dựng 197 mô hình hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân có hiệu quả; 30 mô hình câu lạc bộ, nhóm sở thích phát triển kinh tế.

Hội Nông dân Thái Nguyên phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 4.

HTX Chè Hảo Đạt tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định. Ảnh: Hà Thanh

HTX Chè Hảo Đạt là một trong những cơ sở sản xuất, chế biến chè Tân Cương quy lớn trên địa bàn TP.Thái Nguyên với nhiều sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao. Hiện HTX có 10ha chè được sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ, và 35ha liên kết với các hộ dân trong xã.

Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết, hiện nay sản lượng chè trung bình mỗi năm của HTX đạt khoảng 130 tấn với doanh thu trung bình đạt hơn chục tỷ đồng/năm. HTX đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 30 - 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp hướng dẫn, xây dựng mới 24 HTX và 60 Tổ hợp tác. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, Liên minh HTX, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên xây dựng chương trình phối hợp liên ngành thực hiện phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025.

Nông dân Thái Nguyên phát huy vai trò chủ thể trong nông nghiệp

Theo ông Ngô Thế Hoàn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên xác định phương hướng sẽ xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, khơi dậy khát vọng phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Hội Nông dân Thái Nguyên phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 5.

Ông Ngô Thế Hoàn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên (thứ 3, từ trái sang) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của nông dân Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh

Trong đó, mục tiêu tổng quát là nâng cao hiệu quả công tác vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết nông dân; nâng cao hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn; Huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân khởi nghiệp, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, lợi ích của việc tham gia các hình thức kinh tế tập thể. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, vận động nông dân tích cực liên kết, hợp tác hình thành các tổ hợp tác, HTX và các hình thức kinh tế tập thể khác trong nông nghiệp. Gắn xây dựng mô hình kinh tế tập thể với xây dựng Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp. Tiếp tục triển khai thí điểm mô hình tổ hợp tác, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, các cấp Hội sẽ kết nối, hướng dẫn nông dân về trình tự, thủ tục thành lập các tổ hợp tác, HTX và hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác thành HTX. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương để có chủ trương, biện pháp phát triển mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem