Hiến tạng - “mở đường” để sự sống tiếp diễn

Diệu Linh Thứ tư, ngày 04/04/2018 06:00 AM (GMT+7)
Để ca ghép tạng được thành công không chỉ nhờ vào kỹ thuật, chuyên môn... mà cần sự hy sinh, đồng thuận, tấm lòng cao cả của người hiến tạng và gia đình. Một người bị tai nạn chết não có thể cứu sống cả chục người, tuy nhiên, ở Việt Nam, số ca chết não được hiến tạng còn hiếm. Bên cạnh những rào cản về văn hóa, định kiến, luật pháp còn nhiều điều chưa khích lệ người đăng ký hiến tạng.
Bình luận 0

Không chỉ là câu chuyện về những trái tim rời người chết lại tiếp tục đập trong lồng ngực người khác, những đôi mắt vẫn tiếp tục trong veo mở ra nhìn đời mà còn là chuyện kể về trái tim – tấm lòng nhân hậu, cao cả của những người mẹ, người vợ, đã gạt nỗi đau, cho đi một phần cơ thể của con, của chồng mình, để con lại tiếp tục nối dài sự sống khi đã mất đi.

Món quà trong veo giữa đời

Cách đây vài ngày, lễ tôn vinh thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, quê ở Ninh Bình) do Bệnh viện Quân đội 108 tổ chức, đã diễn ra trong tiếng khóc nghẹn ngào, kìm nén và những tràng vỗ tay tự hào. Mọi người tiếc thương nhưng cũng vô cùng cảm phục về người lính dù mất đi nhưng vẫn cứu giúp được nhiều đồng đội, người bệnh.

img

Nhân viên y tế thực hiện lấy giác mạc của bé Hải An. Ảnh: D.L

GS-TS Nguyễn Tiến Quyết - chuyên gia ghép tạng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức:

Quy trình chẩn đoán  chết não rất chặt chẽ

Chết não là tình trạng não không còn hoạt động nhưng tim còn hoạt động với sự trợ giúp của máy móc. Tim “sống”, giúp đưa oxy về các tạng nên tạng vẫn còn hoạt động. Người chết não sẽ bị tử vong sau một vài ngày, không thể cứu được nữa. Từ khi được chẩn đoán chết não thì thời gian lấy tạng tốt nhất là sau 36 giờ. Quy trình công bố một bệnh nhân chết não rất nghiêm ngặt. Sau khi chẩn đoán các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ tiến hành doppler xuyên sọ để xem sóng mạch ở động mạch não; ghi điện não, phân tích khí máu... Kết luận chết não phải được hội đồng ít nhất 3 bác sĩ chuyên khoa: hồi sức cấp cứu – bác sĩ nội thần kinh – bác sĩ phẫu thuật thần kinh, từ chuyên khoa cấp I, thạc sĩ trở lên được tập huấn về chết não và do Ban Giám đốc bệnh viện phê duyệt. Ba bác sĩ này khám độc lập và xác nhận là bệnh nhân chết não. Do đó, nỗi lo lắng “chẩn đoán nhầm” người không chết não thành người chết não là không thể xảy ra.

Nhiều ngày túc trực, chăm sóc chồng bị bạo bệnh, chị Kiều không ngừng mong mỏi chồng tai qua nạn khỏi. Đến khi biết chồng không qua khỏi, chị Kiều lại không ngừng tự tranh đấu với bản thân. Chị vừa mong anh ra đi thanh thản, nhưng lại muốn anh cứu sống nhiều người khác. Cuối cùng, với tấm lòng thiện nguyện, cao cả, chị đã chia sẻ nguyện vọng được hiến tạng của chồng để cứu sống nhiều người khác. Gia đình nội ngoại đã hiểu và đồng ý với nguyện vọng của chị.

Ca mổ đã diễn ra vào ngày 26.2. Trước giờ lên bàn mổ, thay lời từ biệt, chị Kiều khẽ chạm tay vào chồng và thì thào: “Em không biết hành động của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không nữa, nhưng em muốn anh cứu sống được nhiều người khác. Anh mất đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, lá phổi của anh vẫn thở và đôi mắt ngời sáng theo dõi mẹ con em sống như thế nào”.

Trung tướng Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết – người trực tiếp thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt đã xúc động chia sẻ: “Thiếu tá Lê Hải Ninh dường như đã thấu hiểu tình yêu thương vô bờ và quyết định đầy nhân văn, cao cả của vợ. Nhờ quyết định đó mà dù anh mất đi nhưng trái tim anh đang đập trong lồng ngực anh Nguyễn Quốc Hùng 30 tuổi, hai lá phổi của anh đang giúp anh Trần Ngọc Hanh hít thở, 2 quả thận của anh được tặng cho 2 người khác ở 2 đầu Nam – Bắc; 2 giác mạc đang trong 2 đôi mắt sáng ngời, đang dõi theo cuộc sống của vợ con anh, gia đình anh”.

Và 4 người đã được cứu sống một cách kỳ diệu, 2 người khác có lại ánh sáng. Hai trong số 6 người là đồng đội của thiếu tá Ninh. “Món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời này với nhiều ước nguyện được gửi gắm” – Trung tướng Mai Hồng Bàng đã nghẹn giọng.

Ông Lê Xuân Cựu – bố đẻ thiếu tá Lê Hải Ninh chia sẻ nghẹn ngào: “Nhận được thông tin các ca ghép tạng từ tạng của con tôi thành công là niềm an ủi, tự hào của gia đình họ tộc chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng sự cho đi còn mãi mãi. Và đâu đó trên đời này con trai tôi vẫn còn hiển hiện và dõi theo chúng tôi”.

Ông Cựu cũng mong muốn phong trào hiến tạng sẽ lan tỏa rộng rãi trong xã hội, để giúp cho nhiều người cần tạng.

Cô bé lay động triệu trái tim

Nhiều người vẫn còn xúc động khi nhắc đến sự ra đi của bé Hải An – cô bé 7 tuổi bị u não. Nhưng khi mất, bé đã hiến hai giác mạc để đem lại ánh sáng cho hai người khác vào ngày 22.2.

Chị Nguyễn Trần Thùy Dương (sinh năm 1985, trú tại Hà Nội) – mẹ bé An chia sẻ, con gái Hải An của chị bị phát hiện ung thư thần kinh thể sao hồi tháng 9.2017. Từ khi con bị bệnh, chị đã thôi việc để đồng hành với con từng giây, từng phút trong bệnh viện. Khi biết được con chị khó qua khỏi, chị đã có nguyện vọng muốn hiến tạng của con để sự sống của con được nối dài mãi. Chị cho biết, chị cũng từng tâm sự với con về việc hiến tạng cứu giúp người khác và con chị đã đồng ý. Gần lúc con mất, chị gọi điện cho Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để hy vọng cứu giúp người khác.

Tuy nhiên, nguyện vọng của chị và con gái đã không thành vì con chị chưa tròn 18 tuổi, theo luật chưa thể hiến tạng nên chị chỉ có thể hiến giác mạc của con sau khi cháu mất. Là người trực tiếp lấy giác mạc cho cháu bé, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương kể lại: “Trước khi các phẫu thuật viên làm thủ tục nhận giác mạc hiến, mẹ cháu bé ôm con gái và nói: "Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé" rồi đặt nụ hôn lên trán cháu. Hơn 10 năm làm công việc này tôi chưa bao giờ cảm xúc đến thế”– ông Hoàng xúc động.

Hai giác mạc của bé Hải An đã được trao tặng cho 1 phụ nữ và một nam giới vì có cơ địa phù hợp sau nhiều năm họ sống trong bóng tối. Khi lại có thể nhìn được cuộc đời đầy màu sắc, hai người nhận giác mạc đã đến nhà thắp hương cho bé Hải An, nói một lời thấm thía từ đáy lòng: “Cảm ơn cháu đã tặng lại ánh sáng cho bác”.

Chị Dương trong buổi gặp xúc động đó cũng chia sẻ: “Khi nhìn vào mắt của hai người nhận, tôi cảm giác như con tôi vẫn đang ở cạnh mình. Lúc con còn sống, hai mẹ con thường cụng đầu và nhìn vào mắt nhau. Và giờ đây, mắt của con tôi vẫn sáng long lanh”.

Chỉ sau 4 ngày con mất, chị Dương cũng đã đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, để đăng ký hiến tạng sau khi mất.

Trái tim nhân hậu của bé Hải An và mẹ Dương đã làm lay động trái tim hàng triệu người. Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, sau câu chuyện bé Hải An, tổng cộng có gần 1.000 người đăng ký hiến tạng (trên tổng số 1.200 người hiến từ đầu năm đến nay).

“Gặp” con qua 5 người khác

Đó là câu chuyện của bà mẹ Cấn Thị Ngần (58 tuổi, trú tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ngày 27.7.2016, con trai mà là anh Trịnh Đình Vàng (sinh năm 1984) đột ngột ra đi do bị ngã từ sân thượng xuống, được chẩn đoán chết não. Bà đã dũng cảm ký đơn hiến tạng để các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện ca ghép tạng hồi sinh sự sống cho 5 người khác (tim, 2 quả thận, 2 giác mạc).

Bà Ngần chỉ là một bà mẹ nghèo, làm nông nghiệp. Chồng bà mất sớm, khi anh Vàng mới 5 tuổi. Bà ở vậy, tần tảo, khó nhọc nuôi 3 con lớn khôn.  Dù chỉ là một phụ nữ lam lũ, chất phác, nhưng vào giờ khắc đang quặn thắt đau đớn vì mất con nhưng tấm lòng người mẹ đã khiến bà hiểu được sự mong ngóng con được khỏe mạnh của nhiều người mẹ khác. Vì thế, bà nén đau, ký vào đơn hiến tạng của con trai để con trai người mẹ khác được cứu sống. 

Trái tim của con trai bà đã được trao tặng cho anh Nguyễn Nam Tiến – một chiến sĩ pháo binh lính biển bất ngờ bị viêm cơ tim, thời gian sống của anh được bác sĩ tiên lượng chỉ còn chưa đầy 1 tháng. Nhưng nhờ trái tim của anh Vàng, anh Tiến tiếp tục sống khỏe mạnh. Sau 20 ngày ghép tim, vẫn còn nằm trên giường hồi sức, anh Vàng nhận được tin vợ vừa sinh cho anh thêm một cô con gái. Và anh được tái sinh, để vợ không mất chồng, 2 con không mất bố. 

Nhiều tháng sau, khi anh Tiến đến thăm bà, bà Ngần nghẹn ngào. Bà cứ vuốt ve mãi lồng ngực của Tiến, nơi mà sau 6 tháng chôn cất con trai mình, bà lại nghe được tiếng tim đập của con như một phép màu.

Ngày giỗ đầu của Vàng (27.7.2017), điều kỳ diệu đã xảy ra khi cả 5 người nhận tạng của anh Vàng đã về thắp hương và cùng ngồi quây quần bên mâm cơm với bà Ngần. Bà đã được gặp lại con thông qua 5 người khác. “Như thể con trai tôi chưa bao giờ rời khỏi” – bà Ngần nghẹn ngào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem