Hòa Bình: Nông dân “khoái” thâm canh lúa RVT

Phương Đông Thứ hai, ngày 19/01/2015 09:43 AM (GMT+7)
Nhằm giúp hội viên, ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, Hội ND tỉnh Hòa Bình đã tranh thủ các nguồn lực xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới. Dự án thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất lúa là ví dụ điển hình.
Bình luận 0

Mô hình “Thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa” do Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn (T.Ư Hội NDVN) hỗ trợ và được Hội ND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Hội ND 2 huyện Kim Bôi, Tân Lạc tổ chức triển khai ở vụ mùa 2014. Tại huyện Kim Bôi, mô hình được thực hiện tại xã Đông Bắc, còn ở huyện Tân Lạc thực hiện trên địa bàn xã Phong Phú.

Giống và kỹ thuật thâm canh mới

img

Cán bộ, hội viên ND xã Phong Phú (Tân Lạc) tham quan mô hình thâm canh tổng hợp lúa RVT.

Vụ mùa 2014, Hội ND tỉnh Hòa Bình và UBND xã Phong Phú (Tân Lạc) đưa giống lúa chất lượng cao RVT vào sản xuất với diện tích 14ha. Là địa phương có truyền thống trồng lúa, nhất là sản xuất lúa giống nông hộ, nên những hộ tham gia mô hình thâm canh lúa RVT có dịp bổ sung, cập nhật thêm kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp-IPM. Cả xã có 100 hộ thuộc 3 xóm Mận, Đóng, Lầm tham gia mô hình này. Chị Nguyễn Thị Bảy - cán bộ bảo vệ thực vật kiêm trưởng nhóm sản xuất lúa giống nông hộ xã Phong Phú chia sẻ: “Mô hình có 3 cái mới, đó là lần đầu tiên xã quy hoạch được cánh đồng mẫu lớn 14ha liền vùng liền thửa; lần đầu tiên dân cấy giống lúa RVT chất lượng cao và bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng thâm canh IPM trên cây lúa cho bà con...”.

 

Các hộ tham gia cánh đồng mẫu lớn xã Phong Phú được cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn, tập huấn cách ngâm, ủ, gieo mạ, cấy, chăm sóc lúa trên ruộng. Chị Bùi Thị Ngoan ở xóm Đóng có gần 3 sào (Bắc Bộ) tham gia dự án cho biết: “Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa có tăng. Các vụ trước năng suất chỉ đạt 1,5-1,6 tạ/sào, nhưng vụ vừa rồi lúa nhà tôi đạt gần 2 tạ/sào. Nhà nào chân ruộng vàn cao hợp với giống RVT còn đạt năng suất tới 2,2 tạ/sào. Chi phí phân tro, thuốc trừ sâu so với các vụ trước cũng bằng nhau nhưng năng suất, giá bán lúa lại cao hơn. Gạo RVT thì nhà nào ăn cũng khen là thơm, dẻo và đậm cơm...”.

Theo chị Bảy, do làm cánh đồng mẫu lớn, bà con đồng loạt gieo cấy cùng 1 giống lúa nên việc kiểm soát dịch bệnh hay theo dõi sinh trưởng lúa rất thuận lợi... Các vụ trước, ND xã Phong Phú cấy lúa thuần năng suất chỉ đạt 45 tạ/ha thì vụ mùa 2014 năng suất đạt bình quân 52 tạ/ha, giá bán lúa thịt đạt tới 9.000 đồng/kg. So với các vụ trước, giá trị sản xuất vụ mùa tăng thêm hơn 18 triệu đồng/ha.

Mở rộng diện tích

Quan điểm

Ông Nguyễn Thế Hách • Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình
  Dự án này đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn... 
Với kết quả từ dự án, vụ chiêm 2015 tại xã Phong Phú (Tân Lạc) và Đông Bắc (Kim Bôi) tiếp tục mở rộng diện tích thâm canh lúa chất lượng cao theo hướng cánh đồng mẫu lớn. Theo chị Nguyễn Thị Bảy, nhóm trưởng nhóm sản xuất lúa giống nông hộ xã Phong Phú, hội viên, ND trong xã, nhất là 3 xóm Mận, Đóng, Lầm vẫn sẽ cơ cấu các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với từng chân đất, trong đó có giống RVT vào cấy vụ chiêm 2015 và diện tích cánh đồng mẫu lớn sẽ mở rộng thêm.

 

Tại xã Đông Bắc, năng suất lúa RVT vụ mùa 2014 vùng dự án đạt tới 62ha. Ông Bùi Văn Thiện - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Bắc cho biết, vụ chiêm năm 2015 xã đã quy hoạch, mở rộng cánh đồng mẫu lớn lên 50ha. “Dù không được tiếp tục hỗ trợ giống RVT, địa phương vẫn quyết tâm sẽ gieo cấy 1 loại giống lúa thuần chất lượng cao khác, ví dụ như BC 15 để nâng cao thu nhập cho bà con” - ông Thiện khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem