Học sinh lội sông đến trường

Hồng Đức Chủ nhật, ngày 04/09/2016 20:00 PM (GMT+7)
Đã bao năm nay, các thầy cô, giáo và học sinh ở khu lẻ bản Vịn, thuộc trường Tiểu học Yên Thắng I, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) vẫn luôn nơm nớp khi gặp trời mưa. Bởi lẽ, mưa xuống, nước sông dâng cao, các thầy, cô giáo lại phải cõng học sinh lội qua sông Âm để đến trường.
Bình luận 0

Nín thở cõng học sinh qua sông

img

Cô giáo Lò Thị Tuyền đưa các em học sinh bản Vịn qua sông Âm.

Chúng tôi được thầy hai giáo của trường Tiểu học Yên Thắng I dẫn vào điểm trường lẻ tại bản Vịn, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh. Nằm cách trung tâm xã gần chục km đường rừng, điểm trường bản Vịn hiện nay đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Khi chúng tôi tới nơi, cũng là lúc các thầy cô giáo và học sinh ở điểm trường này đang chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2016 -2017. Ở điểm trường này, được chính quyền địa phương bố trí cả hai cấp học, bao gồm bậc Mầm non và Tiểu học. Trong đó, bậc Mầm non có 20 cháu, còn bậc Tiểu học có 48 học sinh.

Điều lo ngại nhất, là ngôi trường này nằm sát với thương nguồn con sông Âm. Do đó, để đến trường học cái chữ, các em học sinh tiểu học phải lội qua con sông. Còn những các cháu bậc Mầm non, thì bố, mẹ hoặc cô giáo cõng qua.

Cô giáo Lò Thị Tuyền, người đã “cắm bản” suốt 14 năm qua, cho biết: Ở lớp học Mầm non do cô phụ trách, có tất thảy 20 cháu. Do đặc địa hình của bản Vịn bị chia cắt bởi dòng sông Âm, nên bản Vịn được phần thành khu trên và khu dưới. Ở khu dưới, có 71 hộ dân, còn khu trên có 34 hộ. “Dân ở khu dưới đông hơn, nên số học sinh cũng nhiều hơn khu trên. Vì thế, hằng ngày, các cháu đến trường đều phải có người đưa qua sông. Không có cầu, nên dân làng góp lại bắc một chiếc cầu bằng ván gỗ cho bà con và học sinh qua sông.  Thế nhưng, mỗi khi trời mưa, nước sông dân cao, chảy xiết, thì những chiếc ván cũng bị cuốn trôi. Những lúc như thế, học sinh chỉ còn cách phải lội sông hoặc chờ bố, mẹ hay giáo viên đưa các em qua”.

Thầy giáo Lò Văn Nhật- giáo viên dạy Ngoại ngữ của trường Tiểu học yên Thắng I, cho biết: Điều kiện ở điểm trường Vịn vô cùng khó khăn, vì ngôi trường bị ngăn cách bởi dòng sông Âm. Nhiều hôm, trời mưa to, nước sông dân cao, không có cầu, nên các thầy, cô giáo phải khiêng xe máy qua sông, qua suối. “Các thầy, cô giáo từ trung tâm trường chính vào điểm trường bản Vịn, phải qua một con suối Vịn khá sâu và rộng. Khi nước dâng lên, các thầy cô giao muốn qua suối, thì chỉ còn cách dùng đòn để khiêng xe máy qua. Tuy mỗi lần phải khiêng xe, chúng em đã cảm thấy vất vả rồi, nhưng cũng chưa bằng các cháu học sinh phải lội qua sông Âm để đến trường, anh ạ.”- thầy Nhật bộc bạch.

Mơ ước một cây cầu

Chuyện học sinh Mầm non và Tiểu học ở bản Vịn hằng ngày phải vượt sông Âm đến trường đã diễn ra từ bao năm nay. Mặc dù khó khăn, vất vả là vậy, nhưng các thầy, cô giáo ở đây vẫn luôn đến tận các gia đình trong bản động viên phụ huynh cho con, em được đến trường.

img

Cũng do điều kiện quá khó khăn, thiếu thốn, nên cô giáo Lò Thị Tuyền đã vận động bà con trong bản đóng góp vật liệu và công sức để làm những đồ chơi cho các cháu. Vật liệu để làm cầu trượt, thang leo, đu quay, bập bênh… đều được “sáng chế” bằng luồng. Nhìn những dụng cụ đồ chơi dành cho các cháu mầm non được làm bằng luồng, mà chúng tôi đều thấy cảm thương cho các cháu. Cô giáo Tuyền, tâm sự: “Chuẩn bị vào năm học mới, vì không có điều kiện như các trường Mầm non ở dưới xuôi, nên em phải đi vận động phụ huynh trong bản đóng góp vật liệu và công sức để làm ra những đồ chơi này cho các cháu. Thôi thì không có những đồ đắt tiền, hiện đại, nhưng không vì thế mà không tạo ra sân chơi cho các cháu được”.

Thầy giáo Mai Trọng Kỳ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thắng I, cho biết; điểm trường bản Vịn là một trong những điểm khó khăn nhất của xã Yên Thắng. Từ trung tâm xã vào điểm trường này gần 10 cây số đường rừng, trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường lại vô cùng thiếu thốn. “Điều đáng lo lắng nhất là các em học sinh phải vượt sông đến trường. Khi có mưa to, nước sông dâng cao, thì cả bản Vịn bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Đã bao nhiêu năm nay, không chỉ người dân trong bản, mà cả các thầy, cô giáo cũng như học sinh ở đây luôn mơ ước có một cây cầu”, thầy Kỳ cho biết.

Ông Lê Minh Thư - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, tâm sự: “Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có rất nhiều điểm trường khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, điểm trường bản Vịn là một trong những nơi đang rất cần Nhà nước đầu tư xây dựng cho một cây cầu treo qua sông Âm, để các em học đến trường an toàn”.

 

Những đồ chơi được làm bằng luồng dành cho lớp Mầm non ở điểm trường bản Vịn, xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa).  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem