Họa sĩ Lê Thiết Cương: “Tính dục trong thơ Linh Lê nhiều ý nhị”

Mai Sơn Thứ hai, ngày 21/09/2015 12:57 PM (GMT+7)
“Cũng viết về khía cạnh tính dục nhưng thơ Linh Lê ý nhị và kín đáo hơn một số tác giả khác. Có lẽ điều này cũng phần nào phản ánh con người của tác giả", họa sĩ chia sẻ ý kiến nhân dịp nữ nhà văn Linh Lê ra tập thơ mới.
Bình luận 0

Sau thành công của ba cuốn tiểu thuyết “Không khóc ở Kuala Lumpur”, “Mùa mưa ở Singapore”, “Người tình Sài Gòn”, nhà văn Linh Lê đột ngột chuyển hướng sang thi ca với một tập thơ giàu cảm xúc và ám ảnh.

Đặt tên tác phẩm là “Còn lại tiếng người hót đắng cay”, Linh Lê dường như muốn trút cạn những thanh âm bên trong của mình. Thơ Linh Lê có chứa nhiều nỗi buồn, sự xót xa, cô độc, nhưng cũng tràn ngập niềm tin, nét trong trẻo và tinh tế. Xen lẫn các bài thơ là những dòng tự sự của chính tác giả, về tình yêu, về một chàng trai bí mật cho riêng mình, về cuộc đời với nhiều hoang mang và biến động. Nỗi lòng của Linh Lê cũng là nỗi lòng của những cô gái khao khát sống, khao khát yêu, nhưng dường như với họ, tình yêu không bao giờ là đủ.

img

Biên tập viên Quang Minh, nhà văn trẻ Linh Lê và họa sĩ Lê Thiết Cương

Trong buổi ra mắt tập thơ hôm 19.9, họa sĩ Lê Thiết Cương đã đưa ra những lời nhận xét khiến không ít khán giả “giật mình”.

Nhận xét về tác phẩm mới của Linh Lê, họa sĩ nổi tiếng Lê Thiết Cương cho rằng: “Cũng như ở các tiểu thuyết của Linh Lê trước đây, tập thơ này gợi lại cho tôi một suy nghĩ rằng: Chắc hẳn cô gái này có đời sống tình dục rất khác biệt.

Đừng cho rằng điều này lạ lẫm và thô tục. Bất cứ người nghệ sĩ nào cũng cần có một đời sống tình ái khác biệt để có thể thăng hoa, sáng tạo và thành công trong nghệ thuật. Đó hoàn toàn có thể chỉ là con người của Linh Lê trong văn chương, chứ không phải Linh Lê ngoài đời thực”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng nói thêm, tính dục trong thơ Linh Lê ý nhị và kín đáo hơn so với nhà thơ của một số tác giả trẻ khác, dù cả hai đều là những cây bút trẻ.

img

Quyển thơ "Còn lại tiếng người hót đắng cay"

Trước chia sẻ của bậc đàn anh, Linh Lê cũng thừa nhận, với cô, tính dục là điều bình thường đẹp đẽ nhất của tạo hóa. Tuy vậy, trong các tác phẩm của mình, nữ nhà văn không hề cố ý lạm dụng yếu tố này: “Chắc hẳn những người đọc tác phẩm của tôi đều thấy vấn đề tính dục không phải là trọng tâm hoặc được phơi bày quá nhiều, đôi khi đó chỉ là những điểm nhấn cần phải có trong một tác phẩm”.

Linh Lê tên thật là Nguyễn Huyền Linh, sinh năm 1986 tại Đà Nẵng, hiện công tác trong lĩnh vực ngân hàng. Cha cô là cố nhà văn Đà Linh. Với ba tiểu thuyết đã xuất bản "“Không khóc ở Kuala Lumpur”, “Mùa mưa ở Singapore”, “Người tình Sài Gòn”, Linh Lê được coi là một cây bút dưới 30 tuổi nhiều triển vọng của làng văn học Việt Nam thời điểm hiện đại.

Nhà phê bình kì cựu Phạm Xuân Nguyên lại khẳng định, tập thơ của Linh Lê rất giản dị, gọn gàng: “Với những người tìm kiếm một thứ ngôn ngữ tân kì, kiểu cách, họ chắc hẳn sẽ không thể thỏa mãn với tác phẩm này. Nhưng nếu bạn yêu thứ thi ca với vẻ đẹp mộc mạc, chân thành, bạn sẽ yêu những gì Linh Lê viết”.

Là người dẫn chuyện trong buổi ra mắt tập thơ, BTV kì cựu Quang Minh cũng chia sẻ niềm yêu thích của mình đối với thơ Linh Lê: “Đây là một trong số ít tác phẩm tôi đọc từ đầu tới cuối. Cách sắp xếp của nhà văn đã tạo nên một mạch câu chuyện đầy xúc cảm, mà sau khi người đọc bị cuốn vào thì khó mà dứt ra được”.

"Còn lại tiếng người hót đắng cay" như một lời tự sự chân thành và tương đối liều lĩnh của nữ nhà văn Linh Lê trước độc giả. Với cô gái có phần ngại ngùng và kín đáo này, dường như đó đã là một thành công không nhỏ. "Là bình nước lã hay chén rượu nồng, hãy để từng độc giả cảm nhận. Còn tôi, tôi sẽ vẫn bước tiếp trên chặng đường văn mà cha để lại cho mình, tốt lên mỗi ngày và sống trọn vẹn mỗi ngày tôi đang có".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem