Nước Anh “trợ giúp” Adolf Hitler phát động thế chiến thứ 2?

PV Thứ tư, ngày 17/07/2019 19:33 PM (GMT+7)
Một cách gián tiếp, ngân hàng trung ương Anh đã tiếp tay cho trùm phát xít Hitler dùng số tiền thu được từ vàng ăn cướp này để tăng cường tiềm lực quân sự, thực hiện mưu đồ bá chủ châu Âu.
Bình luận 0

Một tài liệu vừa mới được chính ngân hàng trung ương Anh (BE-Bank of England) công bố cho thấy, vào giai đoạn đầu của thế chiến thứ hai, tổ chức này đã không có động thái gì để ngăn chặn Đức quốc xã tiêu thụ một số lượng lớn vàng cướp được khi xâm lược Tiệp Khắc cũ, dù những giao dịch này diễn ra ngay trên đất Anh. Nhiều người tin rằng, trùm phát xít Adolf Hitler đã dùng số tiền thu được để chuẩn bị chiến tranh với chính... nước Anh vài tháng sau đó.

Vàng và bộ máy chiến tranh

Năm 2013, để thực hiện yêu cầu minh bạch hóa của Hội đồng Ổn định tài chính khối G20, ngân hàng trung ương Anh đã lần đầu tiên công bố bộ kỷ yếu về các hoạt động của mình trong hơn 70 năm trở lại đây. Đáng chú ý, những tài liệu trong năm 1939 đã lộ ra một vết đen của tổ chức tài chính này, khi họ không có bất cứ động thái nào ngăn chặn Đức quốc xã tiêu thụ số vàng cướp được của Tiệp Khắc cũ, dù có cơ hội.

img

Trùm phát xít Adolf Hitler.

Tháng 3/1939, phát xít Đức hoàn tất việc thôn tính Tiệp Khắc cũ và hoạt động cướp bóc trên quy mô lớn bắt đầu diễn ra. Theo tài liệu của BE, đội quân của Hitler đã "tịch thu" hơn 2.000 thỏi vàng nguyên chất nằm trong kho dự trữ ngoại hối của ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc (cũ). Ngoài ra, còn rất nhiều vàng bạc, kim cương, ngoại tệ, đá quý cũng bị chiếm đoạt từ các ngân hàng nhỏ, công ty, giới nhà giàu...

Toàn bộ khối tài sản khổng lồ này được chuyển về cho ngân hàng trung ương của Đế chế đệ tam (Reichsbank) quản lý. Hitler đang rất "khát tiền" để ném vào cỗ máy chiến tranh khổng lồ của mình. Y ra lệnh cho Reichsbank phải nhanh chóng biến các hiện vật có giá trị cướp được ở trên thành tiền mặt. Chi nhánh Reichsbank tại Anh lãnh trách nhiệm tiêu thụ hơn 2.000 thỏi vàng nói trên. Tại thời điểm đó, số vàng này được định giá 5,6 triệu bảng Anh, còn nếu so với giá vàng hiện nay, số tiền đó tương đương hơn 300 triệu bảng Anh. Một số khách hàng lớn từ Bỉ, Hoa Kỳ và Hà Lan "đánh tiếng" quan tâm, nhưng còn chờ xem thái độ của chính phủ Anh về việc này thế nào.

Bởi ngay sau khi Hitler tấn công đồng minh Tiệp Khắc, Thủ tướng Anh lúc đó là Neville Chamberlain đã ra lệnh phong tỏa mọi tài sản của Đức trên lãnh thổ Anh. Do đó, chi nhánh Reichsbank tại Anh sẽ không thể bán được số vàng này cho bất kỳ ai. Lệnh phong tỏa của Thủ tướng Chamberlain cũng khiến người Đức không thể đem số vàng này khỏi đảo quốc sương mù để bán ở nơi khác.

Thế khó của Nhà nước Quốc xã bất ngờ được ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ra tay tháo gỡ. Có trụ sở tại Basel (Thụy Sỹ), BIS là tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, nổi tiếng với biệt danh "ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương", được lập ra vào năm 1930 để phụ trách các khoản bồi thường của Nhà nước Đức sau Thế chiến thứ nhất cho các quốc gia châu Âu bị thiệt hại, theo một Hiệp ước đa quốc gia. Hiệp ước này cũng quy định, các tổ chức tài chính, tín dụng của các nước tham gia ký kết phải tạo mọi điều kiện cho Reichsbank hoạt động ở địa bàn của mình, bởi mọi khoản bồi thường mà Đức phải chi trả đều trông cậy vào tổ chức này.

Thống đốc BE - nam tước Montagu Collet Norman lâm vào thế khó giữa một bên là "Ngân hàng mẹ" BIS, một bên là lệnh phong tỏa của Chính phủ. Bản thân ông cũng là một thành viên trong Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh, nên áp lực lại càng nặng nề.

Rốt cuộc, mệnh lệnh của BIS đã được thi hành. BE đành phải "nhắm mắt làm ngơ" cho chi nhánh Reichsbank tại Anh thực hiện việc bán vàng. Một cách gián tiếp, ngân hàng trung ương Anh đã tiếp tay cho trùm phát xít Hitler dùng số tiền thu được từ những thỏi vàng ăn cướp này để tăng cường tiềm lực quân sự, mua sắm trang bị thêm vũ khí, phương tiện chiến tranh để thực hiện mưu đồ bá chủ châu Âu.

img

Thống đốc Montagu Collet Norman của Bank of England.

Những lá thư mật

Thực ra, từ nhiều năm nay, đã có nhiều lời đồn thổi về vụ mua bán khó tin này, nhưng chỉ khi BE chính thức thừa nhận, những chi tiết ẩn khuất phía sau nó mới được phơi bày một cách đầy đủ. Theo đó, thống đốc Norman đã qua mặt Thủ tướng Chamberlain khi không báo cáo ông về quyết định của mình. Mọi việc chỉ vỡ lở vào tháng 6 năm đó, khi chi nhánh Reichsbank tại Anh lại tiến hành bán nốt một số vàng ít ỏi còn lại, thu về 860.000 bảng Anh. Dù rất tức giận, nhưng Thủ tướng Chamberlain cũng hiểu rằng, trong lĩnh vực tài chính, việc tuân thủ các điều khoản là một điều cực kỳ quan trọng và ông tỏ ra thông cảm với thế khó của thống đốc Norman.

Dù vậy, quyết định không can thiệp của ông vẫn bị xem là một sai lầm vô cùng to lớn, khi không xem xét đến hoàn cảnh hiện tại. Văn phòng Thủ tướng Anh lập tức ra văn bản yêu cầu BE hoạt động theo quy chế thời chiến, cho phép không chấp hành các chỉ đạo nghiệp vụ từ phía BIS nữa, nếu thấy những nghiệp vụ này "có lợi cho kẻ thù".

Rõ ràng, cả nam tước Norman và BIS đều ngây thơ, khi tin vào những lời hứa hẹn của Reichsbank rằng, khoản tiền thu được sẽ dùng để bồi thường cho các quốc gia nạn nhân của Đức trong Thế chiến thứ nhất. Lúc này, viễn cảnh về một Thế chiến thứ hai đang đến rất gần, vậy mà hai tổ chức tài chính lừng danh này vẫn trung thành với Hiệp ước mà Hitler đã xé bỏ, bằng cuộc xâm lược Tiệp Khắc (cũ). Thực tế diễn ra sau đó đã chứng minh: Tháng 9/1939, Hitler "xua quân" tấn công Ba Lan. Anh và Pháp tuyên chiến với Đức quốc xã, chính thức mở màn cho Thế chiến thứ hai.

Theo đánh giá của nhiều nhà lịch sử, kinh tế, số tiền khổng lồ thu được từ những thương vụ bán "vàng bẩn" ngay trên đất Anh của Reichsbank đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Hitler xây dựng một đội quân "bách chiến bách thắng" trong giai đoạn đầu của cuộc Thế chiến này. Trước khi tấn công Ba Lan, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Đức thường phải chạy dưới công suất do thiếu nguyên, nhiên vật liệu. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chính là thiếu tiền.

Nhiều nước đã nhìn thấy tham vọng tàn bạo của Hitler nên đã ra lệnh cấm xuất khẩu các loại nguyên liệu dùng cho công nghiệp quân sự cho Đức. Nhưng nếu có tiền, Hitler vẫn có thể mua được thứ mình cần. Cướp bóc tài sản của các quốc gia vừa xâm lược, Hitler nhanh chóng quy đổi chúng ra "tiền tươi thóc thật" rồi ném vào cỗ máy chiến tranh đang khát tiền. Một nhà sử học đã "chua chát" nhận định rằng, có lẽ những trái bom bay V2 kinh hoàng mà London phải hứng chịu, đã được sản xuất bằng những đồng tiền thu được từ việc bán vàng Tiệp Khắc trên đất Anh. Khó có thể khẳng định được điều này, nhưng rõ ràng, con số 5,6 triệu bảng Anh vào năm 1939 là một số tiền không hề nhỏ. Nó đủ để Hitler trang bị cho đội quân phát xít của mình một lượng khí tài khổng lồ để tiến hành giết chóc, chiếm đóng. 

Năm 1942, trong một lá thư mật, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt đã hỏi Thủ tướng Anh lúc đó là Sir Winston Churchill về thực hư của những lời đồn thổi xung quanh sai lầm này của người Anh. Không rõ ngài Churchill đã trả lời đồng minh của mình thế nào, nhưng rõ ràng, động thái này đã cho thấy vai trò của những "đồng tiền bẩn" năm 1939 với Đức quốc xã to lớn như thế nào. Có một an ủi nhỏ nhoi cho người Anh là họ đã kịp tịch thu một số lượng nhỏ vàng của Reichsbank trước khi tuyên chiến với Đức. Đến nay, không ai biết số phận của những thỏi vàng này như thế nào.

Chỉ một số ít vàng được trưng bày ở bảo tàng tưởng niệm Thế chiến thứ hai tại London. Nhiều người tin rằng, số còn lại vẫn đang được BE lưu giữ dưới những căn hầm của mình. Có lẽ, sẽ chẳng ai có cơ hội được nhìn thấy chúng, bởi giờ đây, các hầm ngầm của BE đang là nơi cất giữ vàng dự trữ cho hàng chục quốc gia khác trên toàn thế giới, với giá trị lên tới hơn 210 tỷ bảng Anh. Trong số này chỉ có một lượng rất ít vàng của Anh. Giữ hộ vàng cho các nước khác, nhưng phần lớn vàng dự trữ của chính nước này lại đang được gửi ở tận… cục dự trữ vàng Fort Knox, Hoa Kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem