Hơn 85% nông dân thích liên kết hợp tác

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 21/08/2015 14:04 PM (GMT+7)
Xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến hơn so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế. Trong đó, mô hình “tổ hợp tác” đang tăng mạnh, do họ được quyền có tiếng nói trong quá trình ra quyết định.
Bình luận 0

Đây là một trong những nội dung được nêu ra tại lễ công bố Báo cáo nghiên cứu về “Hợp tác liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng  tiếp cận thúc đẩy Quyền, Tiếng nói, Lựa chọn của Nông dân: Hiện trạng và Khuyến nghị chính sách”. Sự kiện này do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển tổ chức ngày 20.8, tại Hà Nội.

Theo báo cáo này, phát triển kinh tế hợp tác là chủ trương lớn, đúng đắn. Tuy nhiên việc ban hành và thực thi các chính sách còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Việc đảm bảo chia sẻ lợi ích và rủi ro công bằng, nắm bắt được nhu cầu hợp tác liên kết của các bên, đặc biệt là nông dân để tổ chức hiệu quả và bền vững các liên kết chưa được nhìn nhận và thúc đẩy phù hợp.

img

Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở ấp 9 (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long). Ảnh: Thanh Xuân

143 văn bản chính sách, vẫn thiếu “đòn bẩy”

Tổng hợp từ số liệu thống kê của nghiên cứu này cho thấy, tính từ thời điểm Luật Hợp tác xã (HTX) 2003 đến nay, Nhà nước đã ban hành 143 chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tập thể. Tuy vậy, cách hiểu về phát triển kinh tế hợp tác còn chưa chính xác, chưa bắt kịp với thực tiễn phát triển. Nhiều chính sách ban hành chưa giúp thúc đẩy đúng bản chất, vai trò của tổ chức nông dân như đối tác độc lập trong phát triển. Các chính sách còn chồng chéo và kém hiệu quả trong thực thi; thiếu chính sách “đòn bẩy” để tạo đột phá.

Báo cáo cũng cho thấy, xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến hơn so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế, và là lựa chọn tốt hơn trong việc đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của nông dân. Mô hình Tổ hợp tác đang tăng mạnh do nông dân mong muốn liên kết trong điều kiện phù hợp với năng lực và nhu cầu của mình, có các giá trị chung được chia sẻ, các nguyên tắc căn bản về tự nguyện, tự chủ, tự quản, minh bạch được đảm bảo. Gần 75% nông dân thể hiện mối quan tâm tới các nguyên tắc dân chủ và minh bạch trong hợp tác liên kết để họ được quyền có tiếng nói trong quá trình ra quyết định.

Mặt khác, khi tham gia vào liên kết, hiệu quả xã hội được đánh giá cao không kém hiệu quả về kinh tế. 85,6% người dân được hỏi khẳng định các mô hình hợp tác liên kết giúp nâng cao tính tương trợ và gắn kết trong cộng đồng, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như tự hạ giá, phá giá lẫn nhau; giúp năng lực đàm phán ở cả liên kết Tổ hợp tác và HTX cải thiện hơn so với các liên kết ít thành viên và các liên kết gắn với tiêu thụ nông sản qua hợp đồng.

Bà Nguyễn Lê Hoa - Đại diện Oxfam tại Việt Nam chia sẻ: “Với nghiên cứu này, chúng tôi muốn đóng góp góc nhìn tổng quan, đa chiều về hợp tác liên kết, nhằm đưa ra các đề xuất về phát triển Hợp tác liên kết hiệu quả và bền vững cũng như vai trò trách nhiệm của các bên để thúc đẩy hợp tác liên kết hiệu quả. Chúng tôi cho rằng, phát triển hợp tác liên kết cần xuất phát từ điều kiện thực tiễn, từ nhu cầu, nguyện vọng, cũng như năng lực hợp tác liên kết đa dạng của nông dân. Về mong muốn, người nông dân quan tâm tới nhu cầu chia sẻ lợi ích và rủi ro, muốn được ở thế chủ động trong quá trình hình thành và thực thi hợp tác liên kết chứ không muốn bị áp đặt một khuôn mẫu về mô hình và cách thức hợp tác”.

Cũng theo bà Hoa, liên kết cần dựa tên tinh thần tự nguyện và quy định liên kết cũng cần đơn giản hoá. Ba người nông dân chỉ hợp tác với nhau nuôi cá thì họ không nhất thiết phải đi xin giấy phép và phải có nghị quyết? Mặt khác, liên kết cũng không thể đi theo “vết xe đổ” trước đây đã được ví trong những câu vè "Mỗi người làm việc bằng hai /để ông chủ nhiệm mua đài mua xe...", "Mỗi người làm việc bằng ba để ông chủ nhiệm xây nhà, xây sân”...

Dễ “lật kèo” khi thiếu cơ chế tự quyết cho nông dân

Ở góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Hoàng Minh – Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa giống Vĩnh Trạch (An Giang) chia sẻ, khi tổ hợp tác đã xây dựng được uy tín cho sản phẩm lúa giống và có hệ thống tổ chức, các doanh nghiệp đã chủ động tìm đến để liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đến nay, Tổ hợp tác đã có 4 doanh nghiệp ký hợp đồng thường xuyên, bao tiêu sản phẩm nên các thành viên trong tổ hợp tác rất yên tâm sản xuất.

Còn ông Đoàn Văn Hiền – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM xuất nhập khẩu Lộc Anh chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu lúa gạo thì cho rằng, hiện giá gạo của Việt Nam luôn thấp hơn gạo của Thái Lan khoảng 200 USD/1 tấn do chất lượng không đồng đều và do chưa có thương hiệu. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng đều muốn có sản phẩm gạo chất lượng để xây dựng uy tín và thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Do đó, doanh nghiệp muốn xây dựng được vùng nguyên liệu rất cần có những tổ chức đại diện cho nông dân như HTX, tổ hợp tác để sản xuất.

Còn TS. Đào Thế Anh – Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn cho rằng, vấn đề hợp đồng, liên kết là quan hệ kinh tế mà chúng ta không thể bắt buộc người nông dân được. Chỉ khi nào có lợi ích mới tiến tới hợp đồng và chỉ khi sản phẩm có chất lượng mới cần tới liên kết, ví dụ như doanh nghiệp chỉ mang gạo đi bán ở Philippines hoặc Châu Phi thì chắc chắn họ cũng không cần chất lượng cao nên không cần thiết phải liên kết với nông dân.

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, có nhiều doanh nghiệp cứ lo tới chuyện “lật kèo” trong liên kết nhưng vấn đề này không chỉ xảy ra ở nước ta, mà trên thế giới nông dân cũng vẫn “lật kèo” nếu như quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Dó đó, khi xây dựng chính sách, chúng tôi cũng sẽ hướng tới trao quyền chủ động cho người nông dân tự quyết.

Nghiên cứu do Oxfam và Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển thực hiện tại 3 tỉnh mang tính đặc thù về sản xuất nông nghiệp và thị trường của 3 vùng khác nhau của Việt Nam: Ninh Bình (đồng bằng Bắc Bộ), Lâm Đồng (Tây nguyên) và Đồng Tháp (đồng bằng Sông Cửu Long), dựa trên các số liệu thu thập từ 360 hộ gia đình tham gia HTX và tổ hợp tác.

Nghiên cứu cũng đưa ra những nhận định về xu hướng hợp tác liên kết trong tương lai, và một bản khuyến nghị 16 điểm gửi tới các nhà hoạch định chính sách, bao trùm các vấn đề từ quan điểm và nhận diện hợp tác liên kết.

Bà Nguyễn Lê Hoa - Đại diện Oxfam tại Việt Nam: “Chúng tôi cho rằng, phát triển hợp tác liên kết cần xuất phát từ điều kiện thực tiễn, từ nhu cầu, nguyện vọng, cũng như năng lực hợp tác liên kết đa dạng của nông dân. Người nông dân quan tâm tới nhu cầu chia sẻ lợi ích và rủi ro, muốn được ở thế chủ động trong quá trình hình thành và thực thi hợp tác liên kết chứ không muốn bị áp đặt một khuôn mẫu về mô hình và cách thức hợp tác”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem