“Hội Những người yêu đình làng Việt” - không chỉ là mạng ảo

Mai An Thứ năm, ngày 11/12/2014 08:42 AM (GMT+7)
Chỉ mới thành lập trên mạng xã hội Facebook hơn nửa năm nay, nhưng Hội Những người yêu đình làng Việt đã có tới 2.500 thành viên trên khắp mọi miền đất nước. Trang mạng “Đình làng Việt” đã trở thành một “điểm hẹn” của những người yêu di sản. 
Bình luận 0

Không chỉ là mạng ảo

Khởi đầu là một câu lạc bộ về đình làng Việt trên mạng xã hội do nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình- hiện đang công tác tại Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VHTTDL) đứng ra làm “đầu tàu”, đến nay trang mạng xã hội của nhóm đã trở thành một địa chỉ nổi tiếng tập hợp rất nhiều các kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà báo… Anh Bình cho biết: “Tôi quan tâm đến đình làng Việt từ lâu lắm rồi, đến khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Hình tượng con người trên trang trí kiến trúc đình làng” vào năm 2002, tôi lại càng hiểu và yêu di sản này hơn. Đình không chỉ là một di sản vật thể mà còn chứa trong nó không gian văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo.

Đó vừa là một ngôi nhà cộng đồng, lại vừa là một nhà hát để dân làng thưởng thức nghệ thuật, hát cửa đình, ca trù, hát xoan, quan họ, chèo… đều sinh ra từ đình. Từ tình yêu với di sản cha ông, chúng tôi quyết định thành lập một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ quan tâm đến đình làng Việt trên mạng, không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn lại tập hợp được nhiều người đến vậy”.

img
Chuyến đi điền dã của nhóm tại đình Hương Canh (Vĩnh Phúc). Ảnh: Vũ Quốc Túy

Khác với các nhóm, hội trên mạng Facebook, những thành viên của nhóm “Đình làng Việt” không phải là những người tham gia cho có, “vui đâu chầu đấy” mà bằng tình yêu thật sự. Các thành viên thường xuyên đăng tải các bộ ảnh về những ngôi đình của quê hương mình, trao đổi, cung cấp những kiến thức chuyên ngành liên quan đến văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tranh luận với nhau sôi nổi về tất cả các vấn đề liên quan đến ngôi đình. Có vào trang mạng này mới thấy, những người yêu đến đắm đuối đình làng Việt có rất nhiều và điều quan trọng là họ đang trẻ, thuộc thế hệ 7x, 8x nhưng đã có một khối lượng, bề dày kiến thức về di sản không hề thua kém các thế hệ cha chú. Những mảng chạm khắc đẹp trên kiến trúc đình làng, những chữ Hán Nôm trên hoành phi câu đối đều được phân tích, chú giải rất cặn kẽ.

 

Từ chỗ chỉ gặp nhau trên mạng ảo, trong tháng 11 vừa qua, họ đã tổ chức được 2 chuyến điền dã lên Ba Vì (Hà Nội) để thăm các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài và lên Vĩnh Phúc để thăm đình Hương Canh- ngôi đình với những mảng chạm khắc trang trí được tôn vinh là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Các chuyến đi chỉ gói gọn trong ngày với mức đóng góp 130.000 đồng/người, đồ ăn theo tinh thần tự chuẩn bị... đã thu hút được 60-70 thành viên. Có thành viên còn nhiệt tình bắt xe khách từ Thái Bình lên Hà Nội, ngủ lại một đêm để sáng mai tham gia cùng đoàn.

Đến ngôi đình nào đoàn cũng được người dân địa phương và các cụ giữ đình đón tiếp rất nhiệt tình bởi họ biết đây là những người thực sự quan tâm và yêu mến di sản của quê hương mình. Sau 2 chuyến đi vào ngày 2.11 và 30.11 vừa qua, tình thân giữa các thành viên trong nhóm càng thêm gắn bó, và quan trọng hơn, mỗi người đều tự bổ sung thêm rất nhiều kiến thức cho mình.

Giữ hồn cho đình làng

Quan điểm

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình
 Tôi về vùng nông thôn nhiều, thấy cảnh nông thôn bây giờ cũng “nhà nào biết nhà nấy” như thành phố mà buồn, một trong những nguyên nhân có lẽ bởi vì họ không còn giữ được cái đình như một ngôi nhà cộng đồng nữa”. 
Chủ tịch Câu lạc bộ “Đình làng Việt” Nguyễn Đức Bình sẽ cùng với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế có một buổi nói chuyện về “Tinh hoa đình làng Việt” vào cuối tháng 12 này tại Hà Nội. Anh Bình cho biết: “Đây là một trong những hoạt động mà nhóm “Đình làng Việt” hướng tới, không chỉ chia sẻ thông tin trên mạng, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức nhiều sự kiện, triển lãm các bức ảnh đình làng do các thành viên chụp, giao lưu, tọa đàm… để làm sao những giá trị tinh hoa của đình làng Việt được nhiều người biết tới hơn nữa. Một tín hiệu rất vui là rất nhiều thành viên cho biết, trước kia họ cũng biết quê mình có ngôi đình nhưng không chú tâm lắm, còn từ khi tham gia nhóm, hiểu biết thêm về đình, họ cảm thấy dường như mình có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ di sản của cha ông”.

 

Vào trang mạng xã hội của nhóm, có thể thấy rất nhiều trạng thái xúc cảm, vui, buồn, tự hào, thất vọng xung quanh ngôi đình của các thành viên. Có thành viên đăng lên một bức ảnh biển quảng cáo lấn cửa một ngôi đình, mọi người đều vào bình luận thể hiện sự tiếc nuối. Có thành viên viết hẳn một bài dài kể chuyện ngôi đình Ngu Nhuế ở Hưng Yên bị hạ giải để nhường đất làm đường với tâm trạng xót xa. Có thể nói họ đang thực sự sống với số phận của những ngôi đình trên khắp đất nước, từ Bắc chí Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem