Haseco: Tổng Giám đốc xin từ nhiệm, thanh lý một loạt thiết bị trò chơi

21/03/2024 13:45 GMT+7
Công ty Cổ phần dịch vụ Giải trí Hà Nội (Haseco, UPCoM: HES) - chủ sở hữu Công viên nước Hồ Tây vừa nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc và người đại diện của bà Nguyễn Thị Vân.

Theo đơn của bà Nguyễn Thị Vân, bà đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc điều hành - người đại diện pháp luật đồng thời là Thành viên HDQT HES nhiệm kỳ 06/2022-6/2027.

Bà Vân đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc điều hành của công ty từ năm 2016 đến nay. Vào ngày 30/1/2024, theo quyết định số 599/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, bà Vân được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Theo đó, bà Vân xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành - người đại diện pháp luật tại HES để đảm bảo cho nhiệm vụ mới.

Công viên nước Hồ Tây bán thanh lý loạt thiết bị trò chơi trước hè

Thông tin đáng chú ý liên quan đến Haseco, trong 2 ngày từ 26 và 27/3/2024 tới đây, doanh nghiệp này sẽ tiến hành đấu giá thanh lý 8 thiết bị trò chơi trong Công viên Mặt trời tại Công viên nước Hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Cụ thể, tài sản đấu giá lần này là thiết bị trò chơi sóng thần (Crazy wave) với giá khởi điểm hơn 855 triệu đồng; đĩa bay (UFO) giá gần 870 triệu đồng; đu quay dây văng giá khởi điểm hơn 121 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty này cũng thanh lý thiết bị trò chơi đu quay hào hoa (ngựa quay) giá khởi điểm hơn 171 triệu đồng; 4 xe điện đụng 2004 giá hơn 204 triệu đồng. Hay 8 xe điện đụng 2020 giá khởi điểm hơn 210 triệu đồng.

Haseco: Tổng Giám đốc xin từ nhiệm, thanh lý một loạt thiết bị trò chơi- Ảnh 1.

Nhiều thiết bị trò chơi như đu quay, xe điện đụng... đang được thanh lý với giá từ hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Công viên nước Hồ Tây.

Bên cạnh đó, đu quay bạch tuộc và đoàn tàu leo dốc (rồng thép Thăng Long) cũng được công ty này rao bán với giá lần lượt là 352 triệu đồng và hơn 4 tỷ đồng.

Trước đó hồi đầu tháng 2, Haseco cũng bán đấu giá 2 thiết bị trò chơi là thuyền lắc Viking (hải tặc) giá khởi điểm 360 triệu đồng và đu quay xoắn giá khởi điểm 180 triệu đồng.

Theo Haseco, Công viên Mặt trời hiện đang sở hữu tổng cộng 16 trò chơi. Sự quyết định bất ngờ về việc thanh lý đồng loạt 10 thiết bị trò chơi này đã khiến nhiều người tò mò và tự hỏi về lý do mà Haseco đã đưa ra quyết định này, đặc biệt là khi mùa hè đang đến gần.

Thông tin được công bố các thiết bị trò chơi đều được tháo gỡ theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội (trừ đu quay khổng lồ). Trước đó, tại Nghị quyết ngày 22/9/2022, HĐQT công ty đã đồng ý chủ trương thanh lý các thiết bị trò chơi và mái che sân khấu thiên đường tuổi thơ trong Công viên Mặt trời mới.

Haseco là chủ Công viên nước Hồ Tây. Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hà Nội thành lập năm 1998 với vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là vui chơi giải trí các trò chơi dưới nước và trên cạn, dịch vụ văn hóa văn nghệ, dịch vụ thể thao rèn luyện thân thể.

HES làm ăn thế nào?

Trong năm 2023, HES ghi nhận doanh thu thuần 152,4 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm liền trước.

Trong cơ cấu doanh thu của Haseco, có một nguồn thu lớn đến từ việc cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sen (Sen Hồ Tây) khai thác cơ sở hạ tầng để kinh doanh buffet. Năm 2023, doanh thu từ hoạt động này là hơn 11,2 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 11,1 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp trong năm 2023 tăng nhẹ lên gần 60 tỷ đồng. Chi phí bán hàng 18,7 tỷ đồng, chi phí quản lý ở mức 30,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 32% so với năm 2022.

Tổng tài sản của HES tại 31/12/2023 đạt 113,3 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 20% xuống 3,5 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 28,8% lên hơn 38 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả giảm 16% xuống 13,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 15% lên 99,6 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ ở mức 93 tỷ đồng.

Ngày 19/5/2000, Công viên nước Hồ Tây chính thức khai trương và đi vào hoạt động với diện tích 6,4 ha. Công viên nước gồm 14 khu trò chơi dưới nước, toàn bộ trang thiết bị được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha theo tiêu chuẩn quy định của Hiệp hội Công viên nước thế giới.

Gần 2 tháng sau, khu vui chơi trên cạn rộng 1,7 ha nằm liền kề công viên nước ra đời và được đặt tên là Công viên Vầng Trăng, sau đổi thành Công viên Mặt trời mới.

O.L
Cùng chuyên mục