Hiệp định Geneve lần đầu tiên khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam trong một điều ước quốc tế

V.N Thứ năm, ngày 25/04/2024 13:21 PM (GMT+7)
Với Hiệp định Geneve, chúng ta đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được quốc tế công nhận.
Bình luận 0
Hiệp định Geneve lần đầu tiên khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam trong một điều ước quốc tế- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam diễn ra sáng nay 25/4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: Với Hiệp định Geneve, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước, các bên tham dự Hội nghị thừa nhận và tôn trọng.

Với Hiệp định Geneve, chúng ta đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Với Hiệp định Geneve, chúng ta đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu, vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; và mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Phó Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo tiền bối, bày tỏ ghi nhớ công lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc, góp phần tô thắm lịch sử hào hùng của dân tộc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự tưởng nhớ các nhà cách mạng lão thành đã tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định Geneve và trân trọng cảm ơn, ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: Trong bối cảnh thế giới đầy biến động phức tạp với nhiều cơ hội, thách thức đa chiều như hiện nay, Hiệp định Geneve vẫn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, còn nguyên giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – Phó Thủ tướng nói.

Hiệp định Geneve lần đầu tiên khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam trong một điều ước quốc tế- Ảnh 2.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm xem lại hình ảnh Phó Thủ tướng, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Geneve. Ảnh: M.H.

Hiệp định Geneve lần đầu tiên khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam trong một điều ước quốc tế- Ảnh 3.

Hình ảnh đàm phán tại Hội nghị Geneve. Ảnh tư liệu.

Phó Thủ tướng cho rằng cần khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng, nỗ lực vươn lên; tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật của Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh độc đáo và đặc sắc, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" – "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Chiến thắng vĩ đại

Tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphau Onthavan khẳng định: "Sự kiện ký kết Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn của nhân dân ba nước Đông Dương, giành được hòa bình, độc lập cho Tổ quốc".

Đại sứ nhấn mạnh: Việc ký kết Hiệp định này là chiến thắng vĩ đại trong đó thực dân Pháp và các nước tham gia Hội nghị lần đầu tiên cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước Đông Dương. Đồng thời, việc ký kết Hiệp định cũng đã thể hiện rõ lòng yêu nước cao cả, đường lối đấu tranh cách mạng độc lập tự chủ đúng đắn trong của Đảng Cộng sản 
Đông Dương do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Hiệp định Geneve lần đầu tiên khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam trong một điều ước quốc tế- Ảnh 4.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa đại diện gia đình các lãnh đạo và thành viên đoàn đàm phán, đoàn cán bộ phục vụ đàm phán và thi hành Hiệp định Geneve. Ảnh: M.H.

Trong tình hình hiện nay, Đại sứ cho rằng ba nước trên bán đảo Đông Dương Lào, Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược trong quá khứ, nay sẽ lại càng tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ gìn giữ độc lập, tự do dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hướng tới hoàn thành mục tiêu của mỗi quốc gia đã đặt ra trong từng thời kỳ, đồng thời, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển, an ninh và hòa bình thể giới.

Nhắc đến phong trào đứng lên giành lại nền độc lập hoàn toàn từ chế độ thực dân ở khu vực Đông Dương thời kỳ đó để tiến tới Hiệp định Geneve, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha nói: "Sự thật đã ghi nhận, sự hy sinh và lòng dũng cảm của các bậc tiền nhân ba nước chúng ta đã được thể hiện bằng tinh thần đoàn kết cùng nhau chiến đấu vì công cuộc thống nhất giải phóng đất nước thoát khỏi ách thống trị của chế độ thực dân ngoại bang. Điều này đã ghi sâu vào trong tâm trí và mãi khắc trong trái tim của mỗi người trong chúng ta".

Đại sứ nhắc lại, sau khi ký Hiệp định Geneve, cả Campuchia, Việt Nam và Lào chưa có được một nền hòa bình ngay tức thì mà thay vào đó, lại phải đối mặt với những biến cố khó lường, cũng như các cuộc chiến tranh dải dẳng khác nổ ra trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, ba nước đã kề vai sát cánh và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như đấu tranh chống tội ác diệt chủng tàn bạo ở Campuchia. Ngoài ra, ba nước còn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các khuôn khổ song phương và đa phương nhằm khôi phục đất nước và không ngừng phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".

Đại sứ nhấn mạnh, ngày nay, ba nước đã bước sang một trang mới trong lịch sử, tự tin tiến lên đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác quốc tế, cũng như phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu nói chung, với tư cách là các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, đang đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Hoàng gia, nhân dân Campuchia và nhân danh cá nhân, Đại sứ Chea Kimtha bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979 và tiếp tục hỗ trợ, ủng hổ sự phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia, cũng như cùng nhau tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem