Hiếu PC đưa ra cảnh báo sau vụ Công an bắt nhóm mua bán thông tin cá nhân chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng

Đình Việt Chủ nhật, ngày 19/12/2021 14:08 PM (GMT+7)
Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC và chuyên gia pháp lý đã có những chia sẻ xung quanh vụ việc Công an tỉnh Quảng Bình bắt nhóm mua bán thông tin cá nhân chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Đánh vào lòng tham

Ngày 18/12, Bộ Công an cho biết Công an tỉnh Quảng Bình đã tạm giữ Nguyễn Cao Hoàng (28 tuổi, quê Đà Nẵng) và 2 nghi phạm để làm rõ hành vi thu thập, mua bán, công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiếu PC cảnh báo sau vụ bắt nhóm mua bán thông tin cá nhân chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nguyễn Cao Hoàng (áo đen). Ảnh: Bộ Công an.

Cơ quan điều tra còn làm rõ nhóm của Hoàng bán lại tài khoản cho các đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thu lợi với giá 250.000-350.000 đồng mỗi tài khoản.

Theo cảnh sát, tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng liên quan vụ án là gần 1.000 tỷ đồng. Nhà chức trách ghi nhận hơn 3.000 cá nhân, tổ chức trên toàn quốc là bị hại.

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho biết, những đối tượng này đánh vào lòng tham và sự dễ tin người để thực hiện hành vi lừa đảo.

Chúng có thể mua được các nguồn dữ liệu thông tin trên darkweb (những trang web hoạt động mà không cần phải đăng ký), nhưng đánh vào tâm lý của người khác cũng khiến cho việc lấy thông tin danh tính trở nên dễ dàng, giúp bọn chúng thực hiện được hành vi chuộc lợi từ các app tài chính như MoMo, Zalo Pay và sau đó bán lại những thông tin danh tính khi đã sử dụng xong.

Các đối tượng có thể bán luôn cả tài khoản MoMo hay ZaloPay ấy cho những người khác, đặc biệt là những đối tượng sử dụng tài khoản này cho các trang đánh bạc mà gần đây báo chí đã đăng rất nhiều.

Theo ông Hiếu, cách bảo vệ tốt nhất để không bị lộ thông tin cá nhân là không tham, không cung cấp thông tin cho người lạ. Chỉ cung cấp thông tin cho cơ quan, chức năng hay các tổ chức tài chính có thẩm quyền được sử dụng.

Khi bị lộ thông tin nên báo lên cơ quan chức năng, các ứng dụng tài chính phổ biến để ngăn chặn hậu quả kịp thời.

Hiếu PC cảnh báo sau vụ bắt nhóm mua bán thông tin cá nhân chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC). Ảnh: NVCC

Theo ông Hiếu, việc lộ thông tin danh tính rất nguy hiểm và mang đến nhiều hệ lụy về sau như: Cá nhân sẽ bị bôi nhọ danh dự, tống tiền; Bị lừa đảo; Bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân để đi lừa đảo người khác hoặc thực hiện hành vi thanh toán trái pháp luật nhầm trốn thuế, ẩn danh tính cá nhân thật....

Đồng thời, bị bán thông tin danh tính; bị ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống, tài chính nếu kẻ xấu dùng để thông tin ấy để đi vay tiền online; có thể dính líu tới những vụ lừa đảo, mà mình vô tình chỉ là nạn nhân, liên quan đến pháp luật mà không hề hay biết.

Đối tượng có thể bị khởi tố thêm các tội danh khác

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là hoạt động tội phạm với phương thức và thủ đoạn mới trong bối cảnh hoạt động tội phạm công nghệ cao đang gia tăng và phát triển nhanh chóng trên không gian mạng.

Việc triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ sim, đăng ký tài khoản điện tử là một trong những cánh cửa mở ra hoạt động của các đối tượng lừa đảo qua mạng Internet và đánh bạc trực tuyến.

Hiện nay có rất nhiều hình thức thu nhập bất chính, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao, trong đó phổ biến nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hoạt động đánh bạc trái phép trên mạng Internet.

Hiếu PC cảnh báo sau vụ bắt nhóm mua bán thông tin cá nhân chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Số giấy chứng minh nhân dân bị làm giả để lừa đảo. Ảnh: Bộ Công an.

Để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng cần rất nhiều tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội để làm công cụ, phương tiện cho hoạt động lừa đảo, ẩn danh người khác để thực hiện giao dịch cũng như để nhận tiền.

Hoạt động lừa đảo phát triển mạnh trên không gian mạng những năm gần đây đã làm phát sinh một nhu cầu trung gian là tìm kiếm các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội của cá nhân để bán cho các nhóm đối tượng lừa đảo. 

Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh loại tội phạm mới này.

Theo ông Cường, hành vi mua bán những thông tin về tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể với hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, nếu hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng tài khoản mua bán thông tin từ 20 tài khoản ngân hàng trở lên hoặc dưới 20 tài khoản ngân hàng nhưng thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 291 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm.

Như vậy, với quy định pháp luật hiện hành, trước tiên cơ quan điều tra sẽ khởi tố các đối tượng này về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo Điều 291.

Trong quá trình điều tra, trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng này đã tiếp tay, giúp sức cho hoạt động tổ chức đánh bạc hoặc các hoạt động lừa đảo trên mạng Internet, các đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về Tội tổ chức đánh bạc và Tội lừa đảo với vai trò giúp sức.

Với Tội tổ chức đánh bạc theo Điều 322, hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Trong khi đó Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Hoàng và một số người có dấu hiệu sử dụng công nghệ để thu thập, mua bán, công khai thông tin tài khoản ngân hàng trái phép. Nhóm này thu nạp nhiều người tham gia và hoạt động liên tỉnh.

Sáng 15/12, ban chuyên án đồng loạt đột kích nhiều địa điểm tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình và thành phố Đà Nẵng. Cùng ngày, cơ quan điều tra triệu tập Hoàng và 14 người liên quan để lấy lời khai.

Năm 2019, Hoàng thuê Hoàng Trung Thương (26 tuổi, ở TP Đồng Hới) kêu gọi người khác mở tài khoản ngân hàng. Sau khi có được thông tin cá nhân của chủ tài khoản, 2 nghi phạm mở ví điện tử và một số công cụ thanh toán trực tuyến khác để hưởng quà ưu đãi, sử dụng để thanh toán tiền điện, nước, Internet.

Ngoài ra, Hoàng mua nhiều tài khoản từ Nguyễn Tiến Đức (21 tuổi, quê Hà Tĩnh) và Hà Đăng Tiến (19 tuổi, ở Ninh Bình) rồi tổng hợp thông tin gửi cho Nguyễn Công Nam (26 tuổi, trú TP Đà Nẵng). Từ đó, Nam làm giả chứng minh nhân dân để liên kết ngân hàng, định danh ví điện tử.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem