“Hoàng đế” Beckenbauer đã làm gì để hạ gục “Thánh” Cruyff tại World Cup 1974?

Đức Hiếu Thứ ba, ngày 08/11/2022 14:10 PM (GMT+7)
Bằng tài năng chuyên môn và khả năng lãnh đạo kiệt xuất, huyền thoại bóng đá Franz Beckenbauer đã giúp ĐT Tây Đức giải quyết mọi khó khăn để đoạt chức vô địch World Cup 1974 sau khi đánh bại Hà Lan của một huyền thoại khác là Johann Cruyff.
Bình luận 0

Khi Tây Đức đăng quang ở World Cup 1974, nhiều người cho rằng đó là điều không quá bất ngờ. Nếu nhìn bề ngoài, chức vô địch của Tây Đức có vẻ… đơn giản. Họ được chơi trên sân nhà và sở hữu rất nhiều hảo thủ đã giành ngôi quán quân EURO 1972.

Tuy nhiên, trên thực tế, nội bộ của ĐT Tây Đức trước ngày vào giải rối như canh hẹ. Hậu vệ trái Paul Breitner đã đóng gói hành lý, sẵn sàng chia tay đồng đội và rời khỏi đại bản doanh của đội bóng. Lý do: Breitner vi phạm kỷ luật và gần như chắc chắn sẽ bị cho về nhà ngồi xem World Cup 1974 qua ti vi.

“Hoàng đế” Beckenbauer đã làm gì để hạ gục “Thánh” Cruyff tại World Cup 1974? - Ảnh 1.

Beckenbauer là huyền thoại số một trong lịch sử bóng đá Đức. Ảnh: SPORT

Không chỉ có vậy, HLV Helmut Schoen cũng đã xếp gọn quần áo, vật dụng thiết yếu vào va li. Ông được LĐBĐ Đức (DFB) trao quyền thay đổi cả… 22 cầu thủ nếu thấy cần thiết. Nếu điều đó thành hiện thực, Schoen cũng không thiết tha ở lại.

Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cầu thủ Tây Đức nổi loạn liên quan đến… tiền. DFB ban đầu chỉ treo khoản thưởng nếu đội nhà vô địch là 30.000 mark. Để so sánh, con số này với Hà Lan là 100.000 mark và Italia là 120.000 mark. Với một đội bóng có các siêu sao đầy cá tính như Tây Đức, con số 30.000 mark rõ ràng giống như một sự xúc phạm đối với họ.

Trong tình cảnh ĐT Tây Đức gần như "toang", chỉ có 1 người đủ khả năng xoay chuyển cục diện. Nhân vật đó chính là Beckenbauer, đội trưởng của ĐT Tây Đức, người sáng tạo ra vị trí libero rất độc đáo.

Khi nguy cơ "đường ai nấy đi" đã hiện hữu, những danh thủ như Gerd Muller, Guenter Netzer, Wolfgang Overath đã thuyết phục mọi người hãy cố gắng bình tĩnh, mọi việc đã có "Der Kaiser" lo. Và quả thực, "Hoàng đế" đã đại diện đội bóng gặp riêng Phó chủ tịch DFB, đồng thời cũng là Phó chủ tịch LĐBĐ thế giới (FIFA) lúc đó là Hermann Neuberger để "mặc cả".

“Hoàng đế” Beckenbauer đã làm gì để hạ gục “Thánh” Cruyff tại World Cup 1974? - Ảnh 2.

Beckenbauer đã thể hiện phẩm chất thủ lĩnh rất đúng lúc. Ảnh: OTBS

Cuộc trò chuyện mang tính chất căng thẳng này kéo dài từ buổi tối đến tận 5 giờ sáng hôm sau. Nội dung duy nhất là con số tiền thưởng và bị coi là màn ngã giá xấu hổ nhất trong lịch sử bóng đá Đức. Nhưng hóa ra, đó lại là khởi đầu cho thành công rực rỡ của ĐT Tây Đức sau đó.

Beckenbauer đưa ra con số trước: "Đề nghị cuối cùng của chúng tôi là 75.000 mark". Neuberger cứng rắn: "Các anh sẽ không thể nhận được nhiều hơn 70.000 mark". Câu chuyện sau đó không được người trong cuộc tiết lộ thêm, nhưng vấn đề quan trọng nhất mà Beckenbauer sau đó thông báo với đồng đội là: Cứ thi đấu thật hay đi, rồi… tiền thưởng xứng đáng sẽ đến.

Khoản thưởng chính thức được đưa ra: 70.000 mark. Vẫn có không ít cầu thủ tỏ thái độ khó chịu và họ nói thẳng là chỉ thi đấu vòng bảng, còn sau đó… mặc kệ đội bóng. Beckenbauer một lần nữa phải thuyết phục các đồng đội và thậm chí còn tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến. Kết quả là có 11 người bỏ phiếu thuận, 11 người bỏ phiếu chống. Như vậy cũng tạm ổn, Beckenbauer động viên cả đội hãy chơi thật tốt, mọi chuyện sau đó ông sẽ lo liệu.

Ở vòng bảng thứ nhất, Tây Đức thắng Chile 1-0 và sau đó sớm giành vé vào vòng bảng thứ hai khi đánh bại Australia 3-0. Trong trận đấu cuối cùng vòng bảng gặp Đông Đức, bất ngờ đã xảy ra khi Tây Đức thua 0-1.

“Hoàng đế” Beckenbauer đã làm gì để hạ gục “Thánh” Cruyff tại World Cup 1974? - Ảnh 3.

Cuộc đối đầu giữa Tây Đức và Hà Lan đã giúp Beckenbauer trở thành huyền thoại. Ảnh: Pinterest

Đây là trận đấu bị đặt ra rất nhiều nghi vấn với Tây Đức, nhưng Beckenbauer chưa và có lẽ không bao giờ chia sẻ về tâm lý hay chiến thuật của đội bóng. Chỉ biết rằng, "nhờ" thua Đông Đức, Tây Đức sẽ không phải gặp Brazil, Argentina và đội bóng được coi là xuất sắc nhất thế giới Hà Lan ở thời điểm ấy tại vòng bảng thứ hai.

Sau trận thua Đông Đức, Phó chủ tịch Neuberger đã có điều chỉnh bằng cách đưa HLV phó Jupp Derwall lên thành đồng HLV trưởng với Schoen. Nhưng người có tiếng nói trọng lượng nhất, thậm chí là sắp xếp luôn đội hình, chiến thuật chính là Beckenbauer. 2 vị đồng HLV trưởng kia, nói không quá, chính là hữu danh vô thực.

Trước vòng bảng thứ hai, Beckenbauer tổ chức 1 buổi trò chuyện với 11 cầu thủ đã bỏ phiếu chống về vấn đề tiền thưởng. Ông sử dụng thuật "đắc nhân tâm", phân tích điều lợi hại để họ hiểu rõ vấn đề và tìm cách đạt mục tiêu quan trọng nhất. Không rõ Beckenbauer đã nói gì, nhưng ĐT Tây Đức sau đó đã chơi đoàn kết và thể hiện sức mạnh ở vòng bảng thứ hai.

Cần nhấn mạnh, trong buổi họp ấy, HLV Schoen còn không được nói lời nào, chỉ một mình Beckenbauer độc thoại. Cũng chính libero mang áo số 5 tại giải này đã loại luôn Uli Hoeness và Guenter Netzer khỏi đội hình chính để xếp Rainer Bonhof và Bernd Hoelzenbein vào thay thế.

ĐT Tây Đức chơi xuất sắc ở vòng bảng thứ hai và giành quyền vào trận chung kết. Đối thủ ở cuộc so tài quyết định với họ là Hà Lan với lối chơi tấn công tổng lực được "Tướng quân" Michels tạo ra và người đứng đầu trên sân vận hành lối chơi ấy là "Thánh" Johann Cruyff.

Hà Lan đã chơi quá ấn tượng, biến các trận đấu trước đó của họ thành những màn trình diễn siêu hạng và Tây Đức dù được chơi trên sân nhà vẫn bị coi là không có cửa thắng. Nhưng Beckenbauer, với nghị lực ít ai sánh bằng đã quyết tâm đánh bại "Cơn lốc da cam" với đội hình và chiến thuật hợp lý nhất có thể.

Trận chung kết bắt đầu với một tình tiết có lẽ sẽ không bao giờ lặp lại. Hà Lan giao bóng, họ ngay lập tức thể hiện đẳng cấp bằng việc tung ra những đường chuyền chính xác và đưa được trái bóng đến chân đội trưởng Cruyff. Ngay ở phút thứ 2, hậu vệ Berti Vogts, người được giao nhiệm vụ kèm Cruyff đã phải phạm lỗi với tiền đạo số 14 bên phía đối phương trong vòng cấm địa.

"Johann đệ nhị" là Johann Neeskens sút như trái phá trên chấm phạt đền, mở tỷ số cho Hà Lan. Tất cả 10 cầu thủ Tây Đức lúc đó chưa ai chạm được chân vào quả bóng. Người đầu tiên của đội chủ nhà lấy được bóng là thủ môn Sepp Maier, khi ông vào lưới để lấy quả bóng ra sau bàn thua.

“Hoàng đế” Beckenbauer đã làm gì để hạ gục “Thánh” Cruyff tại World Cup 1974? - Ảnh 4.

Berti Vogts phạm lỗi với Cruyff dẫn đến bàn thua. Nhưng sau đó, Beckenbauer đã thể hiện khả năng lãnh đạo xuất sắc để giúp đội nhà ngược dòng thành công. Ảnh: New York Times

Hà Lan khởi đầu quá thuận lợi. Nhưng sự khác biệt giữa hai bên lúc này mới được tạo ra và chính Beckenbauer là người đặt dấu ấn quyết định. Ông hô hào, thúc giục đồng đội không được mất bình tĩnh, phải tập trung tối đa bởi trận đấu còn rất dài và đây là lúc tinh thần Đức phải được thể hiện.

Ngược dòng thời gian 1-2 ngày trước trận chung kết, chính Beckenbauer đã đề nghị Vogts liên tục tập luyện kèm cặp đồng đội Guenter Netzer trong các buổi tập. Beckenbauer nhận thấy Netzer có lối chơi hào hoa tương đương Cruyff (tất nhiên đẳng cấp không bằng) nên cần Vogts phải làm quen với mẫu tiền đạo như vậy. Kết quả: Sau sai lầm ở đầu trận, Vogts hoàn thành quá tốt nhiệm vụ của mình, không để Cruyff có thêm bất cứ cơ hội nào nữa.

Cách truyền lửa đậm chất Đức của Beckenbauer đã giúp ĐT Tây Đức ngược dòng ngay trong hiệp một. Breitner, người từng suýt bị đuổi khỏi đội sút phạt đền gỡ hòa ở phút 25. Đến phút 43, siêu tiền đạo Gerd Muller dứt điểm hiểm hóc, đánh bại thủ môn Jan Jongbloed của Hà Lan để đưa ĐT Tây Đức vượt lên.

Trong khoảng thời gian còn lại của trận đấu, ĐT Hà Lan tấn công mạnh mẽ, nhưng Beckenbauer đã chỉ huy đồng đội hóa giải thành công tất cả các đường bóng hướng tới khung thành của Maier. ĐT Tây Đức thắng chung cuộc 2-1 và lần thứ hai đoạt chức vô địch World Cup. Người có công lớn nhất chắc chắn là Beckhenbauer.

“Hoàng đế” Beckenbauer đã làm gì để hạ gục “Thánh” Cruyff tại World Cup 1974? - Ảnh 5.

Beckenbauer đã đạt đến tầm vĩ đại sau chức vô địch World Cup 1974. Ảnh: SPORT

Sau giải đấu, khi phát biểu trước giới truyền thông, Cruyff nói rằng: "Bây giờ, tôi chỉ muốn về nhà và cùng vợ tìm kiếm niềm vui khác". Beckenbauer thì khác. Sau một hành trình đầy vất vả để đưa Tây Đức lên ngôi, ông tuyên bố đầy ngạo nghễ: "Kẻ mạnh không phải là kẻ thắng. Kẻ thắng mới là kẻ mạnh".

Kỳ World Cup 1974 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá Đức (thời đó là ĐT Tây Đức) và không ai có thể quên sự vĩ đại của Beckenbauer đã tạo ra, khi một mình ông "đóng" quá nhiều vai chứ không chỉ là một libero hay thủ quân trên sân bóng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem