Hé lộ số phận của VNPT-Vinaphone khi cơ cấu lại VNPT

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 05/01/2018 06:00 AM (GMT+7)
Theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký phê duyệt, Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) sẽ tiếp tục duy trì hoạt động theo mô hình hạch toán độc lập.
Bình luận 0

img

Sau khi VNPT được cơ cấu lại, VNPT-Vinaphone sẽ tiếp tục duy trì hoạt động theo mô hình hạch toán độc lập

Đưa VNPT trở thành Trung tâm giao dịch số tại thị trường Châu Á

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định 2129/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2018 - 2020 nhằm xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh; Nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số tại thị trường Đông Nám Á và Châu Á...

Mục tiêu phấn đấu của VNPT đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 10,8%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 7,7%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 11%/năm. Phấn đấu đến năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Theo phương án cơ cấu lại, ngành, nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ số khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.

Hé lộ số phận của VNPT-Vinaphone

Về kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại VNPT, Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 2018 - 2020 thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) hạch toán phụ thuộc công ty mẹ VNPT trên cơ sở sắp xếp lại các bộ phận, đơn vị quản lý, sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT và Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo.

img

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, Công ty mẹ - VNPT là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại thành phố Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại thành phố Hà Nội). Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (tại TP.HCM) sau khi sáp nhập.

Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh quốc tế của Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT - I); nghiên cứu thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ khi đủ điều kiện.

Đồng thời, tiếp tục duy trì Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) theo mô hình hạch toán độc lập. Trong quá trình cổ phần hóa, nghiên cứu cơ chế hạch toán của VNPT Vinaphone để đảm bảo hiệu quả, không làm thất thoát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu VNPT nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn góp của VNPT (sáp nhập Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (Potmasco) vào Công ty cổ phần Cokyvina; sáp nhập Công ty cổ phần KASATI vào Công ty cổ phần Viễn thông -Tin học Bưu điện CT-IN và tăng tỷ lệ vốn góp của VNPT tại CT-IN đạt mức trên 35% vốn điều lệ...); giải thể Văn phòng đại diện VNPT tại thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, Công ty mẹ - VNPT là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net); Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT - IT); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT - RD); Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ I, II, III.

Đơn vị sự nghiệp gồm: Bệnh viện Bưu điện và bệnh viện Đa khoa Bưu điện.

Các công ty con gồm: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone); Tổng công ty Truyền thông (VNPT Media); Công ty Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) (nghiên cứu thành lập sau khi hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn); Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology); Công ty cổ phần Viễn thông Tin học Bưu điện (CT-IN); Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF); Công ty VNPT GLOBAL HK (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Các công ty liên kết gồm: Công ty cổ phần COKYVINA; Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và Truyền thông (VNTT); Công ty cổ phần Quản lý tòa nhà VNPT (VNPT PMC); Công ty cổ phần những trang vàng Việt Nam (VNYP); Công ty cổ phần Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện (PTP); Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ và Truyền thông (NEO); Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS); Công ty ATH Malaysia và Công ty ACASIA Malaysia (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem