dd/mm/yyyy

Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La

Hội nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, qua đó góp phần phát triển vào phát triển kinh tế của địa phương.

Clip: Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La

Phong trào nông dân cải thiện thu nhập hội viên

Mai Sơn là một trong những huyện phát triển mạnh về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Toàn huyện có 22/22 cơ sở hội (xã, thị trấn) và 293 chi hội bản, tiểu khu với 19.752 hội viên. Để thực hiện tốt các phong trào thi đua, Hội Nông dân huyện luôn xác định Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp hội.

Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo ra nhiểu sản phẩm nông sản hàng hóa có chất lượng, tác động tích cực đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của huyện trong những năm qua.

Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La- Ảnh 1.

Nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Hội viên, nông dân trên địa bàn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của huyện ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết trong sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Công tác tuyên truyền ngày càng được đổi mới phù hợp với từng vùng, từng đối tượng hội viên, nông dân, hình thức phong phú, qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của hội viên, nông dân; khích lệ nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng về đất đai, lao động để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống.

Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La- Ảnh 2.

Mô hình trồng dâu tây của anh Lò Văn Anh, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Ngay cạnh tuyến đường nông thôn nội đồng đã được bê tông hóa, đi vào sâu trong cánh đồng, chúng tôi gặp hội viên nông dân Lò Văn Anh, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang cùng vợ thu hoạch những trái dâu tây chín đỏ trên mảnh ruộng của gia đinh. 2 năm trở lại đây nhờ phát triển dâu tây, gia đình anh đã có thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm, có của ăn của để, có tiền lo cho con cái đi học.

Anh Lò Văn Anh chia sẻ: Những năm trước đây, cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn, thu nhập không được là bao. Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 2000m2 đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng dâu tây. Hiện nay, diện tích dâu tây của gia đình cho thu hoạch mỗi ngày từ 8-10kg. Với giá bán giao động từ 150.000 – 200.000đ/kg, mỗi ngày gia đình thu nhập không dưới 1 triệu đồng, đó là mới chỉ đầu vụ, sản lượng ít, đến chính vụ gia đình còn thu nhập cao hơn nữa.

“Trồng dâu tây này so với trồng cây khác thì vất vả hơn nhiều, mất nhiều công chăm sóc. Đặc biệt người trồng phải nắm bắt được tập tính của giống cây này thì cây mới có thể sinh trưởng và cho ra hoa kết trái. Thế nhưng bù lại, trồng dâu tây lại cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với giống cây khác, một vụ có thể cho thu hoạch kéo dài đến 3 tháng”, anh Lò Văn Anh nói.

Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La- Ảnh 3.

Nhờ chuyển đối từ trồng ngô sang trồng dâu tây, gia đình anh anh Lò Văn Anh, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Mai Sơn đã chuyển đổi được 9.350 ha diện tích trồng cây ngắn ngày trên đất dốc kém hiệu quả (ngô, lúa nương,...) sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, toàn huyện có 11.000 ha cây ăn quả, tăng 9.350 ha so với năm 2018, chiếm gần 13,1% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, riêng năm 2022 diện tích tăng gần 6.000 ha, chủ yếu tập trung vào các cây na, dây tây, mắc ca. Một số cây ăn quả có quy mô diện tích lớn duy trì ổn định: nhãn, xoài, bưởi, mận, sơn tra (trong đó 917 ha được cấp chứng nhận Vietgap; 1.130,7 ha mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu gồm 11 mã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu; 17 mã xuất khẩu sang Trung Quốc);

Cùng với cây ăn quả, huyện duy trì ổn định diện tích cây công nghiệp 17.613 ha, trong đó cây công nghiệp lâu năm 7.513 ha, cây công nghiệp hàng năm 10.100ha, trong đó diện tích mía hằng năm duy trì đạt 5.600ha, sắn 4.500ha, sản lượng đạt 392.062 tấn. Vận động nông dân trồng mới được 34,8 ha cây mắc ca trồng xen các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, các nhà máy đã có như: 01 nhà máy mía đường, 02 nhà máy tinh bột sắn, 02 nhà máy chế biến cà phê, 1 nhà máy chế biến rau quả. Lĩnh vực chăn nuôi luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả: Tổng đàn (gia súc, gia cầm) hằng năm duy trì ổn định đến nay đạt 1.558.500 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 17.100 tấn đạt 100% kế hoạch.

Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La- Ảnh 4.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của huyện Mai Sơn (Sơn La) ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Mai Sơn quyết tâm triển khai có hiệu quả phong trào nông dân

Cũng theo ông Đoàn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Qua thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn huyện Mai Sơn hàng năm và giai đoạn 2017 - 2022 đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó: Hộ SXKD giỏi cấp Trung ương 212 hộ, hộ SXKD giỏi cấp tỉnh 2.475 hộ; hộ SXKD giỏi cấp huyện: 6.270 hộ, hộ SXKD giỏi cấp xã: 14.133 hộ. Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cao như các xã Cò Nòi, thị trấn Hát Lót, xã Hát Lót, xã Chiềng Ban.

Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động có việc làm thường xuyên, đã có nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội, tạo lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội. Nhiều mô hình nông dân dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, điển hình.

Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La- Ảnh 5.

Ngoài đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nông dân huyện Mai Sơn còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Nhằm duy trì thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, trong thời gian tới Hội Nông dân huyện Mai Sơn tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mai Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, duy trì diện tích cây ăn quả hiện có tập trung tuyên truyền chuyển đổi cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ. Duy trì các loại cây công nghiệp có lợi thế, đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy (mía, sắn, cà phê, hoa quả).

Hiệu quả từ một phong trào nông dân ở vùng cao Sơn La- Ảnh 6.

Nông dân huyện Mai Sơn thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Ảnh: Văn Ngọc

Tuyên truyền, hướng dẫn thành lập, phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành trong việc hướng dẫn, giám sát quy trình canh tác, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ.... cấp mã số vùng trồng, chứng nhận thương hiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ xuất khẩu.

"Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, lồng ghép các nguồn vốn của Nhà nước, các chính sách tín dụng, đất đai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp", ông Kiên nói.

Văn Ngọc - Thanh Tâm