Hiệu quả trong công tác ngoại giao văn hóa

Nguyễn Quân Thứ tư, ngày 13/09/2023 08:06 AM (GMT+7)
Ngoại giao văn hóa thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phục vụ phát triển đất nước; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bình luận 0

Hiện Việt Nam đã có 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO và các danh hiệu khác như thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu.... Các danh hiệu này cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa của dân tộc Việt Nam, làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa, thiên nhiên, tư liệu của thế giới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn.

Hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hiện đại, con người thân thiện, hiếu khách với nền văn hóa đặc sắc và đa dạng được bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị được đưa đến gần hơn, rộng rãi hơn tới bạn bè thế giới. Đây là nguồn tài nguyên phong phú hỗ trợ các địa phương sở hữu di sản khai thác phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Tuy đã hòa bình nhưng hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, còn nhiều thách thức do đó công tác ngoại giao văn hóa với bạn bè thế giới nhằm tạo dựng lòng tin, củng cố ảnh hưởng và gia tăng "sức mạnh mềm" của mỗi quốc gia hết sức quan trọng.

Hiệu quả trong công tác ngoại giao văn hóa - Ảnh 1.

Người Việt Nam ở Séc biểu diễn hát quan họ tại quảng trường Praha trong lễ hội quốc tế "Praha - Trái tim của các dân tộc". Ảnh: TTXVN

Với Việt Nam, thành tố tạo nên nét đặc sắc trong ngoại giao văn hóa chính là từ lịch sử hào hùng với tinh thần anh dũng, không khuất phục trước áp bức, cường quyền, luôn đấu tranh vì hòa bình, công bằng, tiến bộ xã hội; là từ những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo hình thành bởi 54 dân tộc đoàn kết, sáng tạo, trí tuệ, hiếu khách.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc. Mỗi dân tộc thiểu số mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo, từ ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục cho đến các tập tục, phong tục và cách sống. Những yếu tố này tạo nên sự phong phú và đa dạng trong bức tranh văn hóa chung của đất nước đồng thời cung cấp tính độc đáo, giá trị đặc trưng cho văn hóa quốc gia. Vì vậy, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa chung của đất nước.

Đảm bảo quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số giúp xây dựng một xã hội đa văn hóa và tôn trọng sự đa dạng; đồng thời tạo điều kiện cho giao lưu, hòa nhập, và hiểu biết giữa các dân tộc trong đất nước, góp phần thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giải trí, gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình, tạo cơ hội kinh doanh và quảng bá du lịch cho các vùng dân tộc thiểu số.

Đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc: Ê-đê, Mường, Thái, Tày, Vân Kiều, Cơ Tu, Mông, Nùng, Dao, Ba Na, Chứt, Khmer, X’tiêng, Khơ Mú, Lào, Giáy, Lô Lô, Co, Mạ, Bố Y, Pà Thẻn, Ơ Đu, Rơ Măm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc.

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa với nội dung phong phú, đặc sắc của 54 dân tộc thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 22 lễ hội là điểm nhấn góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời quảng bá hình ảnh Làng với nhân dân trong nước và quốc tế.

Những kết quả nổi bật này đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, tạo ra một môi trường thuận lợi cho bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tạo sự đoàn kết trong xã hội.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, một trong những dấu ấn quan trọng nhất là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể và Nghị quyết số 120/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 -2025.

Mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa. Đại hội XIII của Đảng đặt nhiệm vụ "mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước".

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã xác định thông qua các công cụ văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt. Đồng thời,tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc "sức mạnh mềm", hiếm dân tộc nào có được. Các nước châu Phi, Mỹ Latinh ngưỡng mộ, coi Việt Nam "hai lần Anh hùng" - Anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và Anh hùng trong đổi mới và phát triển. Nhiều lãnh đạo quốc tế đã có chung nhận xét: Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác. Việt Nam chính là câu trả lời cho nhiều vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết thêm: Đây là những thuận lợi, tạo thêm xung lực mới để chúng ta gia tăng "sự nhận diện Việt Nam" trên phạm vi toàn cầu.

Vì vậy, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được chúng ta cần: Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới; lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa với các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương… để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là tri thức, công nghệ và đầu tư, cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh.

Các hoạt động ngoại giao văn hóa phải được triển khai ngày càng sáng tạo, bài bản với sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương, kiều bào ở nước ngoài theo phương châm "lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm". Trong đó, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là những "Đại sứ văn hóa Việt Nam" trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở sở tại.

Ngoại giao văn hóa cũng cần tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Cần tăng cường kết hợp sức mạnh mềm của văn hóa với chiến lược truyền thông để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia…

"Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, có truyền thống văn hóa hết sức quý báu. Tôi tin rằng, với những nhận thức mới về công tác ngoại giao văn hóa từ các hội nghị gần đây như Hội nghị văn hóa toàn quốc, Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và mới đây là Hội thảo "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" tổ chức tại Bắc Ninh, công tác ngoại giao văn hóa sẽ nhận được sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, qua đó góp phần thiết thực hơn nữa vào công cuộc phát triển đất nước" - Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem