HLV Park Hang-seo, HLV Troussier và triết lý làm bóng đá Việt Nam

Phạm Thứ Thứ bảy, ngày 25/11/2023 19:10 PM (GMT+7)
ĐT Việt Nam thời HLV Troussier đang khá vất vả đề tìm ra mảnh ghép cho công thức bóng đá kiểm soát. Người tiền nhiệm - HLV Park Hang-seo thành công với bóng đá Việt Nam bằng triết lý phòng ngự phản công. Phải chẳng HLV Troussier quá liều lĩnh thay đổi hay triết lý làm bóng đá của Việt Nam có vấn đề?
Bình luận 0

Đi tìm triết lý làm bóng đá Việt Nam

Ông Park đã gắn bó với Việt Nam bốn năm. Bốn năm rất đẹp với người hâm mộ (NHM), những người đã đợi rất lâu để được tận hưởng những tấm huy chương ở khu vực và châu lục. Khắp đất nước Việt Nam tôn sùng, thần tượng và gọi ông bằng cái tên gần gũi, thân thuộc “Thầy Park”.

Cũng bởi vậy mà áp lực chắc chắn đè nặng lên vai người kế nhiệm ông hiện tại là HLV Troussier. Hơn 8 tháng làm việc, với cấp độ U22 và một vài trận với ĐTQG, NHM và các chuyên gia bắt đầu phân tích, mổ xẻ về vị tân HLV. Đương nhiên, những so sánh là khó tránh khỏi, nhất là khi, ông Troussier có vẻ đang khiến NHM Việt Nam trở nên mếch lòng.

HLV Park Hang-seo, HLV Troussier và triết lý làm bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

HLV Park Hang-seo giúp Việt Nam giành được nhiều danh hiệu (Ảnh: GOAL).

So sánh về hai vị HLV, dễ thấy nhất là triết lý bóng đá của cả hai. 

Triết lý bóng đá của ĐT Việt Nam thời HLV Park Hang-seo thể hiện ngay trong cách chơi ở cả sân khu vực lẫn châu lục. Đó là chơi phòng ngự phản công, dựa trên sự chắc chắn của hàng phòng ngự và sự tinh tế, khôn ngoan của các tiền vệ. Gần như 100% người hâm mộ nhận ra diện mạo này. Nó được duy trì chắc chắn, bền bỉ, ổn định bởi ông Park cùng một thế hệ tuyển thủ trẻ trung đi cùng ông từ lứa trẻ cho tới lúc ông chia tay ĐT Việt Nam.

HLV Troussier lại khác hoàn toàn, ông ưa thích triết lý kiểm soát bóng hiện đại, chơi phối hợp nhóm nhỏ, chuyền bóng ngắn và trung bình. Một lối chơi định hướng vị trí rất khoa học, bài bản, pressing và thoát pressing rất “châu Âu”. Đó là bộ mặt hoàn toàn mới do HLV người Pháp mang lại, có chăng, chất lượng những cầu thủ mà HLV Troussier trọng dụng hiện tại không bằng chất lượng những cầu thủ mà ông Park có. Nhưng cũng chưa cần phải so sánh chất lượng lứa cầu thủ, chỉ cần so sánh các đội bóng tại V.League có triết lý bóng đá tương tự thôi đã là điều rất khó. Chỉ có Hà Nội FC và HAGL có hơi hướng kiểm soát bóng rõ rệt. 

Vậy HLV Troussier có cố chấp hay không khi vẫn áp dụng lối đá kiểm soát, định hướng vị trí đó cho ĐT Việt Nam hay chín HLVh Troussier không phù hợp với những nhân sự ĐT Việt Nam hiện tại?

Trả lời được câu hỏi đó, trước tiên cần làm rõ triết lý chơi bóng đá và triết lý làm bóng đá. Thường thì triết lý làm bóng đá mang tính phổ quát, nó phục vụ cho triết lý chơi bóng. Tuy vậy, triết lý chơi bóng đá lại thường được đặt ra bởi chủ thể làm bóng đá, ví dụ chủ tịch một CLB hay chủ tịch một liên đoàn. Các chủ thể này muốn đội bóng đại diện cho mình chơi theo cách nào, họ tìm kiếm HLV có triết lý tương đồng. 

Một ví dụ rõ ràng nhất với nền bóng đá Tây Ban Nha, nền bóng đá đỉnh cao của triết lý kiểm soát bóng. Các đội bóng tại giải VĐQG Tây Ban Nha (La Liga) đều có xu hướng kiểm soát bóng rõ rệt. Những tiền vệ Tây Ban Nha qua các lứa cầu thủ vẫn đều giữ được bản sắc hầu hết là những người có tư duy, nhãn quan chiến thuật, bộ kỹ năng xử lý bóng cực kỳ tốt. Từ Busquets, Xavi và Iniesta trong quá khứ tới Rodri, Pedri và Gavi của hiện tại…. họ trưởng thành trong môi trường bóng đá kiểm soát và mang trong mình thứ DNA tương tự. Cố huyền thoại Johan Cruyff từng nói “Chơi bóng rất đơn giản, nhưng chơi bóng đá đơn giản là điều khó nhất”. Điều này cũng tương tự với triết lý đỉnh cao của phức tạp là đơn giản của danh họa Leonardo da Vinci. Những cầu thủ đẳng cấp nhất của nền bóng đá Tây Ban Nha đều có chung những đặc điểm “đơn giản” như vậy. 

Hay tại Barcelona, nơi được thấm nhuần bởi triết lý làm bóng đá của Johan Cruyff (đào tạo trẻ và lối chơi kiểm soát, định hướng vị trí). Các HLV sau này ngồi ghế truyền trưởng tại đây đều ít nhiều có liên quan tới triết lý của “thánh Johan”. Từ Frank Rijkaard, Pep Guardiola, Luis Enrique hay Xavi hiện tại. 

HLV Park Hang-seo, HLV Troussier và triết lý làm bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Hoàng Đức bị thất sủng dưới thời HLV Troussier (Ảnh: VFF).

Còn tại đội bóng hoàng gia Real Madrid, những HLV thành công như Ancelotti hay Zidane đều phải tận dụng thành công “những Zidane và những Pavon” - triết lý làm bóng đá do chủ tịch Perez đặt ra: mua những ngôi sao lớn và tận dụng những tài năng trẻ. 

Quay trở lại với bóng đá Việt Nam, vậy triết lý làm bóng đá của Việt Nam là gì? Đây là câu hỏi không ai trả lời được hoặc nếu có sẽ là một câu trả lời khiến chúng ta khá đau lòng. Những chuyên gia bình luận, phân tích bóng đá Việt Nam cũng chỉ có thể đoán ra triết lý làm bóng đá ở Việt Nam thông qua tổng kết những sự việc, hiện tượng họ nhìn thấy. Chưa một ai dám quả quyết. Vì bóng đá Việt Nam không có triết lý. Khi chưa có một tuyên ngôn rõ ràng nào về một triết lý thì đồng nghĩa rằng không có một triết lý nào được thừa nhận cả. 

Không chỉ bóng đá mà trong cả ngàn vạn ngành nghề khác, khi một triết lý được đặt ra, nó chính là phản chiếu rất chính xác của diện mạo xã hội ấy. Và nếu hệ thống lại những gì xảy ra trong làng bóng đá Việt Nam, có thể nói rằng không một triết lý nào được tuyên ngôn nhưng trong cách làm của những người quản lý bóng đá hiện nay, có những triết lý rất rõ rệt đã được thể hiện và phỏng chiếu chính những gì đang là “tập quán” của xã hội Việt đương đại.

Đó là triết lý thời vụ, triết lý vị thành tích. Mục tiêu quyết thắng một trận cầu, một giải đấu lớn hơn bất kỳ mục tiêu lâu dài nào khác. Tiền vệ Quang Hải cách đây vài năm khi đang là trụ cột ĐTQG vẫn bị triệu tập cho U23 để phục vụ mục đích đoạt bằng được tấm HCV SEA Games. Năm đó, Hải đá hơn 60 trận; những cầu thủ hàng đầu thế giới trong một năm cũng hiếm khi đá nhiều như vậy.

Chuyện đưa một cầu thủ ĐTQG xuống một giải trẻ là điều cực kỳ hiếm trên thế giới, hoặc sẽ cực kỳ hạn chế. Đầu tiên, cầu thủ đó sẽ bị “vắt kiệt sức”. Thứ hai, các cầu thủ trẻ sẽ khó có không gian để phát triển. 

Ở Việt Nam, ngoài lứa U23 giành HCB châu Á năm 2018, hiếm có lứa cầu thủ trẻ nào để lại ấn tượng. Nhưng ở cấp độ đội tuyển, nhân sự cho các tuyến lại không thiếu. 

Sự ám ảnh về thành tích, thành quả ngắn hạn ấy có thể sinh ra nhiều hệ luỵ. Chẳng hạn như chủ nghĩa công thần. Thời HLV Park Hang-seo, hiếm thấy cầu thủ trẻ nào có thể chen chân vào dù là băng ghế dự bị. Nhưng các cầu thủ của đội tuyển đá cùng các cầu thủ trẻ tại các đội U là hoàn toàn dễ thấy. 

HLV Park Hang-seo, HLV Troussier và triết lý làm bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

HLV Troussier nhận nhiều chỉ trích sau thất bại trước ĐT Iraq (Ảnh: VFF).

Vì vậy, bốn năm của ông Park, ngoài thành tích bề nổi là những thành tích, sâu bên trong, triết lý của nền bóng đá Việt Nam vẫn vậy. 

Trở lại với HLV Troussier, chưa thể coi ông Troussier bảo thủ hay kém cỏi, “không có bài vở gì”. Bởi việc tìm kiếm nhân sự và chưa thể thích nghi với một lối chơi trái ngược hoàn toàn so với người tiền nhiệm, thứ mà họ tư duy và áp dụng hàng ngày là điều hết sức bình thường. 

Điều buồn nhất với bóng đá Việt Nam không phải là thua vài trận giao hữu với các nền bóng đá hàng đầu châu Á như Hàn Quốc hay Uzbekistan hay thất bại phút cuối cùng dù đã khiến một nền bóng đá mạnh khác như Iraq phải “vã mồ hôi”. Điều buồn nhất là sau mỗi trận thua đó, những người tiêu cực lại được dịp đua nhau đưa ra những quan điểm hay những lời miệt thị để chứng minh cho luận điểm chê bai HLV Troussier. 

HLV Troussier cực kỳ bản lĩnh, ông dám thử nghiệm ở những trận cầu lớn như với Iraq vừa rồi, dám cất những công thần như Hùng Dũng, Hoàng Đức trên băng ghế dự bị mà vẫn có kết quả không quá tệ. Chúng ta không phải HLV Troussier, cũng không xỏ giầy thâm nhập vào đại bản doanh của ông để biết điều gì thực sự xảy ra giữa ông và các cầu thủ. Nhưng điều chúng ta thấy đó là ông đã dám bước ra khỏi những vùng an toàn (đưa những cầu thủ trẻ và cất những công thần), những điều không phải ai cũng dám làm.

Thứ ông cần lúc này là thời gian, niềm tin của VFF và sự kiên nhẫn của chính ông cho những “canh bạc” của mình, nhất là khi đối mặt với khó khăn và những chỉ trích. Đích đến của bóng đá Việt Nam không chỉ là những thất bại vừa qua và ĐT Việt Nam cũng không phải chỉ có những Hoàng Đức hay Hùng Dũng. 

Trở lại với câu hỏi về sự phù hợp hay những vấn đề xoay quanh HLV Troussier, có lẽ đây chỉ là một câu hỏi vấn đề bề nổi của kết quả, thành tích. Câu hỏi mà thực sự mỗi người yêu bóng đá chân chính Việt Nam cần đặt ra và phải thật sự đi tìm câu trả lời đó là: Triết lý làm bóng đá cho Việt Nam là gì?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem