Học trải nghiệm và những khoảng lặng cuối năm

Vĩnh Hà Thứ năm, ngày 18/01/2024 17:56 PM (GMT+7)
Mỗi dịp cuối năm, có biết bao nhiêu chuyến đi hối hả: Những chuyến tàu về với Mẹ, chuyến xe mang áo ấm đến vùng cao, mang bánh chưng cho các em nội trú "Cơm có thịt", những chuyến bay chở Việt Kiều về ăn Tết, và cả những chuyến đi thanh lọc tâm hồn như những chuyến đi của thầy và trò mà tôi vừa theo.
Bình luận 0

Gần 10 năm trước, lần đầu tiên tôi nghe đến Chương trình trải nghiệm đi dọc dải miền Trung của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội.

Tôi đã hỏi cô hiệu trưởng khi đó "học trải nghiệm khác đi thăm quan, du lịch như thế nào?". Cô hiệu trưởng nói: "Nếu chị thu xếp được, chị đi và sẽ tự thấy nó khác thế nào".

Rồi tôi đi và cứ vào các dịp cuối năm, giáp tết Nguyên Đán, tôi hay săn đón hỏi trường bao giờ chuyến đi lại bắt đầu. Nếu không vướng lịch công việc là tôi lên đường đi theo thầy trò của trường.

Tôi đã có câu trả lời từ lâu "học trải nghiệm" khác "đi thăm quan du lịch" như thế nào. Nhưng tôi đi không chỉ để tác nghiệp, đối với tôi đó thực sự là một cơ hội thanh lọc tinh thần. Đi để nạp năng lượng tích cực và trở về lại cặm cụi, cần mẫn với công việc một năm tiếp theo.

Bao lần rồi nhưng có những khoảng lặng luôn làm tôi xúc động. Đó là khoảng lặng mỗi khi đến Ngã ba Đồng Lộc, đứng dưới tán cây đọc lại lá thư của nữ liệt sĩ Võ Thị Tần viết cho mẹ trước khi hy sinh 5 ngày. Lá thư được in ra và lồng trong khung lớn treo ngay trên lối đi tĩnh lặng. Nội dung thư tôi cũng gần thuộc vì đọc rất nhiều lần.

Đến đây, có lời bài hát tôi từng nghe bỗng trở nên xúc động hơn hẳn: "Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, đường Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm. Cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận... Thêm bao nhiêu con đường lứa tuổi hai mươi...".

Nhất là khi ô tô đi ngang qua những dấu vết hố bom, hay những khoảng đất còn găm mảnh bom năm xưa.

Có một nơi tôi thích được đứng chung hát Quốc ca nhất là với thầy, trò trường Phan Huy Chú.

Và buổi hát Quốc ca mang đến cho tôi cảm xúc nhiều nhất là tại nghĩa trang Trường Sơn. Lần này cũng vậy, lại được đặt tay lên ngực hát Quốc ca dưới những tán rừng Trường Sơn, trước bạt ngàn ngôi mộ lặng im dưới nắng, gió miền Trung.

Ở nghĩa trang Đường Chín, nơi có rất nhiều ngôi mộ chưa biết tên và những ngôi mộ tập thể, có rất nhiều chim bồ câu. Không hiểu sao mà mỗi khi tiếng chuông thỉnh lên, con chim đầu đàn lại dẫn cả đàn liệng lên xuống như một màn biểu diễn tuyệt đẹp, rồi đỗ xuống các bức phù điêu. Chúng luôn làm tôi nghĩ đến khát vọng hòa bình một thời.

Trong khi đi giữa các hàng bia mộ, một cô giáo nói với tôi: "Em có thấy rất nhiều tên trên bia mộ là Quyết Thắng, Chiến Thắng, Hòa Bình không?".

Đúng thật, dường như rất nhiều đứa trẻ sinh ra trong thời chiến đã được mang những cái tên nói lên khát vọng của nhiều thế hệ người Việt Nam. Và đến lượt mình, những người con Quyết Chiến, Quyết Thắng ấy lại lên đường ra trận và ngã xuống cho hòa bình hôm nay.

Cô giáo kể: Bao giờ đến đây cô cũng phải đến khu mộ của các liệt sĩ người Hà Nội. Cô là người Hà Nội gốc nên những phố hàng của Hà Nội được ghi trên bia mộ khiến cô ứa nước mắt. 

"Chị có cảm giác như mình đang đi dạo một vòng phố phường Hà Nội vậy", cô giáo nói làm tôi nghĩ ở đây cũng như đất nước thu nhỏ vậy, mỗi vùng đất, đều có những người con dâng hiến thanh xuân cho một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Ở Thành cổ Quảng Trị, tôi có hai ấn tượng và lần nào, điều đó cũng vẫn mang lại cảm xúc. Đầu tiên là cỏ. Mình luôn cảm giác cỏ ở khắp khu vực Thành cổ rất xanh. Nhất là trên những dấu tích thành đổ nát, khu vực hầm - nơi các chiến sĩ từng bám trụ, cỏ và rêu đều xanh mướt. Và nó luôn làm mình e ngại không dám bước chân lên cỏ.

Trong lúc bọn trẻ con nghe thuyết minh, một mình tôi cứ đi lang thang trong thành cổ để chiêm ngưỡng những khoảng im lặng ấy. Tôi không muốn bước ra nơi ồn ào vì muốn những cảm xúc sâu lắng đó như một lớp thanh lọc tâm hồn.

Điều ấn tượng thứ hai là bức hình trong bảo tàng chụp giây phút yên lặng hiếm hoi trong cuộc chiến ở Thành cổ. Những người lính cười rạng rỡ. Nụ cười như rạng rỡ hơn khi sau lưng họ là thành quách đổ nát. Mọi thứ đều vụn vỡ bởi chiến tranh.

Con người trở nên kiên cường hơn sau mất mát. Và vẻ đẹp của tinh thần không ở đâu ấn tượng và mang lại nhiều rung động khi nó hiển hiện một cách hiên ngang giữa sự huỷ diệt, tàn phá của chiến tranh.

Lượt về, lại đi qua biển Nhật Lệ mùa đông, qua những cồn cát bạt ngàn, những rặng dương xanh thẫm.

Cảm giác nhẹ nhõm, yên bình. Cảm xúc về sự biết ơn cho người ta trạng thái nhẹ nhõm, yên bình ấy.

Mỗi dịp cuối năm, có biết bao nhiêu chuyến đi hối hả: Những chuyến tàu về với Mẹ, chuyến xe mang áo ấm đến vùng cao, mang bánh chưng cho các em nội trú "Cơm có thịt", những chuyến bay chở Việt Kiều về ăn Tết, và cả những chuyến đi thanh lọc tâm hồn như những chuyến đi của thầy và trò mà tôi vừa theo...

Những chuyến đi cuối năm tiếp thêm năng lượng tốt lành cho một mùa xuân sắp tới, biết là vẫn còn khó khăn, những vẫn tin và vẫn vui.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem