Học sinh tranh biện gay cấn về chủ đề "Con người có nên tìm cách để bất tử không?"

Tào Nga Thứ hai, ngày 20/05/2024 09:05 AM (GMT+7)
Trước câu hỏi với chủ đề "Con người có nên tìm cách để bất tử không?", các em học sinh cấp THCS đã có màn so tài tranh biện gay cấn.
Bình luận 0

Vòng chung kết cuộc thi Tiếng Anh triết học cho trẻ em - Junior Philosophy Olympiad (JPO) 2024, chủ đề "Thich Nhat hanh & NextGen" (tạm dịch: Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thế hệ tương lai), đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo thí sinh và khán giả tại Nhà hát trường Olympia mới đây.

Trong các bài tranh biện, chủ đề "Khao khát trường sinh bất lão" được các thí sinh thể hiện quan điểm rất sôi động và so tài căng thẳng, gay cấn. Đề bài đưa ra "Khao khát trường sinh bất lão từ lâu đã trở thành một chủ đề muôn thuở trong trí tưởng tượng của con người. Ngày nay, với tốc độ phát triển phi thường của công nghệ sinh học, viễn cảnh đạt được sự bất tử có thể không còn xa vời. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng to lớn, việc đạt được sự bất tử cũng ẩn chứa những vấn đề đạo đức sâu xa.

Liệu chúng ta thực sự muốn với tay hái trái cấm từ cây trường sinh sao? Vấn đề then chốt là sự công bằng xã hội. Những người ủng hộ cho rằng công nghệ kéo dài tuổi thọ có thể nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống và mở ra nhiều cánh cửa mới, trải nghiệm mới cho con người. Trái lại, những người phản đối lại cho rằng những công nghệ này có thể vô cùng đắt đỏ và chỉ dành cho người giàu có nhất, tạo ra sự phân chia rõ rệt giữa càng tầng lớp như giữa giới thượng lưu và trung lưu. Vậy, liệu viễn cảnh này có dẫn đến việc bất bình đẳng trong xã hội ngày càng nhiều hơn không?".

Câu hỏi tranh biện đặt ra cho các thí sinh: Con người có nên tìm cách để bất tử không?

Học sinh tranh biện gay cấn về chủ đề "Con người có nên tìm cách để bất tử không?"- Ảnh 1.

Thí sinh nhận phần thưởng sau màn so tài gay cấn. Ảnh: NVCC

Đội Alpatea (gồm em Nguyễn Hạ Vy, lớp 8 The Olympia Schools; Tống Phương Nga, lớp 7 Newton Grammar School; Lê Xuân Giang, lớp 8 The Olympia Schools) nêu quan điểm: Khao khát trường sinh bất lão từ lâu đã trở thành một chủ đề muôn thuở trong trí tưởng tượng của con người. Ngày nay, với tốc độ phát triển phi thường của công nghệ sinh học, viễn cảnh đạt được sự bất tử có thể không còn xa vời. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng việc đạt được sự bất tử cũng ẩn chứa những vấn đề đạo đức sâu xa. Điều đầu tiên, không phải ai cũng có đủ tài nguyên và của cải để có thể chi tiền cho việc này. 

Nếu như chỉ có người giàu mới có khả năng trở nên bất tử, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Nếu việc bất tử trở nên khả thi, loài người sẽ chia thành hai nhóm: tầng lớp bất tử và tầng lớp người phàm. Trường sinh bất tử xuất hiện nhờ công nghệ bảo quản não bằng công nghệ kỹ thuật số. Điều này đã rấy lên 2 câu hỏi: Con người sẽ ra sao nếu ý thức của chúng ta được đưa lên AI? Liệu cái tôi bất tử của chúng ta có giống với cái tôi bình thường của một người phàm không? Liệu chúng ta có đang "ảo tưởng" với sức mạnh bất tử trong tầm tay của mình không? Các em cho rằng sự bất tử sẽ làm giảm giá trị cuộc sống hiện tại.

Đội Meow Wisdom (gồm em Nguyễn Phương Nguyên, lớp 7 Genesis School; Bùi Nguyễn Hà Linh, lớp 7 True North International School; Đinh Phương Lan, lớp 7 Trường THPT Hà Nội Amsterdam) đã phản biện với 2 câu hỏi: "Liệu trở nên bất tử có phải là một lựa chọn không đúng đắn khi chúng ta vẫn còn thời gian để thay đổi quan niệm của con người với sự bất tử? Và sự bất tử có phải là một vấn đề về đạo đức? Chẳng phải bản chất con người là tò mò và tìm kiếm những ý tưởng mới sao? Công nghệ lưu trữ não bộ có thể đắt đỏ nhưng nếu nhu cầu tăng cao thì công nghệ sẽ được phổ biến và sản xuất rộng rãi, do đó giá thành sẽ được giảm và người dân bình thường vẫn có khả năng chi trả".

Đội Alpatea phản bác rằng: "Theo Phật giáo, vòng luân hồi là một hằng số của cuộc sống không thể và không nên phá vỡ, bởi nếu vòng luân hồi sinh tử bị gián đoạn sẽ gây ra hậu quả nặng nề. Nhiệm vụ của con người là duy trì chu kỳ vĩnh viễn này và duy trì sự cân bằng, hài hòa. Khi đề cập đến vấn đề về giá cả của công nghệ bất tử, ngay cả khi giá của công nghệ bất tử sẽ giảm trong tương lai, chúng tôi cho rằng khoảng thời gian đó vẫn quá dài. Ngay cả khi đó, sự bất bình đẳng xã hội sẽ không biến mất và tiếp tục ảnh hưởng đến các tầng lớp trong xã hội".

Khởi động từ tháng 4/2024, cuộc thi sau đó đã thu hút được hàng trăm thí sinh đến từ các trường phổ thông trên khắp các tỉnh thành. Cuộc thi sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ tiếng Anh để nói - viết - tranh biện về triết học nhằm thúc đẩy các bạn trẻ trau dồi tư duy triết học, nuôi dưỡng năng lực nghiên cứu, phản tư và học sâu. Đây đồng thời là cơ hội quý báu để học sinh mở rộng thế giới quan, hình thành nhân sinh quan nhân văn và sâu sắc của một công dân toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem