Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Thủy sản Việt Nam và 7 năm đeo "vòng kim cô" IUU của Ủy ban châu Âu (Bài 1)

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 24/04/2024 06:00 AM (GMT+7)
Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (gọi tắt là IUU) theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC). Hành trình đi gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam đã bước sang năm thứ 7...
Bình luận 0

LTS: Ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) chính thức rút "thẻ vàng" đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc IUU (đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định). Đến nay, hành trình gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam đã kéo dài gần 7 năm với rất nhiều nỗ lực của các cấp ngành trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao ý thức người dân. Và mới đây nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW với quyết tâm huy động cả hệ thống chính trị, nhất là ở 28 tỉnh, thành phố ven biển vào cuộc tháo gỡ triệt để vấn đề này.

Nhân dịp này, Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài "Hành trình gỡ thẻ vàng IUU" nhằm làm rõ những nguy cơ nếu chúng ta không gỡ được thẻ vàng, thậm chí có thể bị áp thẻ đỏ từ EC, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, Bộ, ngành Trung ương trong nỗ lực tìm ra giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU, phát triển thủy sản bền vững, lâu dài.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Thủy sản Việt Nam và 7 năm đeo "vòng kim cô" IUU của Ủy ban châu Âu (Bài 1)- Ảnh 1.

Đồng chí Trương Thị Mai- Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Phan Kiên- QĐND

Chỉ thị 32-CT/TW là vấn đề quan trọng, cấp bách, lâu dài

Để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành Thủy sản với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, Hội nghị nhằm khẳng định sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, đến các địa phương cũng như trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, ngư dân của 28 tỉnh, thành phố có biển.

Đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ: Từ năm 2017, khi nhận cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã nhận thức được những tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển ngành Thủy sản lâu dài. Từ đó đến nay, vấn đề này càng được nhận thức sâu sắc và đầy đủ từ cấp ủy Đảng đến hệ thống chính trị, các địa phương, nhận thức của ngư dân, người lao động có liên quan; hành động cũng ngày càng mạnh mẽ, tích cực hơn.

Theo đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị 32-CT/TW đã xác định đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, lâu dài. Ảnh hưởng tiêu cực từ cảnh báo “Thẻ vàng” đã thấy rõ: Hàng hóa, thủy sản xuất khẩu đến châu Âu phải kiểm soát 100% (thay vì kiểm tra theo xác suất). Chi phí doanh nghiệp cũng tăng lên. Về lâu dài, nếu không gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, phát triển đất nước mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân, người lao động có liên quan.

Trên tinh thần đó, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là các cơ quan, tổ chức, các địa phương có liên quan, các đội tàu cá, hợp tác xã, ngư dân, người lao động, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư về những địa phương, đơn vị làm tốt, địa phương chưa làm tốt để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó.

Đồng chí Trương Thị Mai bày tỏ tin tưởng, dù còn nhiều thách thức, nhưng khi nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt thì có thể đạt được mục tiêu đề ra. Về lâu dài, cần quan tâm, cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; quan tâm tạo sinh kế phù hợp, nâng cao đời sống ngư dân, người lao động có liên quan; đồng thời phải có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài. Trên cơ sở đó, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị kịp thời biểu dương những cá nhân, cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở những cá nhân, đơn vị chưa chấp hành nghiêm. Quá trình này cần chú trọng tạo sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ cuộc sống, động viên ngư dân, người lao động; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ngư dân./.

Vì sao EC rút thẻ vàng IUU với Việt Nam?

 Ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) chính thức rút "thẻ vàng" đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc IUU. 

Được biết, IUU (illegal, unreported and unregulated fishing) là chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Năm 2002, EU ban hành IUU trên cơ sở triển khai “Kế hoạch hành động quốc tế” của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) năm 2001, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá vi phạm IUU.

Mục đích mà IUU hướng tới là phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Theo quy định IUU, các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức thấp nhất là gấp 5 lần giá trị của sản phẩm sai phạm, gấp 8 lần giá trị cho các trường hợp tái phạm trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, luật cũng đưa ra các biện pháp xử phạt khác kèm theo như tịch thu tạm thời tàu đánh bắt cá vi phạm...

Bị phạt thẻ, tổn thất của các quốc gia xuất khẩu hải sản vào EU là không nhỏ vì nó tạo tâm lý e ngại cho các nhà bán lẻ ở EU đối với hải sản nhập khẩu từ quốc gia đó và có thể thay thế bằng hải sản đến từ quốc gia khác. Đặc biệt quốc gia nào bị phạt thẻ đỏ, các sản phẩm hải sản khai thác của quốc gia ấy sẽ bị cấm vào EU.

“Thẻ vàng” được xem là hình thức cảnh cáo chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt. Lý do EU rút thẻ vàng vì cho rằng Việt Nam chưa quản lý tốt ngành khai thác hải sản hoặc khai thác thiếu bền vững, bất hợp pháp và không có báo cáo. 

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Thủy sản Việt Nam và 7 năm đeo "vòng kim cô" IUU của Ủy ban châu Âu (Bài 1)- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) trong một lần thị sát hoạt động của lực lượng kiểm ngư, hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt trên biển. Ảnh: Cục Kiểm ngư.

Trước khi rút "thẻ vàng", từ ngày 13-19/5/2017, đoàn công tác của EU vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EU về IUU.

Qua kiểm tra, đoàn công tác của EU cho rằng, hoạt động quản lý khai thác thuỷ sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU về IUU và đã đưa ra 5 khuyến nghị, yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện thiện thể chế quản lý, quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi, hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng, thực xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản và ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ngay sau khi EC rút "thẻ vàng" IUU, Việt Nam đã tích cực triển khai các khuyến nghị của EU. Bộ NNPTNT phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong việc thẩm định, hoàn thiện dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi; đưa vào Luật Thuỷ sản sửa đổi các quy định về IUU theo khuyến nghị của EU.

Bộ NNPTNT cũng xem xét việc quy hoạch lại đội tàu khai thác phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý tàu cá, luật hóa lực lượng kiểm ngư, tổ chức động bộ hệ thống kiểm ngư từ trung ương xuống địa phương ven biển trên cơ sở tổ chức lại lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản. Bộ cũng triển khai mạnh các giải pháp nhằm hạn chế tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, điều chỉnh lại việc giao quyền xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản...

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Thủy sản Việt Nam và 7 năm đeo "vòng kim cô" IUU của Ủy ban châu Âu (Bài 1)- Ảnh 3.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam tuần tra trên biển. Ảnh: Cục Kiểm ngư.

Những tiến bộ trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC

Cho đến nay, đoàn thanh tra của EC đã trải qua 5 lần kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU.

Lần thứ nhất, tháng 5/2018, đoàn công tác của EC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn hành vi khai thác hải sản trái phép, tuy nhiên, EC vẫn chưa rút Thẻ vàng đối với Việt Nam bởi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục.

Lần kiểm tra thứ hai của EC bắt đầu từ ngày 5 – 14/11/2019. Theo đó, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Ủy ban Châu Âu ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian Đoàn làm việc tại Việt Nam.

Đoàn thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng. Việt Nam bước đầu tiến hành thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật trên thực tế.

Ngoài ra Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước. Việt Nam cũng rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.

Bên cạnh đó, những hạn chế, tồn tại cũng được đoàn thanh tra EC chỉ ra như: Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm; giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá chưa được toàn diện và còn nhiều lỗi kỹ thuật; xử phạt vi phạm hành chính còn rất hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa có bằng chứng chứng minh các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo cơ chế truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chính xác trong nhà máy chế biến… EC khẳng định khi nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban Châu Âu sẽ không rút thẻ vàng.

Sau lần thứ ba kiểm tra vào tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC đưa ra 4 khuyến nghị, gồm: khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU; tăng cường công tác quản lý tàu cá; tăng cường các giải pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Lần kiểm tra thứ tư của Đoàn thanh tra EC diễn ra từ ngày 10 đến ngày 18-10/2023, bao gồm các cuộc họp với các đơn vị của Bộ NNPTNT và đi thực địa tại hai tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định.

Đánh giá kết quả sơ bộ, phía EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương của Việt Nam; đồng tình với Việt Nam rằng việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có sự chuyển biến tích cực.

Về khung pháp lý, Đoàn công tác của EU cơ bản thống nhất với hướng sửa đổi, bổ sung đối Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Vấn đề mấu chốt còn lại là EU băn khoăn công tác tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, cũng như việc xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

Đoàn tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như các doanh nghiệp làm ăn phi pháp.

Đoàn cũng khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá, tạo sự chuyển biến trên thực tế, kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Theo kế hoạch, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam trong tháng 5/2024 để kiểm tra lần thứ 5 và sẽ đi thanh tra thực tế tại các địa phương cũng như làm việc với các cơ quan quản lý, làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, Bộ NNPTNT.

Hiện nay, có thể khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và cơ bản những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, đặc biệt là khuyến nghị của lần thanh tra thứ tư.

Chúng ta đã hoàn thiện đầy đủ hệ thống cơ sở pháp lý cũng như cơ chế chính sách cho chống khai thác IUU. Chúng ta đã quản lý chặt chẽ đội tàu qua hệ thống VMS, qua việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Với công tác truy xuất nguồn gốc, kể cả hàng khai thác trong nước cũng như hàng qua cảng Việt Nam cũng đã được kiểm soát.

Và các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tỷ lệ vi phạm IUU bị trả lại rất thấp. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật của các lực lượng chưa bao giờ mạnh mẽ và đồng bộ như thời điểm hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, việc gỡ được thẻ vàng sẽ phụ thuộc vào kết quả mà chúng ta đang triển khai từ nay đến lúc phía bạn sang; phụ thuộc vào kết quả thanh tra thực tế tại các địa phương, tại doanh nghiệp và tại các cơ quan quản lý và phụ thuộc vào những nỗ lực cao điểm của cả hệ thống chính trị, 28 tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị 32- CT/TW của Ban Bí thư.

Hiện nay, còn vướng mắc nhất là tình trạng tàu cá và ngư dân của chúng ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm rất nhiều nhưng chưa được chấm dứt. Do đó, làm sao từ thời điểm này đến lúc phía bạn sang, sẽ không còn phát sinh vụ việc nào bị các nước bắt giữ, xử lý thông báo. "Từ thời điểm này đến lúc đó, nếu không phát sinh vụ việc nào nữa thì khả năng gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam sẽ khả quan", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngay sau khi “thẻ vàng” mà EC áp dụng với thủy sản Việt Nam được áp dụng đã kéo thị trường này từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018. Nếu như năm 2017, EU vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt gần 1,46 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2016 thì đến hết tháng 6/2018, xuất khẩu thủy sản vào EU chỉ đạt 584 triệu USD, đứng thứ 4 trong nhóm các thị trường tiêu thụ chính của nước ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem